Truy cập hiện tại

Đang có 79 khách và không thành viên đang online

Quan tâm nhiều hơn tới hoạt động hướng về Ngày Giỗ tổ Hùng Vương

(TGAG)- Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp, là một trong những giá trị truyền thống cốt lõi của văn hóa Việt. Không chỉ biểu thị cho lòng biết ơn với cha mẹ, ông bà, với thế hệ đi trước, mà thờ cúng tổ tiên cũng là một nghi thức biểu thị rõ ràng nhất truyền thống đoàn kết - một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc. Cả 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tới ngày Giỗ Tổ luôn thành kính hướng về đất tổ linh thiêng, tự hào nhắc nhở nhau rằng: chúng ta là “đồng bào”, là một mẹ sinh ra!

Giỗ Tổ Hùng Vương đã được các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây ghi nhận trong nhiều văn bản. Tuy nhiên, kể từ đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), khi Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc trình Bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ) thì ngày 10 tháng 3 âm lịch mới chính thức trở thành Ngày Giỗ Tổ và được duy trì cho tới nay.

Ngay sau khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương. Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư (khóa VII) ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương, dưới đây là địa chỉ và không khí lễ hội tại một vài địa điểm tiêu biểu.

Tại thôn Á Lữ xã Đại Đồng Thành huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, hiện có lăng và đền thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ. Đây là một trong hai khu di tích đặc biệt thờ Thủy Tổ Việt Nam.

Tại Huế, Miếu Lịch Đại Đế Vương thờ 5 vị vua khai sáng dân tộc Việt Nam gồm: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, Sĩ Vương, Đinh Tiên Hoàng. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi lại hằng năm các đời vua triều Nguyễn đều đích thân đến tế lễ tại đây.

Tại tỉnh Lâm Đồng, trong hệ thống các đền thờ vua Hùng, tiêu biểu là khu tưởng niệm các vua Hùng ở khu du lịch thác Prenn. Đền thờ ở đây mô phỏng đền thờ Quốc tổ Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ). Hằng năm vào ngày Giỗ Tổ, nhân dân các dân tộc ở Lâm Đồng đều tổ chức nghi lễ dâng hương trọng thể.

Tỉnh Gia Lai, đài tưởng niệm các vua Hùng nằm trong khuôn viên của Công viên văn hóa Đồng Xanh (thành phố Plâyku) được khánh thành năm 2009. Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương, tại đây thường tổ chức lễ dâng hương trang trọng, thành kính với lễ vật truyền thống là bánh chưng, bánh dày, ngũ quả, hương hoa. Sau nghi lễ dâng hương là các hoạt động hội diễn ra tưng bừng của các đoàn cồng chiêng Ba Na, các dàn trống hội mang đậm nét Tây Nguyên biểu diễn các tiết mục văn nghệ với chủ đề hướng về cội nguồn các dân tộc Việt Nam.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2009, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tổ chức trọng thể lễ rước linh khí từ đền Hùng về khu tưởng niệm các vua Hùng trong Công viên lịch sử văn hóa dân tộc (thuộc phường Long Bình, quận 9) và tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm các vua Hùng. Từ đó đến nay, hằng năm vào ngày mùng Mười tháng Ba, lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện các sở, ngành, lực lượng vũ trang, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức đến dâng hương tưởng niệm các vua Hùng. Tại đây còn tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương, tế lễ Quốc Tổ ghi tạc công đức to lớn của các vua Hùng. Các chương trình hoạt động nghệ thuật diễn ra tưng bừng hướng về cội nguồn, khơi gợi niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ.

Cũng vào dịp mùng Mười tháng Ba Âm lịch, tại nhiều khu vui chơi giải trí ở Thành phố Hồ Chí Minh như đền Hùng trong Thảo Cầm Viên, Công viên văn hóa Đầm Sen và khu du lịch Suối Tiên cũng tổ chức trang trọng lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với sự tham dự của đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố và khách du lịch.
Tại Thành phố Cần Thơ, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương thường được tổ chức tại Bảo tàng Cần Thơ hoặc sân khấu lớn vòng xoay trước công viên nước. Trước đó, tại hai ngôi đình thuộc loại lớn nhất và cổ nhất (Bình Thủy - thuộc huyện Bình Thủy và Thới An - thuộc huyện Ô Môn) lễ tưởng niệm các vua Hùng cũng được tổ chức trọng thể.

Tại tỉnh Vĩnh Long, cũng tổ chức long trọng Giỗ Tổ Hùng Vương với việc rước linh vị vua Hùng từ đền Long Thành (phường 5, thành phố Vĩnh Long) về Trung tâm Văn hóa Thông tin Vĩnh Long.

Tại tỉnh Kiên Giang, từ năm 1957, nhân dân Kiên Giang đã xây dựng đền thờ Quốc tổ Hùng Vương. Ngôi đền nằm tại ấp Đông Bình xã Thạch Đông B, cách thành phố Rạch Giá khoảng 30km về phía đông và cách thị trấn Tân Hiệp 2km về phía nam. Sau 46 lần tổ chức Giỗ Tổ theo nghi lễ truyền thống của nhân dân địa phương, từ năm 2004 lãnh đạo huyện Tân Hiệp đã chính thức đứng ra tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng Mười tháng Ba. Sau phần nghi lễ trang nghiêm là phần hội tưng bừng với các trò chơi thi chèo xuồng, bắt vịt, kéo co, đẩy gậy... và các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương.

Riêng tại địa bàn An Giang, nghi thức Giỗ Tổ cũng được tổ chức ở một vài địa phương đơn vị nhưng không mang tính thường xuyên liên tục. Chỉ duy nhất trên địa bàn huyện Thoại Sơn, kể từ những năm 1978-1979, nghi thức cúng Tổ Hùng Vương được gắn với lễ Kỳ yên của đình thần Thoại Sơn, diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm. Sau đó, huyện Thoại Sơn tổ chức lễ hội truyền thống của huyện (bắt đầu từ 2002). Mở đầu lễ hội là nghi thức cúng Tổ Hùng Vương, sau đó mới diễn ra nghi thức khai hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa và nhiều hoạt động vui chơi giải trí, thể thao thu hút đông đảo nhân dân trong ngoài huyện tham dự.

Với ý nghĩa thiêng liêng của Ngày Giỗ Tổ, việc quan tâm tổ chức các hoạt động hướng về sự kiện quan trọng này không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là tạo ra sinh khí vui tươi phấn khởi, thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí cho cộng đồng trong dịp nghỉ lễ mà quan trọng hơn, các hoạt động phải nêu bật ý nghĩa, niềm tự hào về những truyền thống và đạo lý tốt đẹp của dân tộc; thể hiện được trách nhiệm của các cấp các ngành trong việc chăm lo lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; giúp cho mỗi người dân ý thức rõ hơn trách nhiệm phải làm gì để nhân rộng yêu thương, để đoàn kết tương trợ nhau, để chung tay bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương đất nước, như những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37019937