Truy cập hiện tại

Đang có 184 khách và không thành viên đang online

Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi Nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho Nước nhà?

(TGAG)- Câu nói này được trích trong bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi Lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam vào ngày 19 tháng 1 năm 1955, Câu nói này đã truyền bá đi rộng rãi, nhanh chóng trong thế hệ trẻ mà hầu như ai cũng biết. Nó thôi thúc bao nhiêu con tim hăng say làm việc, lao động vì đất nước, và chính câu nói này trở thành khẩu hiệu, phương châm hành động của thanh niên ngày nay.

“Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi Nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho Nước nhà” để nói lên một điều, thời đại nào, giai đoạn nào đất nước cũng luôn cần sự “sống để yêu thương và dâng hiến” của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ hôm nay càng cần cố gắng tiếp thu, tích lũy tri thức, cần cố gắng học tập, lao động, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức,… để xây dựng Tổ quốc thêm đẹp giàu, thêm văn minh, xây dựng, củng cố hơn lòng tự hào, tự tôn dân tộc, để mỗi lần nhắc đến cái tên Việt Nam là thêm một lần yêu thương, tự hào. Hiện nay, trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước đánh giá rất cao vai trò, trách nhiệm của thanh niên, luôn quan tâm chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh của các thế hệ thanh niên tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thanh niên An Giang tham gia tuyển sinh quân sự

Trách nhiệm xã hội của thanh niên được hiểu là bổn phận và nghĩa vụ của mỗi thanh niên với xã hội trên các phương diện của đời sống. Ngoài ý nghĩa là bổn phận, nghĩa vụ thì trách nhiệm xã hội của thanh niên còn mang ý nghĩa đạo đức, nghĩa là trong đó phải thể hiện được sự tự nguyện, tự giác trong thực hiện nghĩa vụ công dân với sự phát triển chung của đất nước. Trách nhiệm xã hội được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy vào quan hệ, tính chất và thời điểm lịch sử. Ở mỗi thời điểm khác nhau, trách nhiệm xã hội cũng thể hiện khác nhau.

Trước hết, thanh niên Việt Nam hiện nay phải có trách nhiệm với gia đình, có trách nhiệm với cộng đồng, với tập thể nơi mình sinh sống và làm việc, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Có trách nhiệm với cộng đồng là một lối sống đẹp được thanh niên Việt Nam trong thời gian qua phát huy tích cực. Các hoạt động hướng tới cộng đồng được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đó là: những chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi… Trách nhiệm xã hội của thanh niên còn được thể hiện ở trách nhiệm trong việc học tập, nghiên cứu, luôn biết vươn lên trau dồi và lĩnh hội toàn diện những tri thức mới, tiên tiến để từ đó áp dụng trong công việc và trong lao động sản xuất, góp phần đưa đất nước ta nhanh chóng hội nhập và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thế giới.

Muốn cống hiến thanh niên cần phải có sức khỏe, có trí tuệ và sống có lý tưởng, mục tiêu, hoài bão, và nhất là phải rèn luyện đạo đức. Người tài giỏi mà ích kỷ, thực dụng thì cái tài đó cũng trở nên vô nghĩa, do vậy rèn luyện tư cách đạo đức tốt là một phần tố chất mà thanh niên cần có. Thanh niên cần được tôi luyện đạo đức vì đạo đức là cái gốc của con người. Có nền tảng đạo đức tốt thì bản thân sẽ biết làm điều thiện và lánh xa cái ác, biết bảo vệ cái hay, cái tốt.

Ngày nay, trước sự tác động mạnh mẽ của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời các đối tượng phản động, thù địch trong và ngoài nước sử dụng những biện pháp tuyên truyền rất tinh vi, xảo quyệt nhằm tác động đến tâm tư, tình cảm, ý chí của thanh niên. Trách nhiệm của thanh niên Việt Nam hiện nay đối với vấn đề này đó là phải luôn bản lĩnh, sáng suốt, tỉnh táo, giữ vững lập trường và có phản ứng, thái độ đúng đắn, đấu tranh kiên quyết với những luận điệu sai trái, thù địch không để các thế lực thù địch, phần tử xấu lôi kéo, dụ dỗ vào các hoạt động gây rối, biểu tình gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, kiên quyết giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để hội nhập và phát triển đất nước.

Thế hệ của Bác, của cha anh là thế hệ người mở đường, dựng nước. Thế hệ trẻ chúng ta ngày nay có trọng trách nối tiếp sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước và tuổi trẻ chúng ta ngày nay phải luôn tự hỏi mình đã chọn con đường gì để cuộc sống mình thật có ý nghĩa, đóng góp nhiều nhất cho quê hương, đất nước. Câu hỏi nghe có vẻ lớn lao, nhưng thật ra cũng rất đơn giản. Cuộc sống có ý nghĩa của thế hệ trẻ ngày nay, không phải chỉ có việc cầm súng ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc, mà sống có nghĩa là sống để dâng hiến: Phải có tinh thần yêu thương mới có dâng hiến đúng. Mỗi người ở vị trí của mình sẽ có một cách dâng hiến riêng, không ai giống ai cả. Người dâng hiến sức lực, người dâng hiến trí tuệ, tinh thần,… Tất cả đều rất đáng trân quí và là nguồn lực cho xã hội phát triển. Đối với đoàn viên, thanh niên, dâng hiến được thể hiện bằng việc tham gia tích cực vào những hoạt động xã hội do tổ chức Đoàn, hội phát động. Hãy luôn ý thức rằng lý tưởng sống có nghĩa không phải nằm trong những ước mơ bay bổng, xa vời mà nó được thể hiện qua những việc bình dị nhất!

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi sức sáng tạo, sự dấn thân, khát vọng cống hiến to lớn của người trẻ. Đảng, Nhà nước luôn đặt trọn niềm tin và kỳ vọng vào người trẻ. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Thanh niên Việt Nam phải biết yêu thương, quý trọng con người, sống có văn hóa, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, sẻ chia, nhân ái; có tinh thần dũng cảm bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ; đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, cản trở sự phát triển; cần cù, sáng tạo trong lao động, lập nghiệp; dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc…”. Lời phát biểu của người lãnh đạo cao nhất Đảng, Nhà nước đã thể hiện vừa khái quát, vừa cụ thể nội hàm sống đẹp của người trẻ trong thời đại mới.



Đảng đặt trọn niềm tin vào người trẻ thì ngược lại, người trẻ cũng phải lấy lý tưởng của Đảng làm mục tiêu phấn đấu, cống hiến và đó cũng là thực hiện lời dạy của Bác: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?”.

Ngọc Hân
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37258514