Truy cập hiện tại

Đang có 145 khách và không thành viên đang online

APEC – trên cả diễn đàn kinh tế

(TGAG)- Tuần lễ cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Lima (Peru) từ ngày 17-20/11. Với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và Phát triển con người”, APEC Peru 2016 tập trung thúc đẩy 4 ưu tiên chính liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; thị trường lương thực khu vực; hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển vốn nhân lực.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ban đầu chỉ được xem là diễn đàn để các nhà lãnh đạo khu vực gặp gỡ nhau và có những trao đổi mang tính ngoại giao, song các thành tựu của APEC, dựa trên nền tảng hợp tác sâu rộng giữa các chính phủ và doanh nghiệp, đã cho phép diễn đàn kinh tế này mở rộng hơn nữa vai trò của mình và thúc đẩy sự ổn định của toàn khu vực.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, những kỳ vọng về hội nhập kinh tế của APEC nhanh chóng tiêu tan. Sự quan tâm mà người ta dành cho APEC càng phai nhạt vào những năm 2000, khi vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bắt đầu, và các thỏa thuận thương mại tự do nở rộ ở châu Á.

Kể từ đó, APEC đã triển khai một chiến lược ở mức độ vừa phải, tập trung vào các biện pháp thúc đẩy thương mại và hợp tác kỹ thuật. Giới chuyên gia kinh tế và truyền thông khi đó dường như đã mất dần sự quan tâm đối với các thông điệp về hội nhập kinh tế. Một số nền kinh tế thành viên không hài lòng với các biện pháp tự do hóa nói trên đã quyết định thành lập nhóm P4, đặt những nền móng đầu tiên dẫn tới việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, các cam kết ràng buộc về tự do hóa thương mại không đạt nhiều tiến triển trong giai đoạn những năm 2000. Vòng đàm phán Doha kết thúc vào năm 2015 song việc thông qua thỏa thuận đã bị trì hoãn và hiện vẫn chưa rõ số phận.

Với cách tiếp cận thực dụng và linh hoạt của APEC trong vấn đề tự do hóa thương mại đã thành công trong nhiều lĩnh vực như thủ tục thuế quan, hoạt động kinh doanh linh hoạt, cùng nhiều tiêu chuẩn hợp lý và có tính thống nhất cao. APEC đã đạt nhiều thành công đáng chú ý như đạt mục tiêu cắt giảm 5% các chi phí giao dịch thương mại vốn được đề ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC Thượng Hải năm 2001, và thêm 5% khác sau Hội nghị thượng đỉnh APEC Busan năm 2005.

APEC đã giúp xây dựng một chương trình hợp tác kinh tế và kỹ thuật nhằm thúc đẩy sự phát triển trong các ngành công nghiệp vừa và nhỏ, tạo nền tảng cho các biện pháp tái cơ cấu, giúp đảm bảo an ninh lương thực - những điều mà các thể chế kinh tế khác chưa đạt được.

APEC cũng đã đóng góp rất nhiều cho tiến trình toàn cầu hóa của châu Á, bắt đầu từ những năm 1980, tiền đề cho “điều kỳ diệu kinh tế Đông Á” trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam là một minh chứng cho sự thành công của APEC.

Không chỉ vậy, APEC cũng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của khu vực. Thịnh vượng là một trong những nền tảng của hòa bình. Bởi vậy, trong quá trình thúc đẩy hoạt động kinh tế ngày càng mạnh mẽ, APEC đã góp phần củng cố hòa bình và ổn định khu vực thông qua thịnh vượng và kết nối kinh tế, dù họ không trực tiếp giải quyết các vấn đề về an ninh.

Cơ chế mở về thành viên của APEC cho phép diễn đàn này đóng vai trò trong việc hàn gắn những mâu thuẫn về chính trị của nhiều nước tại châu Á-Thái Bình Dương. Việc các nước như Trung Quốc (năm 1990), hay Nga (năm 1998) gia nhập APEC đã giúp các thị trường này phát triển theo hướng tự do và mở cánh cửa dẫn họ tới WTO. Sự hiện diện của cả Trung Quốc và Đài Loan trong APEC cho thấy diễn đàn này là nơi đề cao mục tiêu và lợi ích chung hơn hẳn các mâu thuẫn và đối đầu chính trị.
Không chỉ vậy, các khuôn khổ đối thoại trên nhiều lĩnh vực của APEC cùng sự linh hoạt trong vấn đề các thị trường tự do đã giúp diễn đàn này tạo dựng một nền tảng cho hợp tác khu vực sâu rộng. Kinh nghiệm của APEC cho thấy các bất đồng về kinh tế hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua đối thoại, thay vì bác bỏ lẫn nhau, và điều này cần được áp dụng với cả những vấn đề khác ngoài kinh tế.

Châu Á và Thái Bình Dương là khu vực đứng trước nhiều thách thức về mặt an ninh, như nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang và quân sự hóa. Có thể nói, cách APEC giải quyết những bất đồng có thể là nền tảng để tìm lời giải cho các mâu thuẫn về an ninh và chính trị trong khu vực.

Dù là một thể chế kinh tế song tác động APEC có thể có trong các vấn đề chính trị - kết quả của lịch sử 28 năm hình thành và xây dựng - là điều cần được lưu tâm và phát huy, với mục tiêu phát triển một khu vực cùng đồng thuận về việc xây dựng “hòa bình qua đối thoại”.

Nguyên Khang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36993764