Truy cập hiện tại

Đang có 275 khách và không thành viên đang online

Ngày Gia đình Việt Nam bàn về bình đẳng giới

(TGAG)- Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội; cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Luật bình đẳng giới, bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Bình đẳng giới cần được cụ thể hóa trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội (chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, y tế) và gia đình.

Giải pháp thực hiện bình đẳng giới trong gia đình cần phải thay đổi kỹ năng giao tiếp của nữ giới, tư duy của nam giới và cách nhìn nhận của xã hội.

Thứ nhất, theo dòng chảy lịch sử Việt Nam, ở nước ta chế độ mẫu hệ xuất hiện trong thời Hậu kỳ đồ đá cũ. Bước sang thời kỳ phong kiến với sự du nhập của Nho giáo, xã hội mẫu hệ dần phải nhường chỗ cho xã hội phụ hệ. Khi cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Nhà nước chính thức khẳng định quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay ý thức bảo thủ của Nho giáo vẫn được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ tiếp tục chi phối các mối quan hệ trong gia đình. Do đó, khái niệm bình đẳng giới trong gia đình cần được cụ thể hóa “Bình đẳng giới trong gia đình là việc phân công đồng đều số công việc trong gia đình giữa nam và nữ để đảm bảo cả hai giới có đủ thời gian nghỉ ngơi và giành thời gian hạnh phúc bên nhau”. Theo Tổng Cục thống kê ban hành năm 2016, dân số Việt Nam ước tính 92,7 triệu người. Trong đó, nam giới chiếm 49,4% và nữ giới chiếm 50,6%. Chính vì thế, trên 50,6% dân số trong đó có nữ giới và xã hội luôn nhìn nhận việc nam giới chia sẻ công việc gia đình cùng nữ giới là thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia của phái nam dành cho nữ giới. Bên cạnh đó, quan điểm nam giới chia sẻ công việc gia đình với nữ giới là thiếu bản lĩnh. Quan điểm này chỉ được khoảng dưới 49,4% dân số đồng tình vì đây chỉ là quan điểm lệch lạc phiến diện. Như vậy, xét về mặt tỷ lệ, trên 50,6% dân số thống nhất quan điểm nam giới cần chia sẻ công việc gia đình với nữ giới và hành động này được cả xã hội nhìn nhận theo hướng tích cực.

Thứ hai, trong quá trình giao tiếp khi cần sự hỗ trợ của nam giới đối với công việc gia đình, nữ giới nên sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, mạch lạc tránh tình trạng gây căng thẳng, áp lực khi nam giới không thực hiện ngay công việc nhằm giúp quá trình giải quyết công việc được thuận lợi và tạo không khí vui vẻ cho tất cả các thành viên trong gia đình. Đối với hình thức xử phạt, người nào có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại, gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vun đắp để có một gia đình hạnh phúc.

PHƯƠNG HẢI


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36728377