Truy cập hiện tại

Đang có 97 khách và không thành viên đang online

Suy ngẫm về câu chuyện “Ba lần được Trung ương cấp nhà nhưng Bác Tôn đều từ chối”

(TGAG)- Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ một công nhân, lính thợ đến tổ chức các phong trào đấu tranh cách mạng, từ ngục tù Côn Đảo đến tham gia kháng chiến, trải qua các chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cho đến khi làm Chủ tịch nước. Ở Người luôn luôn toát lên sự khiêm tốn, giản dị của một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng.

Chúng ta đã được nghe rất nhiều câu chuyện kể về tấm gương đạo đức mẫu mực của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nhưng với câu chuyện ba lần Trung ương cấp nhà nhưng Bác Tôn đều từ chối, một lẫn nữa làm cho chúng ta càng hiểu thêm về Bác - một con người cao cả, vì nghĩa lớn không một chút riêng tư, liêm khiết. Qua đây, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu học tập và làm theo, mà nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu.

Chuyện kể rằng, tháng 9/1969, Bác Hồ mãi mãi đi xa, Bác Tôn lên thay làm Chủ tịch nước. Từ ngày hòa bình lập lại năm 1954 đến lúc này, cùng ở với Bác Tôn tại biệt thự 35 Trần Phú, Hà Nội còn có gia đình hai người con gái của Bác là bà Hạnh và bà Nghiêm.

Thấy mình tuổi đã cao, Bác liền đề nghị cho chuyển gia đình họ ra khỏi biệt thự này, đến nhà 24-26 phố Cao Bá Quát, có lối thông sang nhà 35 Trần Phú. Theo Bác, làm như vậy “là để chuẩn bị sau này khi mình qua đời, dễ bề trả lại ngôi nhà cho Nhà nước”.

Gia đình hai người con gái hồi ở chung với Bác, mỗi người được cấp một phòng 20m2, khi sang nhà mới họ cũng chỉ được ở rộng chừng ấy. Sau này khi Bác Tôn qua đời, ngôi biệt thự số 35 Trần Phú đã được nhà nước bàn giao làm trụ sở một số cơ quan.
 

Chiến sĩ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng
sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975)

Chiến tranh lùi xa, đất nước hai miền đã được thống nhất. Một hôm, ông Nguyễn Văn Xiển, phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng ở thành phố Hồ Chí Minh dẫn ông Lê Hữu Lập, thư ký riêng của Bác Tôn đi thăm khu biệt thự An Phú, sát sông Sài Gòn, nơi quanh năm có gió mát lồng lộng.

Ở đây, có một căn hộ dành chuẩn bị để đón Bác Tôn vào đây an dưỡng tuổi già. Đưa tay chỉ 3 ngôi biệt thự ở đây, ông Xiển nói với ông Lập: “Còn đây là nhà chị Hạnh, chị Nghiêm. Đây là nhà dành cho anh”.

Trở về Hà Nội, ông Lập báo cáo và mời Bác Tôn vào xem nhà, Bác bảo: “Ta có ở trong này đâu mà đi xem”.

Sau này ông Lập mới biết, trước đó, ông Phạm Hùng có gọi ông Dương Văn Phúc, chồng bà Hạnh, lúc ấy là Phó chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng, đến giao nhiệm vụ: “Ông nhà tuổi đã cao, cần được chuyển vào Nam an dưỡng để sống thêm được nhiều năm nữa. Cậu không được ngăn cản mà phải thuyết phục để ông cho chuyển cả gia đình vào ở trong đó”.

Ông Phạm Hùng từng ở tù với Bác Tôn nhiều năm ngoài Côn Đảo, tình cảm hai người rất gắn bó với nhau. Ông Phúc về nói với Bác, Bác bảo: “Sao? Lúc còn đánh nhau với địch ta không được vào Nam. Giờ hòa bình, vào để chiếm nhà à?”.

Năm 1978, Bác Tôn bước sang tuổi 90, Trung ương Đảng chủ trương định xây cho Bác một ngôi nhà ở ngay tại Hà Nội. Địa điểm được chọn là khuôn viên chùa Trích Sài, phường Bưởi, bên Hồ Tây.

Cảnh vật ở đây yên tĩnh, mát mẻ. Nhà đã được thiết kế, vật liệu đã được tập kết, công trình sắp khởi công thì Bác Tôn biết. Bác cho gọi ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch sang hỏi: “Các anh định xây nhà cho tôi à?”.

Đến lúc này, ông Dũng làm như không biết gì, trả lời Bác: “Không ạ. Cháu nghe như Phủ Thủ tướng định xây nhà khách ạ”. Bác nói: “Thế là chuyện khác, còn nếu định xây nhà cho tôi thì xây để các anh ở”. Thế là kế hoạch lại bị vỡ.

Ba lần từ chối nhận nhà do Đảng và Nhà nước cấp cho mình và người thân. Đó là một điều đáng để chúng ta phải suy ngẫm!
Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu của chúng ta thật sự là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, với nếp sống giản dị, liêm khiết đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải học tập và noi theo./.

Lâm Giàu
(Nguồn BTGTW)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40832383