Truy cập hiện tại

Đang có 57 khách và không thành viên đang online

Người Thầy thuốc phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện y đức, y nghiệp để chữa bệnh cứu người

(TGAG)- Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông cho rằng “nghề y là nghề cao quý, nghề giúp nước, giúp dân, là nghề nhân thuật, nghề liên quan đến tính mệnh con người”. Vì vậy, người làm nghề y không thể là người kém cỏi về tài năng cũng như đạo đức” và ông cho rằng, muốn trở thành người thầy thuốc có lòng nhân ái thì phải dày công rèn luyện theo tám đức (nhân, minh, trí, đức, lượng, thành, khiêm, cần) và chống tám tội (lười, keo, tham, lừa đối, bất nhân, hẹp hòi, thất đức, dốt).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào... Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu” để giáo dục, nhắc nhở những người làm công tác y tế và y học tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mình trong thực hành y nghiệp. Trong công cuộc đổi mới, Bộ Y tế đã ban hành quy định về 12 điều y đức...

Những đóng góp tích cực của người thầy thuốc

Kế tục và phát huy truyền thống “Lương y phải như từ mẫu”, trong những năm gần đây, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của ngành y tế ở nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng, như Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 20-NQ/TW) nhận định: năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao. Nhiều tấm gương y, bác sĩ tận tụy chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận. Đại đa số đội ngũ cán bộ y tế luôn nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nghề nghiệp, tận tụy, khắc phục khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm v.v...

Những tác động đến y đức, y nghiệp của người thầy thuốc

Ngày nay, trong bối cảnh mới của đất nước, y đức - y nghiệp đang được đặt ra như một vấn đề bức xúc. Sự chuyển đổi từ một nền y tế bao cấp sang nền y tế trong cơ chế thị trường, những tác động tiêu cực của nó ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người thầy thuốc. Nghị quyết số 20-NQ/TW đánh giá: một bộ phận cán bộ y tế có thái độ phục vụ thiếu chuẩn mực, thậm chí nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phản cảm, bức xúc. Còn xảy ra sự cố y khoa gây tổn hại sức khỏe người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong do kém chuyên môn, thiếu trách nhiệm... nhưng giải pháp khắc phục còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân chủ quan là công tác giáo dục y đức ở nhiều nơi bị buông lỏng. Một số nơi đề cao, tuyệt đối hóa cơ chế thị trường, coi người bệnh chỉ là khách hàng.

Giải pháp rèn luyện y đức, y nghiệp

Để thực hiện có hiệu quả một trong những mục tiêu tổng quát nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TW: xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau:

Trước hết, coi trọng công tác giáo dục đạo đức truyền thống của ngành y tế: học tập, làm theo lời thề Hy-pô-crát, lời thề và những điều y đức của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, nhất là tư tưởng của Bác Hồ về y đức. Học tập, quán triệt sâu sắc và thực hiện Nghị quyết số số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; học tập các quan điểm định hướng xã hội chủ nghĩa trong văn kiện các kỳ đại hội của Đảng đối với ngành y tế.

Thứ hai, cần đổi mới trong giáo dục y đức hiện nay là phải phân tích một cách phù hợp mối quan hệ giữa việc hy sinh, cống hiến của thầy thuốc dành cho người bệnh với việc lo toan “mưu sinh” kiếm sống của thầy thuốc, thay cho việc kêu gọi thầy thuốc chỉ biết hy sinh như kiểu giáo dục trước đây trong thời kỳ bao cấp. Phần lớn những biểu hiện sai lầm của thầy thuốc về y đức xuất hiện trong thời gian qua đều là do thầy thuốc chưa được quán triệt và nhận thức đầy đủ về mối quan hệ biện chứng mang tính nhân quả này.

Thứ ba, người thầy thuốc phải có lòng vị tha: phải có lòng nhân ái, phải sẵn lòng cứu chữa người bệnh và quan trọng nhất là phải đặt quyền lợi, tính mạng của người bệnh lên trên quyền lợi của bản thân mình. Đành rằng trong cơ chế thị trường, chúng ta phải nói tới lợi ích của người thầy thuốc và người thầy thuốc phải chăm lo đến việc mưu sinh của mình, nhưng trong mối quan hệ giữa việc hy sinh, cống hiến để cứu chữa tính mạng người bệnh với việc lo toan mưu sinh, kiếm sống thì người thầy thuốc bao giờ cũng phải đặt tính mạng của người bệnh lên trên lợi ích cá nhân mình.

Thứ tư, đổi mới thái độ phục vụ, nâng cao y đức; tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, xâm hại đến nhân phẩm và sức khỏe thầy thuốc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cơ sở y tế.

Thứ năm, người thầy thuốc phải luôn trau dồi học vấn và kỹ năng nghề nghiệp, phải thực sự có tay nghề giỏi, điêu luyện. Thầy thuốc phải luôn luôn nhớ một câu nói liên quan đến nghề nghiệp của mình, đó là nghề y không phải là nghề chữa bệnh mà là nghề chữa người bệnh (con bệnh). Vì vậy, muốn trở thành thầy thuốc giỏi không có cách nào khác là phải từng trải và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp trong thế giới người bệnh muôn hình muôn vẻ. Hải Thượng Lãn Ông đã chỉ ra rằng: “Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát”.

Thiết nghĩ, việc gắn y đức với y nghiệp biểu hiện cả tiêu chí đức lẫn tài, mang tính chắt lọc, tích lũy dài lâu, suốt cuộc đời, gắn với vận mệnh, vừa mang tính quyết đoán, dấn thân vừa tự nguyện và hiến dâng (hy sinh) để cứu chữa người bệnh.

TRƯỜNG GIANG
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40585156