Truy cập hiện tại

Đang có 40 khách và không thành viên đang online

Muốn phát triển kinh tế thị trường càng cần định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong suốt quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngừng tìm tòi, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Tuy nhiên, những người muốn xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam vẫn luôn đưa ra những ý kiến chủ quan, phiến diện về đường lối phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Họ cho rằng, muốn phát triển KTTT thì phải bỏ "cái đuôi" định hướng XHCN…

Hành trình bắt nguồn từ chính đòi hỏi và mệnh lệnh của cuộc sống

Một số người cho rằng, dù có xây dựng các bộ tiêu chí thì KTTT ở Việt Nam vẫn không thể tiến bộ, hiện đại được khi gắn với “định hướng XHCN”. Họ phân tích: KTTT định hướng XHCN là cụm từ mơ hồ, chắp vá, vì hai chủ đề hoàn toàn mâu thuẫn với nhau, không thể dung nạp với nhau, là sự bảo thủ trì trệ của ý thức hệ. Việt Nam chỉ có thể xây dựng thành công nền KTTT khi từ bỏ con đường XHCN…

Những người có tư tưởng định kiến đó có lẽ không phải không biết rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam khi lựa chọn xây dựng nền KTTT định hướng XHCN đã trải qua biết bao trăn trở. Đó là cả một hành trình bắt nguồn từ chính đòi hỏi và mệnh lệnh của cuộc sống.

Liên doanh Vietsovpetro thành lập năm 1981 - biểu tượng của sự hợp tác Việt - Nga. Ảnh minh họa: Tư liệu TTXVN.

Trước Đại hội VI, không ai khác, chính những người cộng sản từng “đấm nát tay trước cánh cửa cuộc đời” nhiều bế tắc do đói nghèo, khủng hoảng đã tìm ra lối đi, chấp nhận những hạt nhân hợp lý của kinh tế hàng hóa tồn tại trong lòng cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Những khoán hộ, “khoán chui” và con đường tìm tòi đầy gian nan dần được nhìn nhận, ủng hộ để đi đến bước ngoặt đổi mới từ Đại hội VI, chính thức đề cập sản xuất hàng hóa (SXHH) và xác định “cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh XHCN” (Đại hội VI, năm 1986). Đó thực chất cũng là bước ngoặt Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận KTTT để xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ.

Tuy nhiên, phải 15 năm sau, khái niệm “KTTT định hướng XHCN” mới chính thức được xác định từ Đại hội IX của Đảng (năm 2001). Sau Đại hội VI, Đại hội VII (năm 1991) xác định xây dựng “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước”. Đại hội VIII (năm 1996) chủ trương xây dựng “nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN”.

Đến Đại hội IX (năm 2001), Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN", đó chính là nền KTTT định hướng XHCN.

Tại Đại hội X (năm 2006), mô hình “KTTT định hướng XHCN” được xác định rõ hơn nội hàm “nắm vững định hướng XHCN trong nền KTTT” với hàng loạt nội dung.

Đại hội XI (năm 2011) đặt vấn đề “tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo con đường XHCN” và để “hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN”, Đảng xác định trước hết cần “giữ vững định hướng XHCN của nền KTTT”.

Đến Đại hội XII (năm 2016), Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bước phát triển mới rất rõ nét trong tư duy về KTTT khi xác định đặc trưng cơ bản của nền KTTT định hướng XHCN. Đại hội XII xác định: KTTT định hướng XHCN “là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.

Đến Hội nghị Trung ương 5, khóa XII (tháng 5-2017), Đảng Cộng sản Việt Nam có nghị quyết riêng về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, trong đó xác định: Đến năm 2030 hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế KTTT định hướng XHCN ở nước ta, đồng thời đề ra 6 nhóm giải pháp chính và 5 nhiệm vụ trước mắt để triển khai thực hiện. Trong đó, giải pháp số một là thống nhất nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam với những quan điểm nhất quán.

Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm đổi mới kinh tế cũng là hơn 30 năm tìm tòi, hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN như nêu ở trên, nhiều nhà nghiên cứu, học giả, chính khách trên thế giới phải thẳng thắn thừa nhận: Đảng Cộng sản Việt Nam đã dũng cảm và sáng tạo, không hề bảo thủ về ý thức hệ. Và đến ngày hôm nay, bằng việc hướng tới xây dựng bộ tiêu chí nền KTTT định hướng XHCN để đi tới mục tiêu đến năm 2030 hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế KTTT định hướng XHCN, con đường phát triển của Việt Nam ngày càng sáng rõ, trở thành một thành tựu vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Vị trí kinh tế thị trường trong 2.000 năm lịch sử

Xét về mặt lý luận, sự lựa chọn KTTT định hướng XHCN hoàn toàn không phải một kiểu lắp ghép “đầu Ngô mình Sở” như ai đó nhiều lần quy chụp mà vẫn là sự trung thành, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Trong bộ Tư bản nổi tiếng, ngay trang đầu tiên C.Mác đã viết: “Trong những xã hội do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN) chi phối thì của cải biểu hiện ra là một “đống hàng hóa khổng lồ”. Điều này cho thấy, C.Mác đánh giá rất cao tính hiệu quả của nền SXHH mà giai đoạn phát triển cao hơn của nó là KTTT. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã nhận định: "Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”…

Thực tiễn cho đến ngày nay chứng minh những nhận định trên hoàn toàn chính xác. Theo một phân tích của các nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế quốc tế: Trong suốt 2.000 năm kể từ năm Công lịch đầu tiên (năm 0) đến nay, kinh tế thế giới về cơ bản qua 3 dấu mốc quan trọng xét về tốc độ tăng trưởng. Cụ thể: Giai đoạn I kéo dài 1.000 năm (0-1000), kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng bình quân 0,01%/năm, một mức tăng gần như không đáng kể. Giai đoạn II, từ năm 1000 đến năm 1820 (820 năm), kinh tế thế giới tăng trưởng bình quân 0,22%/năm. Giai đoạn III, từ năm 1820 đến năm 1998 (178 năm-do số liệu có đến năm 1998), kinh tế thế giới tăng trưởng bình quân 2,21%/năm, cao hơn mức bình quân của 820 năm trước 10 lần và cao hơn thời kỳ 1.000 năm (0-1000) tới 221 lần.

Từ lý luận Mác-Lênin đến tiêu chí kinh tế thị trường hiện đại

Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, V.I.Lênin ban đầu cũng từng chủ trương không áp dụng mô hình KTTT mà thực hiện “chính sách cộng sản thời chiến”. Nhưng sau đó, Người sớm phát hiện ra sai lầm, khắc phục sự nóng vội bằng cách đưa ra thực hiện “chính sách kinh tế mới” (NEP) mà nội dung cơ bản là khuyến khích phát triển kinh tế hàng hóa, chấp nhận ở mức độ nhất định cơ chế thị trường vì để xây dựng CNXH ở một nước còn tương đối lạc hậu về kinh tế như nước Nga, cần phải sử dụng quan hệ hàng hóa-tiền tệ, đặc biệt là sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước để phát triển lực lượng sản xuất.

Với tinh thần đổi mới và khoa học, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhìn nhận SXHH, KTTT không phải là riêng của CNTB và cũng không đối lập với CNXH. Ngay từ Đại hội VIII (năm 1996), Đảng đã đưa ra kết luận mới rất quan trọng: “SXHH không đối lập với CNXH mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan cần thiết cho công cuộc xây dựng CNXH và cả khi CNXH đã được xây dựng”.

Coi KTTT là một sản phẩm của văn minh nhân loại ngày càng phát triển với trình độ cao, nên Đảng Cộng sản Việt Nam khi xác định xây dựng nền KTTT định hướng XHCN luôn coi trọng yếu tố “mở”, cập nhật, tiếp thu tinh hoa, tiến bộ từ nền KTTT ở nhiều nước trên thế giới. Những quan điểm phản bác KTTT định hướng XHCN gần đây thường cho rằng, cái đuôi định hướng XHCN là lạc loài, dị biệt khiến cho Việt Nam không thể có KTTT đúng nghĩa!

Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần làm rõ những tiêu chí, đặc trưng của KTTT ở Việt Nam và ở các nước trên thế giới hiện nay có gì khác nhau. Mới đây, Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức hội thảo khoa học rất ý nghĩa với chủ đề: “Tiêu chí nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam-Lý luận và thực tiễn”, cung cấp thêm nhiều cơ sở khoa học và thực tiễn về vấn đề này.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Thạo, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cần phải nghiên cứu sâu sắc về KTTT thế giới mới hiểu đúng bản chất của KTTT, mới rút ra được những đặc trưng của nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế. Hiện nay, một số nước kinh tế phát triển và tổ chức quốc tế (như WTO) có đưa ra những tiêu chí nền KTTT.

Cụ thể, các nước châu Âu (EU) đưa ra 5 tiêu chí của nền KTTT gồm: (1) mức độ ảnh hưởng của chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp; (2) không có hiện tượng nhà nước can thiệp quá mức hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến khu vực tư nhân hóa; (3) ban hành và thực thi luật doanh nghiệp minh bạch và không phân biệt đối xử, bảo đảm quản lý doanh nghiệp một cách thích hợp; (4) ban hành và áp dụng một hệ thống luật thống nhất, hiệu quả và minh bạch, bảo đảm tôn trọng quyền sở hữu tài sản và bảo đảm sự vận hành của quy chế phá sản doanh nghiệp; (5) tồn tại một khu vực tài chính đích thực hoạt động độc lập với nhà nước…

Mỹ đưa ra 6 tiêu chí nền KTTT gồm: (1) khả năng chuyển đổi đồng tiền; (2) tự do thỏa thuận mức lương; (3) đầu tư nước ngoài; (4) sở hữu hoặc quản lý của nhà nước đối với các ngành sản xuất; (5) quản lý của nhà nước đối với sự phân bổ các nguồn lực; (6) các yếu tố khác.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) yêu cầu các nước trở thành thành viên của WTO phải đáp ứng các yêu cầu của WTO về nền KTTT với 5 tiêu chí (nếu chưa đáp ứng được thì phải cam kết đáp ứng được những tiêu chí này sau một số năm chuyển đổi, ví dụ đối với Việt Nam là 12 năm). Những tiêu chí gồm: (1) thương mại không phân biệt đối xử; (2) thương mại ngày càng tự do hơn; (3) bảo đảm tính minh bạch, dễ dự đoán trong chính sách thương mại; (4) thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; (5) thúc đẩy phát triển và cam kết cải cách kinh tế theo hướng thị trường…

Nghiên cứu các tiêu chí nêu trên, chúng ta sẽ thấy, Mỹ, EU hay WTO đưa ra các tiêu chí nền KTTT không phải với mục đích chính là xác định những đặc trưng nền kinh tế của mình, mà nhằm tạo ra thước đo để đánh giá nền kinh tế của các nước khác, tạo ra những luật chơi cho các quốc gia cùng tham gia sân chơi của họ. Vì vậy, các tiêu chí này có những yếu tố chủ quan, thể hiện sự quan tâm riêng của từng nước. Cả Mỹ và EU đều quan tâm tới mức độ can thiệp của nhà nước đối với doanh nghiệp, đến tự do kinh doanh, luật pháp, giảm sự can thiệp của nhà nước... là những tiêu chí hàng đầu của KTTT. Trong khi WTO chỉ tập trung vào lĩnh vực thương mại, xóa bỏ những rào cản để thúc đẩy tăng trường thương mại toàn cầu. Những tiêu chí đó đều thúc đẩy tự do, phát triển kinh doanh nhưng không phải không có những hạn chế, tiêu cực. Và điều quan trọng nhất, những đặc trưng, nội hàm cơ bản của nền KTTT định hướng XHCN mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định thì cũng không có gì mâu thuẫn với mặt tích cực của các hệ tiêu chí trên. Ngược lại, Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng luôn xác định phải hoàn thiện thể chế KTTT, tôn trọng các quy luật khách quan của KTTT, thúc đẩy tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế… Tất nhiên, ở một số góc độ khác, như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, minh bạch hóa, lành mạnh hệ thống tài chính… Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT.

Định hướng XHCN không mâu thuẫn với những tiêu chí KTTT hiện đại

Theo quan điểm Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam “là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Theo đó, định hướng XHCN thể hiện ở 5 điểm: Có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN; do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội; xác lập quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp để thúc đẩy phát triển mạnh lực lượng sản xuất; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển… Những nội dung trên về bản chất không mâu thuẫn với các tiêu chí KTTT trên thế giới xác định, không hề triệt tiêu KTTT như các quan điểm thiếu khách quan áp đặt mà đều chung ở sự tiến bộ, văn minh, hướng tới dân chủ, công bằng. Việc phát huy dân chủ, xác lập quan hệ sản xuất tiến bộ, hướng tới công bằng, văn minh… là những điểm rất tương đồng với các tiêu chí KTTT hiện đại phương Tây, thậm chí còn có thể nói là toàn diện hơn, tiến bộ hơn khi Việt Nam còn chú ý tới cả quan hệ phân phối sao cho công bằng hơn, nhân văn hơn-điều mà nhiều hệ tiêu chí KTTT phương Tây chưa chú trọng.

Hơn 10 năm trước, trong bài viết đầu năm 2007 về KTTT định hướng XHCN đăng trên Tạp chí Cộng sản, GS, TS Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) đã khẳng định: “Lựa chọn mô hình KTTT định hướng XHCN không phải là sự gán ghép chủ quan giữa KTTT và CNXH, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của KTTT trong thời đại ngày nay”. Và “với phương châm “Hãy bắt tay vào hành động, thực tiễn sẽ cho câu trả lời”, hy vọng rằng từng bước, từng bước, thực tiễn sẽ làm sáng tỏ được các vấn đề nêu trên…”. Hơn 10 năm nhìn lại, những phân tích trên ngày càng xác đáng. Thực tiễn đã chứng minh, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam không phải là khái niệm mơ hồ mà ngày càng sáng rõ. Kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 cho đến năm 2018, đã có 69 nước công nhận Việt Nam là quốc gia có nền KTTT. Điều này chứng minh, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam không phải là dị biệt mà ngày càng hội nhập, hoàn thiện, sự lựa chọn mô hình, mục tiêu “định hướng XHCN” là hướng đi riêng theo con đường đã chọn của Việt Nam ngày càng thành công, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

HÀ THÀNH

Nguồn: QĐND

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40415596