Truy cập hiện tại

Đang có 112 khách và không thành viên đang online

Bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Sau 30 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 26/6, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc, hoàn thành chương trình nghị sự đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
 
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều vị khách mời; các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9 với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng. Đây là thời điểm phù hợp để Quốc hội có những nhận định, đánh giá về tình hình đất nước những năm qua, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ban hành luật pháp và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng khác.

Bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình trước nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, về cơ bản, Quốc hội đã hoàn thành việc xây dựng các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo Hiến pháp mới, với tinh thần tôn trọng Nhà nước pháp quyền, nền dân chủ nhân dân. Quốc hội cũng dành sự quan tâm thích đáng trong thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tư pháp theo quy định của Hiến pháp, định hướng cải cách tư pháp; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường...

Tại kỳ họp này, thể theo nguyện vọng của một bộ phận người lao động, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động; ban hành Nghị quyết về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng và tiếp tục khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; coi đây là dự án quan trọng đặc biệt quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2016; lần đầu tiên tiến hành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Cũng tại kỳ họp này, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc một cách thận trọng và quyết định bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Quyết định này khẳng định sự nghiêm khắc, công minh của Quốc hội khi xem xét tư cách đại biểu Quốc hội, là yêu cầu về sự phấn đấu, rèn luyện để đại biểu Quốc hội luôn xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri và của nhân dân.

“Để các quyết định của Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình tiếp tục triển khai toàn diện các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp mới, các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thành công, để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, cử tri cả nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội kịp thời gặp gỡ, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để luôn có tiếng nói đại diện cho quyền lợi của cử tri vào các quyết định của Quốc hội.

Trong lời phát biểu bế mạc, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng trân trọng cảm ơn hoạt động tích cực, hiệu quả của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân cả nước, của các ngành, các cấp, các đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và các đơn vị phục vụ đã góp phần vào thành công của kỳ họp.

Cũng trong chiều nay, trước khi họp phiên Bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn với 92,71% tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành./.

Đỗ Thoa/ĐCSVN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40109418