Truy cập hiện tại

Đang có 120 khách và không thành viên đang online

Anh hùng Vũ Khắc Sương

(TGAG)- Đồng chí Vũ Khắc Sương (Võ Khắc Sương, Năm Sương) tên thật là Võ Văn Cẩn sinh  năm 1924 ở xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sinh ra từ vùng quê giàu truyền thống cách mạng, chứng kiến cảnh đất nước bị nô lệ, cuộc sống của nhân dân vô cùng cơ cực, anh đã sớm nhận thấy và mong muốn được cầm súng chiến đấu để bảo vệ đất nước.


Khí thế sục sôi trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong đội hình Thanh niên Tiền Phong, anh tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tại xã Tân Hào. Là một trong 36 người đầu tiên tham gia thành lập Đội du kích Tân Hào (tiền thân của LLVT tỉnh Bến Tre ngày nay). Sau một năm miệt mài phấn đấu anh được kết nạp vào Đảng (9/1946). Từ năm 1946 - 1947, anh lần lượt giữ nhiệm vụ Trung đội phó rồi Trung đội trưởng, chỉ huy trung đội giành thắng lợi giòn giã các trận Giồng Chùa,  Bàu Dơi, Phú Lễ, Bưng Cốc... Mỗi khi kẻ thù nghe đến tên anh đều khiếp sợ và quyết bắt năm Sương cho bằng được.

Năm 1948, Năm Sương chỉ huy lực lượng diệt gọn 1 trung đội Pháp tại xã Tân Hào, về phía ta vẫn bảo toàn lực lượng. Cũng năm này, trong một trận càn địch đã cướp đi tính mạng cả vợ và hai đứa con của anh. Đau đớn tột cùng, anh ngậm ngùi chôn cất vợ và con, nén nỗi đau nuốt nước mắt vào trong và Năm Sương lại tiếp tục trở về đơn vị chiến đấu, quyết tiêu diệt cho bằng được quân bạo tàn để xoa dịu nỗi đau ấy!

Năm 1953, anh được cử đi đào tạo khóa quân sự ở Trung Quốc. Sau khi hoàn thành khóa học với nhiều lý thuyết tác chiến cộng với tài thao lược của mình, anh về nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn 330. Năm 1961, được thăng hàm Đại úy và điều về Sư đoàn 338 làm nhiệm vụ huấn luyện quân chi viện miền Nam.

Tháng 8-1962, Vũ Khắc Sương được điều động về giữ chức Tỉnh đội phó - Tham mưu trưởng Tỉnh đội An Giang, tiếp tục công việc huấn luyện đơn vị, củng cố cơ quan quân sự và cùng tập thể xây dựng kế hoạch tác chiến. An Giang là địa bàn dân tộc, tôn giáo, biên giới chưa một lần đặt chân đến nhưng hơn một năm sau khi nhận nhiệm vụ anh đã nhanh chóng nắm bắt được tình hình và sâu sát chiến trường.

Tháng 3-1964, được phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 512. Trong năm 1964, đồng chí đã chỉ huy đánh thắng rất nhiều trận quy mô lớn như :

Trận Lê Trì: Ngày 17-9, nhận nhiệm vụ. Vũ Khắc Sương cùng đồng đội quan sát nắm chắc tình hình địch là sẽ tấn công theo hướng Ba Xoài vào Lê Trì đánh qua Ba Chúc, từ đó đồng chí cho một bộ phận tiếp tục vây đồn siết chặt vòng vây, không cho địch ra khỏi đồn. Bố trí thêm bộ phận khác chặn đầu hướng đi của địch, số còn lại nhanh chóng đánh sườn trái phía sau lưng địch… qua hai ngày chiến đấu đã tiêu diệt gần 200 tên, bắt sống 20 tên và thu nhiều chiến lợi phẩm” .

Ngày 06-10, trận chi khu Kiên Lương: “Đây là con đường huyết mạch giao lưu kinh tế, chính trị trên mảnh đất Tây Nam. Quân khu lệnh phải diệt gọn chi khu này nhằm cắt đứt con đường vận chuyển, tiếp tế quân sự của địch. Năm Sương chú trọng làm công tác tư tưởng, xác định quyết tâm trong toàn đơn vị và tổ chức cán bộ đi trinh sát thực địa, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Đại đội… kết quả sau 1 giờ 20 phút chiến đấu ta làm chủ hoàn toàn chi khu Kiên Lương”2.

Trận đồn Vĩnh Thông: Rạng sáng ngày 25-12, Năm Sương chỉ huy Đại đội 1, Tiểu đoàn 512 chia thành hai tổ. Tổ thứ nhất bộ binh Đại đội 1 và đặc công vào bên trong đồn, tổ thứ 2 bên ngoài không thọc sâu được vào đồn để chi viện tổ bên trong. Địch phát hiện bắn trả liên tục. Tình hình vô cùng khó khăn, đồng chí dù bị thương ở chân nhưng bất chấp hiểm nguy rời vị trí chỉ huy cách đồn 40 mét, đến tận chiến trường, động viên từng chiến sĩ và tạo điều kiện để đơn vị tiêu diệt đồn. Sau 4 giờ chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn, tiêu diệt nhiều tên địch và thu toàn bộ vũ khí. Chiến thắng đồn Vĩnh Thông đã đập tan âm mưu hành quân càn quét vào căn cứ kháng chiến Bảy Núi.

Cuối năm 1965, đồng chí Năm Sương nhận quyết định giữ chức vụ Tỉnh đội trưởng An Giang. Từ năm 1965 - 1972, trên cương vị Tỉnh đội trưởng Năm Sương tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy và trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh. Đặc biệt là trận đánh 128 ngày đêm tại đồi Tức Dụp bẻ gãy âm mưu chiến lược, bình định của Mỹ. Với thành tích xuất sắc, quân dân An Giang được Trung ương Cục tặng 8 chữ vàng “Kiên cường bám trụ, giữ vững Núi Tô”.

Năm 1972, đồng chí được điều về làm Tỉnh đội trưởng tỉnh Bến Tre. Tại quê nhà, đồng chí cùng Tỉnh ủy, Tỉnh Đội chỉ huy chống bình định, từng bước chuyển thế phong trào cách mạng, xóa sổ nhiều đồn bót và lập nhiều chiến công. Đến năm 1975, tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí xây dựng thêm cho Tỉnh đội một Tiểu đoàn và lực lượng bộ đội địa phương lên cấp Tiểu đoàn nhằm đảm bảo quân số cho trận tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Bến Tre vào ngày 01-5.

Tháng 11-1975, đồng chí Năm Sương nhận lệnh về làm Chỉ huy phó Tỉnh đội Đồng Tháp. Đến tháng 01-1976, được điều trở lại làm Tỉnh đội trưởng An Giang.

Năm 1977, xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Một lần nữa mưu lược tác chiến của đồng chí lại được vận dụng vào việc xây dựng kế hoạch và tổ chức tác chiến, tiếp tục huấn luyện binh sĩ để đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến tranh, đẩy lùi bọn Pôn Pốt diệt chủng ra khỏi đất nước. Đến năm 1979, đồng chí được lệnh sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế, song song với việc chỉ huy lực lượng của tỉnh. Chỉ huy một lúc hai nơi ở hai quốc gia khác nhau thật không phải dễ, nhưng đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với bề dày chiến đấu và những thành tích đặc biệt xuất sắc đóng góp cho lực lượng vũ trang, tháng 6-1988, đồng chí Vũ Khắc Sương được phong quân hàm Thiếu tướng.

Tháng 3-1991, Thiếu tướng Vũ Khắc Sương được Bộ Quốc phòng cho nghỉ hưu  nhưng đồng chí lại tiếp tục tham gia hoạt động và giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh An Giang.

Quá trình hoạt động đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: 01 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 02 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì; 01 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 01 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 01 Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, 03 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; 01 Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc; 01 Huy hiệu kháng chiến Nam bộ; Huy hiệu 40, 50, 60 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen, giấy khen…

Ngày 27-4-2012, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Vũ Khắc Sương./.

 Phòng Lịch sử Đảng 

1,2 Những trận đánh trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của LLVT tỉnh An Giang, tập 1.

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40598104