Truy cập hiện tại

Đang có 194 khách và không thành viên đang online

Làm gì để giảng dạy lý luận chính trị hiệu quả

(TGAG)- Trên thực tế, vấn đề này đã được nhận diện và đặt ra từ khá sớm, là nỗi trăn trở của những người làm công tác lý luận nói chung, nhất là đối với đội ngũ giảng viên, báo cáo viên của Đảng.
 
Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, có nêu rõ: một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Trên thực tế, vấn đề này đã được nhận diện và đặt ra từ khá sớm, là nỗi trăn trở của những người làm công tác lý luận nói chung, nhất là đối với đội ngũ giảng viên, báo cáo viên của Đảng.
 
Vậy làm thế nào để phát huy được vai trò của giảng viên, báo cáo viên đối với việc nâng cao ý thức học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay?
 
Điều đó phụ thuộc vào động cơ học tập. Học để làm gì?

(1) Để được trang bị, bổ sung, cập nhật kiến thức… nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, tăng cường tri thức… đáp ứng có hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ được giao?

(2) Hay học tập lý luận chính trị chỉ là để có đủ điều kiện “bằng cấp”, đáp ứng nhu cầu “thăng tiến” thuần túy trên con đường công danh cá nhân?

Từ đó có thể suy ra được: Nếu động cơ là (1) thì chắc chắn việc học tập sẽ trong sáng, thuận lợi và tất yếu hiệu quả sẽ cao, bất luận khó khăn thế nào tác động đến quá trình học tập; dù đó là học tập tập trung theo chương trình lý luận chính trị quy định hay trong một đợt sinh hoạt nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Còn động cơ học tập là (2) thì miễn bàn, mặc dù đó đang là một thực tế nhức nhối trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận định.
 
Tuy nhiên, như dân gian thường nói “Không thầy, đố mày làm nên”. Do vậy, bên cạnh yếu tố tự thân cán bộ, đảng viên thì vai trò của giảng viên, báo cáo viên là vô cùng quan trọng.

Từ kinh nghiệm công tác của bản thân cũng như từ thực tiễn thu lượm được, theo tôi có mấy vấn đề cần quan tâm như sau:
 
Thứ nhất, giảng viên, báo cáo viên nên được chọn lựa, bố trí từ những người từng làm nghề dạy học, hoặc là những người đáp ứng được cơ bản những tố chất của nghề dạy học. Bởi, bên cạnh phẩm chất đạo đức, nhân cách, thì yêu cầu quan trọng nhất đối với giảng viên, báo cáo viên là cần phải có là năng lực sư phạm. Đối với đối tượng người học là cán bộ, đảng viên, trong đó có những người đã hoặc đang giữ nhưng cương vị quan trọng trong xã hội, có trình độ cao, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, thì giảng viên, báo cáo viên cần phải là người có vị thế về trình độ, năng lực, nhất là về nhân cách giảng dạy… Vậy, điều đầu tiên rút ra là, muốn nâng cao ý thức học tập lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, trước hết, giảng viên, báo cáo viên phải tự xây dựng cho mình hình ảnh của một người có độ tin cậy cao về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực thực tiễn trong mắt học viên. Khi đã có năng lực, trình độ, lại là người có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, chan chứa nhiệt tình cách mạng thì chắc chắn, việc “truyền lửa” của giảng viên, báo cáo viên sẽ hiệu quả.
 
Thứ hai, người học lý luận chính trị hầu hết là cán bộ, đảng viên, trong đó, nhiều người có trình độ cao, kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Nếu giảng viên, báo cáo viên không có phương pháp truyền đạt tốt thì hiệu quả học tập, sinh hoạt chính trị sẽ không cao; người học, người nghe sẽ thất vọng, tâm lý chán nản, ngại học chính trị là không tránh khỏi. Do đó, giảng viên, báo cáo viên cần nỗ lực nghiên cứu, tìm ra cho mình phương pháp giảng dạy, truyền đạt sao cho phù hợp nhất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của học viên. Thực tế cho thấy, đây là một trong khâu yếu nhất trong giảng dạy, truyền đạt lý luận chính trị hiện nay. Vì vậy, giảng viên, báo cáo viên phải chủ động nắm vững chương trình, nội dung giảng dạy (đối với các lớp tập trung); nắm vững nghị quyết, chỉ thị, chuyên đề cần giới thiệu truyền đạt (trong một cuộc sinh hoạt chính trị). Không chỉ “thuộc bài” mà còn phải “biết mười, nói một”. Bởi người nghe sẽ cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi nếu giảng viên, báo cáo viên lên bục chỉ chăm chú nhìn giáo án, nói theo sách vở những điều họ đã biết.
 
Bên cạnh việc chủ động về kiến thức, nội dung để có thể giảng bài theo kiểu “thoát ly giáo án” cũng cần tránh chủ quan, khinh suất, không nên bỏ qua giáo án một cách tùy tiện, thiếu tôn trọng người nghe. Mặt khác, giảng viên, báo cáo viên chính trị cần phải sớm thích ứng với những thay đổi, phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, thông tin và hội nhập sâu rộng.
 
Trước những thông tin, kiến thức mới được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và giảng viên, báo cáo viên cần phải “cân bằng” được chính mình trước những áp lực theo 2 chiều: Một là, bị lạc hậu trước thông tin; khi nói thì những điều cần nói, người nghe đã “biết cả rồi”. Hai là, sa đà vào những thông tin mới, nóng mà quên đi tính định hướng, nhất là đối với những thông tin “bên lề”, thiếu tính chính xác, chưa được kiểm chứng... Đây là một yêu cầu đặc thù của giảng viên, báo cáo viên chính trị. Bởi lẽ, nguyên tắc “tính Đảng” không cho phép tùy tiện, muốn nói gì thì nói, mà phải bảo đảm tính tư tưởng, tính giáo dục trong từng bài giảng. Do vậy, phải chủ động cập nhật thông tin, tránh bị lạc hậu song cũng phải biết lựa chọn thông tin, như con chim “biết chọn hạt”, không nên nói để mà nói theo kiểu “thợ nói”.
 
Thứ ba, cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp truyền đạt kiến thức theo hướng chuyển mạnh từ thuyết giảng bằng lời nói là chủ yếu sang kết hợp thuyết giảng có sử dụng công nghệ thông tin. Giảng viên, báo cáo viên khi biết sử dụng thuần thục công nghệ thông tin sẽ khai thác được thế mạnh của hình ảnh, âm thanh, biểu đồ… trong diễn đạt, minh họa bài giảng. Điều đó sẽ góp phần làm sinh động hơn bài giảng, bài nói tạo sức hấp dẫn, thu hút đối với người học, người nghe. Thứ tư, trong giảng dạy lý luận chính trị, nhất là đối với những lớp học tập trung theo chuyên đề, giảng viên, báo cáo viên cần tích cực vận dụng phương pháp sư phạm “lấy người học làm trung tâm”... Tùy theo từng chuyên đề, căn cứ đối tượng người nghe, có thể nêu các vấn đề để học viên chủ động suy nghĩ, tham gia giải quyết thông qua trao đổi, tranh luận, gắn với thực tiễn địa phương, đơn vị.
 
Tóm lại, ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất, tính hiệu quả của việc giảng dạy, học tập lý luận chính trị đã và sẽ vẫn phụ thuộc rất lớn vào vai trò của giảng viên, báo cáo viên. Giảng viên, báo cáo viên là người cung cấp kiến thức, người dẫn dắt, người “hướng đạo”… để cán bộ, đảng viên tiếp cận với lý luận chính trị theo mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra; là người đem tiếng nói của Đảng đến với cán bộ, đảng viên; cũng là người truyền ngọn lửa cách mạng đến với quần chúng. Uy tín, năng lực của họ sẽ góp phần làm cho họ trở thành “linh hồn” trong các cuộc học tập, sinh hoạt chính trị.

Phạm Vương
(Nguồn BTGTW)

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40609883