Truy cập hiện tại

Đang có 136 khách và không thành viên đang online

Phản ứng của các nước khi Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh

(TGAG)- Ngày 22/1/2021 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã biểu quyết thông qua Luật Hải cảnh, trong cùng ngày 22/01/2021 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký Sắc lệnh ban hành Luật này gồm 11 chương và 84 điều và có hiệu lực từ ngày 01/02/2021. Việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh sẽ có những tác động lớn đối với thế giới, khu vực và Biển Đông trong đó có Việt Nam.



Mỹ tiếp tục có những phản ứng mạnh mẽ với hành vi đe dọa, cưỡng ép và sử dụng vũ lực trên Biển Đông của Hải cảnh; nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc giải quyết tranh chấp trên biển thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế; yêu cầu các nước không cản trở quyền tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các đồng minh trong khu vực và các nước ASEAN nhằm bảo đảm tự do hàng hải, phát triển kinh tế biển ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương; tiếp tục thực thi các chính sách về thương mại, kinh tế để kìm hãm hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Các lực lượng quân sự Mỹ (Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển) sẽ gia tăng tần suất tuần tra tự do hàng hải, tự do hàng không, thường xuyên hiện diện, tổ chức tập trận với các nước đồng minh trên Biển Đông.

Nhật đặc biệt lo ngại đối với các hoạt động bất chấp pháp luật quốc tế, thách thức trật tự khu vực của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhật theo dõi sát hành động và sẽ có những phản ứng gay gắt với các hoạt động phi pháp của Hải cảnh trên biển. Nhật đã tăng ngân sách quốc phòng năm 2021 lên mức kỷ lục; nước này sẽ từng bước gia tăng hiện diện ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đẩy mạnh hỗ trợ, giúp các nước ASEAN nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ biển; sẵn sàng chuyển giao nhiều loại tàu thuyền, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ quốc phòng hiện đại và tăng cường huấn luyện, đào tạo, xây dựng năng lực an ninh biển cho các nước ASEAN.

Ấn Độ đang có tranh chấp lãnh thổ đất liền với Trung Quốc. Nước này công khai khẳng định lợi ích của mình ở Biển Đông trên cả khía cạnh kinh tế và an ninh. Lập trường của Ấn Độ luôn kêu gọi tôn trọng pháp luật quốc tế, ổn định khu vực tại Biển Đông. Ấn Độ sẽ phản ứng ở mức độ vừa phải với Luật Hải cảnh; có thể phản ứng mạnh hơn trong trường hợp hoạt động của Hải cảnh cản trở tuyến đường vận tải hàng hóa quốc tế quan trọng của Ấn Độ qua Biển Đông hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động hợp tác dầu khí của Ấn Độ với các nước ASEAN trên Biển Đông. Ấn Độ sẽ tăng cường hiện diện hải quân, thực hiện “quyền tiếp cận” để bảo đảm lợi ích của mình ở Biển Đông; hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, Úc, Mỹ và các nước ASEAN trong nhiều lĩnh vực.

Úc là nước có sự tương thuộc lớn về kinh tế với Trung Quốc, mối quan hệ giữa hai nước ngày một căng thẳng trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, thương mại. Trước năm 2020, sự can dự của Úc ở Biển Đông hạn chế, chủ yếu chỉ ở mức quan ngại; từ 7/2020, Úc có nhiều động thái quyết liệt, can dự mạnh mẽ hơn, phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; tuyên bố nước này có lợi ích đan xen quan trọng về kinh tế, chính trị, chiến lược tại Biển Đông; tham gia tập trận chung với Mỹ, Nhật Bản. Úc sẽ có những phản ứng mạnh trong trường hợp Hải cảnh đe dọa tuyến vận tải 60% hàng hóa xuất khẩu của Úc qua Biển Đông. Úc sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN, tăng cường huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực cho các nước ASEAN.

ASEAN là nhóm các nước chịu ảnh hưởng, tác động nhiều nhất bởi các hoạt động quân sự hóa, yêu sách chủ quyền biển phi lý, hành xử áp đặt, trái pháp luật quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước sự ra đời của Luật Hải cảnh, các nước ASEAN đều bày tỏ sự lo ngại và mong muốn khối ASEAN đóng vai trò tích cực hơn để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế, UNCLOS 1982. Các nước ASEAN tùy thuộc mối quan hệ với Trung Quốc và hậu quả thiệt hại do các hoạt động của Hải cảnh gây ra sẽ có những mức độ phản ứng khác nhau, cụ thể: Việt Nam, Indonesia, Malaysia là những nước có phản ứng mạnh nhất; Philippines, Singapore, Brunei phản ứng ở mức trung bình; Thái Lan, Campuchia, Myamar sẽ phản ứng ở mức thấp nhất.

Việt Nam, ngày 29/1/2021, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.

H.B (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40604988