Truy cập hiện tại

Đang có 61 khách và không thành viên đang online

Tình hình an ninh lương thực thế giới thời gian gần đây

(TUAG)- Những biến động từ tình hình thời tiết cũng như các thoả thuận, chính sách mới từ các nước như Nga, Ấn Độ... đã tác động mạnh đến thị trường lúa gạo. Tận dụng cơ hội về giá và có những thận trọng nhất định để giảm thiểu rủi ro đã là những diễn biến đáng quan tâm. Biến đổi khí hậu, xung đột, các biện pháp cấm vận, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thời gian vừa qua đã làm dấy lên những mối lo ngại về tình hình an ninh lương thực trên toàn cầu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực.



Nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu

Vấn đề ngũ cốc được quan tâm nhiều hơn sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với lý do phần thỏa thuận liên quan đến nước này đã không được thực hiện đầy đủ. Đây là thỏa thuận do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng biển của nước này tại Biển Đen nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Ngày 19/7/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ảnh hưởng đến triển vọng an ninh lương thực toàn cầu và làm gia tăng nguy cơ lạm phát giá lương thực. IMF khẳng định, việc ngừng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm cho các quốc gia có thu nhập thấp vốn phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc từ Ukraine, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á. Liên hợp quốc lên tiếng kêu gọi Nga nối lại thỏa thuận. Liên minh châu Phi (AU) bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản Nga cung cấp phân bón miễn phí cho các nước nghèo. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi, Chủ tịch AU Azali Assoumani kêu gọi Nga và Ukraine chung sống hòa bình bởi điều này sẽ giúp cứu mạng sống của những người phụ thuộc vào nguồn cung lương thực từ hai quốc gia này.

Bên cạnh đó, việc đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đang góp phần chuyển dịch “Bản đồ thương mại ngũ cốc” toàn cầu. Nga và Trung Quốc đang tích cực đối thoại về việc cung cấp ngũ cốc từ Nga sang thị trường Trung Quốc. Trong tháng 5, Nga cho biết sẽ tăng cường xuất khẩu ngũ cốc sang Trung Quốc thông qua một hành lang ngũ cốc trên bộ mới. Hiện nay, hai bên đang chứng kiến những động lực tích cực trong hoạt động thương mại nông nghiệp giữa hai nước. Đồng thời, sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, ngày 09/8/2023, Bộ Cung ứng và Thương mại Nội địa Ai Cập cho biết nước này đã ký một thỏa thuận mua 235.000 tấn lúa mỳ của Nga.

Từ ngày 20 - 29/7/2023, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga tuyên bố ngừng xuất khẩu gạo với lý do đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Động thái này của các nước, đặc biệt là cường quốc xuất khẩu gạo Ấn Độ, đang tác động mạnh tới tâm lý của người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực toàn cầu về lâu dài. Vốn là quốc gia sản xuất gạo hàng đầu và chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới, động thái của Ấn Độ không chỉ tác động tới khu vực châu Á mà nhiều quốc gia châu Phi và Trung Đông cũng bị ảnh hưởng. Sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường không thuộc giống basmati, những người tiêu dùng vốn đã quen sử dụng mặt hàng này lo lắng. Nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận tình trạng các cửa hàng buộc phải điều chỉnh giá sản phẩm và giới hạn lượng gạo bán ra, trong bối cảnh người dân - chủ yếu là cộng đồng gốc Nam Á - đổ xô đi mua gạo để tích trữ. Nếu tình trạng các nước xuất khẩu gạo lớn áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu thì dễ dẫn tới việc các nước nhập khẩu lớn như Indonesia và Malaysia sẽ tích trữ và không loại trừ nguy cơ gây ra ra hỗn loạn trên thị trường gạo quốc tế.

Trước tình hình trên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo. Nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhấn mạnh việc Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có khả năng làm trầm trọng thêm biến động của giá lương thực thế giới, dẫn đến các biện pháp trả đũa, có thể gây hại cho toàn cầu.

Bên cạnh việc một số nước lớn ngừng xuất khẩu gạo, mối lo về mất an ninh lương thực còn bắt nguồn từ tình hình thời tiết. Hãng tin Reuters cho biết gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% diện tích trồng lúa là ở châu Á, nơi đang xảy ra các sự kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây hạn hán. Ngoài ra, tình trạng ngập lụt đất nông nghiệp đã làm tăng thêm mối lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với nguồn cung cấp lương thực và nông nghiệp tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, những trận mưa lớn xảy ra ngay trước vụ thu hoạch đã khiến sản lượng lúa mì vụ hè của Trung Quốc năm nay giảm 0,9% - mức giảm đầu tiên trong 7 năm qua.

Giải pháp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 5 triệu tấn gạo, đạt giá trị kim ngạch gần 2,6 tỷ USD, tăng gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức trong bối cảnh biến động.

Xuất khẩu được lợi về giá và thị trường nhưng Việt Nam không thể quên chú trọng vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như chuẩn bị nguồn hàng gối đầu để gia tăng kim ngạch khi được lợi về giá. Lúc này, nhiều giải pháp đã được đưa ra để cân đối việc dự trự và xuất khẩu.


Tổng cục Dự trữ nhà nước đã lên phương án mức dự trữ tồn kho lớn nhất từ trước đến nay là 250.000 tấn gạo.

Vụ hè thu sẽ chịu những tác động ngày càng rõ rệt của Elnino. Do vậy khung lịch thời vụ đã được đẩy sớm hơn, tập trung vào cơ cấu giống lúa trung, ngắn ngày để né được hạn mặn, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng vẫn có thể đảm bảo hơn 10 triệu tấn thóc. Tính chung sản lượng cả nước trong năm nay là 43 triệu tấn thóc đủ đảm bảo an ninh lương thực trong nhiều kịch bản.

Trước xu thế tích trữ lương thực trên thế giới, Việt Nam cũng đã chủ động với công tác này. Tổng cục Dự trữ nhà nước đã lên phương án mức dự trữ tồn kho lớn nhất từ trước đến nay là 250.000 tấn gạo có thể đáp ứng các nhu cầu đột biến trong nhiều trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Việt Nam không chỉ nắm trong tay dạ dày của 100 triệu dân, mà còn là nguồn cung lương thực cho nhiều quốc gia khác. Khi Việt Nam chủ động lên các kịch bản an ninh lương thực quốc gia đồng nghĩa chúng ta không chỉ đang bảo vệ mình, mà còn đang nỗ lực gìn giữ chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.

Theo Nghị định 107 của Chính phủ về xuất khẩu gạo, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần phối hợp tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa, đồng thời nghiêm túc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu.

Trong trường hợp giá thóc, gạo hàng hóa trong nước tăng quá cao, bất hợp lý, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trách nhiệm tổ chức hệ thống phân phối gạo, cung ứng ngay lượng gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường.

P.TT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37359294