Tức Dụp - 128 ngày đêm, bản anh hùng ca bất tử
- Được đăng: Thứ sáu, 24 Tháng 4 2015 15:45
- Lượt xem: 6816
(TGAG)- Tôi đã đọc nhiều bài viết, đã nghe nhiều người kể, nhiều bài ca về cuộc chiến đấu trên Đồi Tức Dụp 128 ngày đêm - từ 17/11/1968 đến 25/3/1969. Tất cả - đều là những bài ca tuyệt đẹp, là tiếng nói chân thành, trân trọng của bạn bè, đồng bào, đồng chí dành cho các chiến sĩ Giải phóng quân đã anh dũng chiến đấu chống lại âm mưu, tội ác của một thế lực bạo tàn: Đế quốc Mỹ và bọn tay sai.
Trong những bài ca ấy, tôi vẫn còn lưu giữ được những nốt nhạc thật hùng tráng, thật khó quên, như người đời không thể nào quên những lời ca trong một Bản Anh hùng ca bất tử.
Chuyện kể Tức Dụp – 128 ngày đêm. Cái tên thật mộc mạc, thân quen của một tập truyện ký do các nhà văn An Giang viết ra theo lời kể của chính những người trong cuộc, một mảng của cuộc chiến tại đồi Tức Dụp. Họ là người từ trong các lò ảng, những hang C6, Điện Cối 6, Điện Mười Xem, Đồi Đất Đen, Đồi Năm Kiếm, hang bà Hai Bé... từ trong đồi Tức Dụp bước ra. Không cần nói nhiều, cũng không cần lý giải, nhưng khi đọc những trang nhật ký, diễn biến những vụ việc, những sự kiện... ta có thể hình dung và hiểu ra tất cả: Tại sao – Việt Nam thắng Mỹ. Bởi vì, ở đó – trên đồi Tức Dụp ấy, thực sự là một Việt Nam, một cuộc chiến toàn diện được thu nhỏ, một cuộc chiến lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều; ở đây không đơn thuần là một cuộc chiến – đây là một cuộc đọ sức – một cuộc đọ sức thần kỳ: giữa chiến tranh xâm lược và chiến tranh nhân dân; giữa cái thiện và cái ác; giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Cán bộ và chiến sĩ trên Đồi Tức Dụp đã nói cho kẻ thù của chúng ta biết rằng: dù chúng có tàu to súng lớn, có trăm phương ngàn kế, có lực lượng gấp mười, gấp trăm lần, nhưng một khi chúng không có chính nghĩa, không có tình yêu quê hương xứ sở thì chúng sẽ phải nhận lấy thất bại nặng nề.
Những thú nhận của các viên tướng Mỹ; những so sánh tương quan giữa ta và địch; bảng tổng kết sau cuộc chiến 128 ngày đêm trên đồi Tức Dụp; tư thế của người lính Giải phóng quân đã nói lên điều đó.
Mùa Xuân 1968. Trước cuộc tổng tấn công của Quân Giải phóng miền Nam, nhà thơ Tố Hữu đã dự cảm được mức độ khốc liệt của chiến tranh, đồng thời ông cũng hình dung được những chiến công vĩ đại, vẻ đẹp của những người anh hùng, ông đã nghiêng mình, thốt lên:
Hoan hô anh Giải phóng quân
Kính chào Anh, con người đẹp nhất!
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang, bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi
Một dây ná, một cây chông, cũng tiến công giặc Mỹ.
Không tự ngắm mình, anh chẳng hay đâu, hỡi chàng dũng sĩ!
Cả năm châu, Chân lý đang nhìn theo
Bóng Anh đi... và vành mũ tai bèo
Của Anh đó!
Ôi cái mũ vải mềm và dễ thương như một bàn tay nhỏ
Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành
Sáng trên đầu như một mảng trời xanh, mà xông xáo, mà tung hoành, ngang dọc
Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả Lầu năm góc!
Chúng ta đã nhìn thấy ở Chuyện kể Tức Dụp 128 ngày đêm những con người như thế. Những người con ưu tú, những người con anh hùng của quê hương An Giang./.
Lê Hồng Khâm
UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy