Truy cập hiện tại

Đang có 176 khách và không thành viên đang online

Hội thảo quốc tế "Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng tại hệ thống sông ĐBSCL"

(TGAG)- Ngày 26-11, tại Trường Đại học An Giang, UBND tỉnh phối hợp Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế "Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng tại hệ thống sông ĐBSCL". PGS.TS Dương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học-Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, GS.TS Trần Linh Phước- Hiệu trưởng Trường Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), cùng gần 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu, khoa học, lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL, các Sở: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Ban đối ngoại và phát triển dự án, Văn phòng chương trình Tây Nam Bộ, các Viện, Trường, các chuyên gia, nhà khoa học Quốc tế đầu ngành tham dự.


Thời gian qua vấn đề xói lở và bồi lắng tại hệ thống sông ĐBSCL diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng về sự quan tâm của địa phương và xã hội, đồng thời đã nhận được sự quan tâm, xử lý của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lúng túng trong phòng ngừa, ứng phó, xử lý sạt lở; một số giải pháp kỹ thuật chỉ ổn định tạm thời gây lãng phí.

Hội thảo giúp lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL nhà khoa học trong và ngoài nước cần có cái nhìn toàn diện về hiện tượng xói lở trong viễn cảnh bất khả kháng là kế hoạch phát triển thủy điện của Trung Quốc, Lào và Campuchia và biến đổi khí hậu trong những năm tới đây. Hội thảo là dịp để các chuyên gia quốc tế trình bày với lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL những kết quả nghiên cứu nguyên nhân cốt lõi và những giải pháp đề xuất góp phần hạn chế, ngăn chặn diễn biến xói lở và bồi lắng, góp phần phát triển bền vững hệ thống sông ĐBSCL.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang Võ Văn Thắng tặng hoa cho các báo cáo viên

Hội thảo được nghe các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và Quốc tế trình bày các chuyên đề: ảnh hưởng của việc thiếu bùn cát tới xói lở và bồi lắng cho hệ thống sông ĐBSCL 30 năm qua; mô hình 3 chiều không thủy tĩnh cho Vàm Nao; vận chuyển bùn cát lơ lửng từ sông MeKong về ĐBSCL... Qua đó đề xuất các giải pháp và kinh nghiệm thực tiễn mô phỏng xói lở trong sông và ven biển; các giải pháp công trình đã triển khai chống xói lở tại điểm nóng An Giang-Đồng Tháp; xu thế vận chuyển trầm tích ven biển ĐBSCL... Tọa đàm thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và làm rõ các vấn đề liên quan.


Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chào mừng đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự hội thảo, thể hiện sự quan tâm toàn diện vấn đề xói lở và bồi lắng tại hệ thống sông ĐBSCL.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: vấn đế xói lở, bồi lắng tại hệ thống sông ĐBSCL thời gian qua diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng, là điều nan giải, được lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, địa phương ưu tiên quan tâm xử lý 526 điểm sạt lở dài gần 800km, trong đó có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm và hàng ngàn tỷ đồng khắc phục hậu quả sạt lở, phục hồi an sinh cho người dân. Hội thảo hết sức có ý nghĩa để tìm nguyên nhân và giải pháp hạn chế xói lở, bồi lắng, thúc đẩy các sáng kiến, những luận cứ khoa học tổng quan về thực trạng, nguyên nhân, định hướng, đề xuất các giải pháp khoa học kỹ thuật, ngăn chặn, hạn chế, ứng phó diễn biến xói lở và bồi lắng cho hệ thống sông ĐBSCL, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL. Hội thảo còn là nguồn thông tin hỗ trợ cho Đảng, Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách vĩ mô đúng đắn, tránh các rủi ro tác động tiêu cực do sạt lở gây ra; cộng đồng dân cư nhận thức đúng đắn vai trò, trách nhiệm với dòng sông đã kiến tạo ra đồng bằng trù phú từ hàng ngàn năm trước.

Tin, ảnh: Hạnh Châu
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37174433