Truy cập hiện tại

Đang có 542 khách và không thành viên đang online

Xung quanh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa của Hoa Kỳ

(TUAG)- Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thế kỷ XXI. Nhiều nhà phân tích cho rằng, kiểm soát Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về cơ bản sẽ kiểm soát được thế giới bởi phần lớn các giao dịch thương mại thế giới đều tập trung tại khu vực này. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực nằm ở vị trí trung tâm của các lợi ích chiến lược chính trị và kinh tế của thế giới.


Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa với 5 trụ cột: Tự do và rộng mở - Kết nối - Thịnh vượng - An ninh - Có sức chống chịu tốt.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được cho là một bước tiến nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trọng tâm của chiến lược là hợp tác bền vững và sáng tạo cùng với các nước đồng minh, đối tác, nhằm đối phó với những thách thức cấp bách, từ việc cạnh tranh với Trung Quốc đến biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch. Đồng thời, chiến lược cũng thừa nhận một thực tế không thể phủ nhận là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất trên thế giới và tương lai của nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Trong chiến lược, chính quyền của Tổng thống J.Biden cam kết tăng cường vai trò của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế. Hoa Kỳ sẽ củng cố khả năng “răn đe” trước những động thái “gây hấn” quân sự nhằm vào Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong khu vực. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác. Theo đó, Mỹ theo đuổi 5 mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương:

Thứ nhất là tự do và rộng mở. Các biện pháp cụ thể gồm: (1) Đầu tư vào các thể chế dân chủ, báo chí tự do và một xã hội dân sự năng động; (2) Cải thiện minh bạch tài khóa ở khu vực và thúc đẩy cải cách; (3) Đảm bảo các vùng biển và bầu trời của khu vực được quản lý và sử dụng dựa theo luật pháp quốc tế; (4)Thúc đẩy các phương pháp tiếp cận chung đối với các công nghệ then chốt và mới nổi, internet và không gian mạng.

Thứ hai là kết nối. Theo đó, Mỹ xác định các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: (1) Tăng cường liên minh hiệp ước trong khu vực với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; (2) Tăng cường quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và các quốc đảo ở Thái Bình Dương; (3) Đóng góp cho một ASEAN ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất. Ngoài ra, Mỹ hướng đến tăng cường nhóm Bộ Tứ và thực hiện các cam kết của Nhóm; ủng hộ sự tiếp tục trỗi dậy cũng như vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong khu vực; phối hợp để tăng cường khả năng chống chịu cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương; tạo dựng kết nối giữa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với khu vực châu Âu - Đại Tây Dương; mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á và các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Thứ ba là thịnh vượng. Mỹ sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng thông qua: (1) Đề xuất một khuôn khổ kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; (2) Thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); (3) Thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng trong khu vực thông qua sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn cùng với các đối tác trong nhóm G7.

Thứ tư là an ninh. Các mục tiêu cụ thể: (1) Tăng cường khả năng răn đe tổng hợp; (2) Thắt chặt hợp tác và tăng cường khả năng phối hợp cùng với các đồng minh và đối tác; duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan (Trung Quốc); (3) Đổi mới để tác nghiệp hiệu quả trong môi trường mới với mối đe dọa thay đổi nhanh chóng, bao gồm không gian, không gian mạng, các lĩnh vực công nghệ then chốt và mới nổi.



Bên cạnh đó, Mỹ hướng đến tăng cường khả năng răn đe và phối hợp mở rộng với các nước đồng minh, gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên; tiếp tục thực hiện các mục tiêu của AUKUS; mở rộng sự hiện diện của Tuần duyên Mỹ cũng như hợp tác chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia khác; vận động Nghị viện để tài trợ cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương và Sáng kiến an ninh biển.

Thứ năm là có sức chống chịu. Mỹ nỗ lực hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm xây dựng các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và chính sách tới năm 2030 và 2050, nhất quán với mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C; giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của khu vực trước những tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường; chấm dứt đại dịch Covid-19, đồng thời củng cố an ninh y tế toàn cầu.

Việt Nam mong muốn các sáng kiến hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế; tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Đồng thời, Việt Nam quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Mỹ, cũng như tất cả đối tác để thúc đẩy nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực./.

P.TT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37388657