Truy cập hiện tại

Đang có 265 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Hiệu quả từ điểm giao dịch xã

(TUAG)- Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tri Tôn đã tích cực phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai hiệu quả các điểm giao dịch tại cơ sở. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân ở các vùng sâu, vùng xa được tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo…


Tuyên truyền và công khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ngay tại điểm giao dịch xã

Nhiều năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn triển khai thực hiện hiệu quả các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Phòng giao dịch NHCSXH huyện tổ chức 15 buổi giao dịch tại 15 xã, thị trấn trên địa bàn, từ ngày 6 đến 22 hàng tháng (trừ ngày 11 và 16). Hoạt động tại các điểm giao dịch được thực hiện nghiêm túc theo đúng thời gian quy định. Tại các điểm giao dịch xã, thị trấn, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn phổ biến, tuyên truyền và công khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, thực hiện quy trình xử lý nợ. Đồng thời, họp giao ban với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và lãnh đạo địa phương, để tìm giải pháp phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách.

Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn Vương Quốc Cường cho biết: “Bất kể ngày nghỉ hay ngày lễ, điểm giao dịch tại các xã, thị trấn được tổ chức cố định vào một ngày trong tháng nên rất thuận lợi cho bà con đến làm thủ tục vay vốn, trả lãi. Các thành viên trong Tổ giao dịch luôn chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ mọi phương tiện cần thiết cho một ngày giao dịch an toàn và hiệu quả. Với các chương trình vay vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, xây nhà ở, tạo việc làm, có điều kiện cho con tiếp tục học tập và đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường…, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.


Điểm giao tại xã Tân Tuyến

Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, trước mỗi phiên giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ tín dụng có cuộc họp phổ biến cho các Tổ trưởng Tổ TK&VV nắm bắt những chính sách mới, kế hoạch hoạt động để kịp thời triển khai. Đồng thời, các Tổ trưởng Tổ TK&VV thường xuyên cập nhật đầy đủ, các chế độ chính sách mới để phổ biến lại cho các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn. Ngoài ra, các Tổ TK&VV cùng lãnh đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và cán bộ tín dụng sẽ họp xét từng trường họp có nhu cầu vay vốn để trình UBND xã phê duyệt. Chị Vương Đông Lan, Tổ trưởng Tổ TK&VV Hội Cựu Chiến binh xã Tân Tuyến ở ấp Tân Đức cho biết: “Trước và sau mỗi lần giao dịch, chúng tôi luôn tiến hành phổ biến, quán triệt và hội viên trong tổ phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách được vay, đồng thời thực hiện nghĩa vụ trả lãi đúng hạn. Nhờ đó, nhiều hội viên có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo. Hiện, tổ có 33 thành viên, với tổng dư nợ trên 800 triệu đồng”.

Điểm giao dịch của NHCSXH huyện Tri Tôn tại xã Tân Tuyến được tổ chức định kỳ vào ngày 20 hàng tháng. Phiên giao dịch bắt đầu từ 8 giờ sáng, nhưng người dân đến sớm hơn để tranh thủ xem các chương trình tín dụng ưu đãi, mức vay, lãi suất được niêm yết công khai tại hội trường UBND xã. Ngoài ra, trước khi giải ngân, người dân còn được đại diện Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn phổ biến quyền lợi, nghĩa vụ và các chính sách tín dụng khi tham gia vay vốn tại ngân hàng. Xã Tân Tuyến có 18 tổ TK&VV, tổng dư nợ toàn xã đạt trên 23,2 tỷ đồng, với gần 820 hộ được vay vốn. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Chị Đào Thị Bé Mười (ngụ ấp Tân Đức, xã Tân Tuyến) chăm chú xem thông tin khoản vay của mình được NHCSXH huyện niêm yết trên bảng tin. Hôm nay, chị Mười đến vay 20 triệu đồng để cất lại nhà vệ sinh và mua thêm bồn nước, sau khi đã được Tổ TK&VV ở ấp xét duyệt và được lãnh đạo UBND xã phê duyệt. Chị rất vui mừng vì được vay vốn ưu đãi và vui hơn nữa khi các thủ tục vay vốn, trả lãi, gốc đến hạn đều thực hiện nhanh gọn, với hình thức linh hoạt phù hợp với điều kiện của gia đình. “Hàng tháng, ngoài tiền lãi đóng mỗi tháng, tôi sẽ gửi tiết kiệm tích lũy đến 6 tháng sẽ trả tiền gốc. Với cách làm này, tôi sẽ cố gắng trả trong vòng 2 hoặc 3 năm, dù thời gian vay là 5 năm” – chị Mười chia sẻ. Còn anh Huỳnh Hữu Lợi (ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Tuyến) chia sẻ: “Nhờ có điểm giao dịch xã giúp bà con nông dân giảm bớt thời gian đi lại, dễ dàng tiếp cận được các chính sách tín dụng ưu đãi nhà nước và trả nợ nhanh hơn, tránh được rủi ro. Hơn nữa, việc nộp tiền lãi hàng tháng cũng thuận tiện hơn rất nhiều…”.


Điểm giao dịch xã thực hiện công việc giải ngân, thu nợ, thu lãi cùng các nghiệp vụ khác theo quy định và đều được niêm yết công khai

Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn Vương Quốc Cường cho biết: Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, thị trấn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch, góp phần tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả của nguồn vốn được vay. Đồng thời, tăng cường rà soát, cập nhật các văn bản, quy định, chính sách mới tại các điểm giao dịch để người dân nắm bắt, tiếp cận các nguồn vốn vay nhanh chóng. Bên cạnh đó, tuân thủ chặt chẽ, thực hiện nghiêm chỉnh chính sách, quy trình nghiệp vụ tín dụng, phân tích, xử lý kịp thời các khoản nợ xấu. Ngoài ra, lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm; nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của nhà nước. Qua đó, giúp các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn Vương Quốc Cường cho biết: Hiện nay, toàn huyện Tri Tôn có 283 tổ TK&VV, tổng dư nợ đạt trên 352 tỷ đồng, với trên 12.770 hộ được vay vốn. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

TRUNG HIẾU
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36728146