Truy cập hiện tại

Đang có 110 khách và không thành viên đang online

Hỏi - Đáp về Luật An ninh mạng

(TGAG)- Luật An ninh mạng được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực từ ngày 01-01-2019. Tuyên giáo An Giang xin giới thiệu tài liệu "Hỏi - Đáp về Luật An ninh mạng" với bạn đọc.

1. Luật An ninh mạng có được chuẩn bị kỹ lưỡng không?
TRẢ LỜI:
CÓ! Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, cơ quan quản lý nhà nước; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, với hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn như VNPT, FPT, BKAV; nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông nước ngoài, trong đó có Facabook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây Châu Á; các cơ quan đại diện nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân; sự thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh, sự chỉnh lý của các Đại biểu Quốc hội qua 02 kỳ họp thứ 4 và thứ 5.

2. Có cần thiết cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng hay không?
TRẢ LỜI:
CÓ! Rất cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về bảo về an ninh mạng trong tình hình hiện nay, vì:
(1) Nước ta đang phải đối phó với hàng chục nghìn cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao mỗi năm, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, gây tổn thất nặng nề về kinh tế.
(2) Không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng trên không gian mạng đang bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để tán phát thông tin kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn, khủng bố, lật đổ chính quyền nhân dân, xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia. 
(3) Tình trạng đăng tải thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo; lan truyền thông sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân… diễn ra tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần; hoạt động sử dụng không gian mạng để xâm trật tự an toàn xã hội ngày càng gia tăng và phức tạp như: đánh bạc, lừa đạo, đánh cắp tài khoản ngân hàng, rửa tiền, mại dâm, ma túy….
(4) Năng lực, tiềm lực quốc gia về an ninh mạng chưa có chính sách điều chỉnh phù hợp, kịp thời; sự phụ thuộc vào thiết bị công nghệ thông tin có nguồn gốc nước ngoài… đặt yêu cầu bức thiết phải xây dựng, hình thành nền công nghiệp an ninh mạng.
(5) Công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh mạng tại các Bộ, Ban, ngành, địa phương còn tồn tại những bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ, nhất quán do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh vấn đề này cho đến khi Luật An ninh mạng được ban hành.  

3. Luật An ninh mạng có liên quan tới Bộ luật Hình sự hay các văn bản Luật khác không?
TRẢ LỜI:
CÓ! Luật An ninh mạng có tính thống nhất cao với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, bởi không gian mạng đã bao phủ toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ví dụ như:
- Luật An ninh mạng có phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp một số nội dung theo 29 Điều của Bộ luật Hình sự.
- Luật An ninh mạng có liên quan tới các quy định về bảo vệ quyền con người trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các văn bản khác có liên quan.
- Luật An ninh mạng có liên quan chặt chẽ tới Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Luật An ninh mạng ra đời có ngăn chặn được toàn bộ các hành vi tấn công mạng hay không?
TRẢ LỜI:
KHÔNG!
Không có một bộ luật nào trên thế giới ra đời là tội phạm trên lĩnh vực đó sẽ chấm dứt. Chẳng hạn như, Bộ luật Hình sự ra đời không thể giúp thế giới loại bỏ hết tội phạm hình sự như cướp của, giết người...
Tương tự như vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng cũng không giúp loại bỏ hết tội phạm mạng, tấn công mạng. Tuy nhiên, đây là căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý, điều tra, xét xử các hành vi vi phạm pháp luật và các loại tội phạm.
Mặt khác, Luật cũng giúp cho công tác phòng ngừa, cảnh báo, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

5. Luật An ninh mạng có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này hay không?
TRẢ LỜI
CÓ! Luật An ninh mạng quy định 05 chính sách lớn của Nhà nước, trong lĩnh vực an ninh mạng bao gồm:
(1) Ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại.
(2) Xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(3) Ưu tiên nguồn lực xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng.
(4) Khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng; phối hợp với cơ quan chức năng trong bảo vệ an ninh mạng.
(5) Tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng.

6. Luật An ninh mạng có bảo vệ quyền con người không?
TRẢ LỜI:
CÓ! Luật An ninh mạng bảo về quyền con người khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Luật An ninh mạng phù hợp với tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn về quyền con người của Đại hội đồng Liên hợp quốc (1948) và các văn bản khác có liên quan, phù hợp với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự Việt Nam.
Luật An ninh mạng trực tiếp bảo vệ 05 quyền con người sau đây:
(1) Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân; quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ;
(2) Quyền không bị can thiệp vào đời tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín;
    (3) Quyền không bị xâm hại danh dự hay uy tín cá nhân;
    (4) Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo của công dân;
    (5) Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân.
    Luật An ninh mạng còn giúp phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

7. Luật An ninh mạng có ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận không?
TRẢ LỜI:
KHÔNG! Luật An ninh mạng không ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân.
Các hoạt động liên lạc, trao đổi, đăng tải, chia sẻ thông tin, mua bán, kinh doanh, thương mại vẫn diễn ra bình thường trên không gian mạng, không hề bị ngăn cản, cấm đoán miễn là những hoạt động đó không vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Công dân có thể làm bất cứ điều gì trên không gian mạng mà pháp luật Việt Nam không cấm.
Ngược lại: Luật An ninh mạng bảo vệ cho các hoạt động tự do ngôn luận, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân khi mua bán, kinh doanh, trao đổi, thương mại trên không gian mạng.

8. Luật An ninh mạng có cấm người sử dụng internet truy cập Facebook, Google, Youtube không?
TRẢ LỜI:
KHÔNG! Luật An ninh mạng không cấm người dân truy cập Facebook, Google, Youtube. Người dân Việt Nam vẫn được tự do truy cập vào các trang mạng của Facebook, Google, Youtube hay bất kỳ trang mạng xã hội nào khác ở trong và ngoài nước.
Ngược lại, Luật An ninh mạng quy định các biện pháp bảo vệ về an ninh mạng cho người dân khi tham gia hoạt động trên các trang mạng xã hội như Facebook, Google...
Tuy nhiên, người nào sử dụng những mạng xã hội trên hoặc bất kỳ mạng xã hội nào khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

9. Việc ban hành Luật An ninh mạng có làm lợi cho Trung Quốc hay không?
TRẢ LỜI
KHÔNG! Việc ban hành Luật An ninh mạng là nội luật của Việt Nam. Luật An ninh mạng được ban hành nhằm bảo vệ ANQG, TTATXH của Việt Nam; đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân của Việt Nam trên không gian mạng; vì lợi ích của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam.

10. Luật An ninh mạng có gây cản trở các doanh nghiệp viễn thông, internet và các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, có tạo giấy phép con không?
TRẢ LỜI
KHÔNG! Không có quy định nào trong Luật An ninh mạng kiểm soát, quản lý, hạn chế hay gây cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như hoạt động khởi nghiệp.
Không có quy định nào trong Luật An ninh mạng có nội dung cấp giấy phép con.
Luật An ninh mạng chỉ quy định trách nhiệm phối hợp của doanh nghiệp trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ mình trước những mối đe dọa từ không gian mạng.

11. Luật An ninh mạng có làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng không?
TRẢ LỜI
KHÔNG! Thông tin cá nhân được Luật An ninh mạng bảo vệ chặt chẽ.
Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng.
Các hành vi như chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ, xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi, đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của người khác mà chưa được phép của người sử dụng hoặc trái quy định của pháp luật sẽ bị xử lý.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng nếu lạm dụng, làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

12. Luật An ninh mạng có kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của công dân hay không?
TRẢ LỜI:
KHÔNG! Luật An ninh mạng không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của người sử dụng.
Chỉ khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, Luật An ninh mạng mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin cá nhân có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đó.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản có liên quan đã quy định rõ về việc quản lý, sử dụng thông tin được cung cấp để phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

13. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có lạm quyền trong xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng hay không?
TRẢ LỜI:
KHÔNG! Lực lượng An ninh mạng không thể lạm quyền khi xử lý thông tin vi phạm pháp luật, bởi vì:
(1) Khi phát hiện thông tin vi phạm pháp luật hoặc khi có khiếu kiện, tố cáo về thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng sẽ gửi trưng cầu giám định tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để đánh giá mức độ vi phạm, khả năng gây tác động, ảnh hưởng, thiệt hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
(2) Tùy theo mức độ vi phạm và chứng cứ thu thập được theo quy định của pháp luật, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng sẽ đề xuất xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc Bộ luật Dân sự.
(3) Để ngăn ngừa khả năng lạm quyền của lực lượng chuyên trách, Khoản 5 Điều 8 Luật An ninh mạng đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
(4) Các dữ liệu, thông tin thu được được quản lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về chứng cứ và các quy định về bảo mật thông tin khác của nước ta như Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

14. Quyền lợi của công dân Việt Nam có được bảo vệ khi Luật An ninh mạng ban hành hay không?
TRẢ LỜI:
CÓ. Luật An ninh mạng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam khi sử dụng dịch vụ mạng, cụ thể:
 (1) Được bảo vệ khi tham gia hoạt động trên không gian mạng trước các thông tin xấu độc xâm phạm tới danh dự, uy tín, nhân phẩm, các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng hoặc các hành vi khác gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
(2) Được tham gia, thừa hưởng các chính sách về an ninh mạng của Nhà nước như: nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức an ninh mạng.
(3) Luật An ninh mạng tạo căn cứ pháp lý để công dân chủ động bảo vệ quyền lợi của mình trên không gian mạng. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng xâm phạm quyền lợi, ích hợp pháp của công dân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

15. Cá nhân có trách nhiệm gì theo quy định của Luật An ninh mạng?
TRẢ LỜI:
(1) Không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8.
(2) Kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến bảo vệ an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng, hành vi xâm phạm an ninh mạng cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, lực lượng bảo vệ an ninh mạng.
(3) Phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng trong phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật.

16. Cá nhân có quyền lợi gì theo quy định của Luật An ninh mạng?
TRẢ LỜI:
(1) Được bảo vệ khi tham gia hoạt động trên không gian mạng trước các thông tin xấu độc xâm phạm tới danh dự, uy tín, nhân phẩm, các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng hoặc các hành vi khác gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
(2) Được tham gia, thừa hưởng các chính sách về an ninh mạng của Nhà nước như: nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức an ninh mạng.
(3) Được trao công cụ để bảo vệ quyền lợi của mình với các quy định tại Điều 16 (xử lý thông tin vi phạm pháp luật), Điều 17 (bảo vệ người dân trước các hoạt động gián điệp mạng, bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng), Điều 18 (bảo vệ người dân khỏi các hoạt động tội phạm mạng, như chiếm đoạt tài sản, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng), Điều 19 trao công cụ để bảo vệ người dân khỏi hoạt động tấn công mạng, như tán phát mã độc, tấn công từ chối dịch vụ…
(4) Trẻ em được bảo vệ đặc biệt trên không gian mạng theo quy định tại Điều 29. Đây là quy định tiến bộ, phù hợp với thực tế hiện nay.

17. Doanh nghiệp có trách nhiệm gì theo quy định của Luật An ninh mạng?
TRẢ LỜI:
(1) Không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Luật An ninh mạng;
(2) Phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền về an ninh mạng xử lý thông tin và hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng;
(3) Lưu trữ một số loại dữ liệu theo quy định của Chính phủ.

18. Doanh nghiệp có quyền lợi gì theo quy định của Luật An ninh mạng?
TRẢ LỜI:
Quyền lợi của doanh nghiệp về an ninh mạng:
(1) Được bảo vệ tốt hơn trước các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng như tung tin thất thiệt về sản phẩm, dịch vụ, cạnh tranh không lành mạng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh, chiếm đoạt tài sản, tấn công từ chối dịch vụ…
(2) Bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài về thủ tục pháp lý, từ đăng ký kinh doanh, xin cấp phép dịch vụ, thanh tra, kiểm tra, thuế, có điều kiện cạnh tranh công bằng, chống độc quyền, thao túng giá.
(3) Cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông và an ninh mạng khi Luật An ninh mạng hướng đến xây dựng nền công nghệ an ninh mạng tự chủ, sáng tạo (Điều 28). Do đó, đây là điều kiện thuận lợi và rất rõ ràng cho các doanh nghiệp trong nước vươn lên.

19. Có phải tất cả các doanh nghiệp đều phải đặt văn phòng đại diện, lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam?
TRẢ LỜI:
KHÔNG! Theo Khoản 3 Điều 26 Luật An ninh mạng quy định, chỉ những “doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam”.
Như vậy, quy định này không áp dụng đối với toàn bộ các doanh nghiệp mà là những doanh nghiệp “cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam, nhưng phải kèm theo điều kiện có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu người dùng Việt Nam. Quy định này là phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh mạng hiện nay
Và chỉ có “Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”.

20. Luật An ninh mạng có quy định tất cả các loại dữ liệu phải lưu trữ ở Việt Nam?
TRẢ LỜI:
KHÔNG! Luật An ninh mạng đã quy định cụ thể 03 loại dữ liệu cần lưu trữ là:
(1) Thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ;
(2) Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ;
(3) Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra.
Như vậy, không phải toàn bộ các dữ liệu được truyền đưa trên không gian mạng phải lưu trữ tại Việt Nam. Quy định này không làm ảnh hưởng hay hạn chế lưu thông dòng chảy dữ liệu số, cản trở hoạt động của doanh nghiệp như một số thông tin tuyên truyền thời gian qua.

21. Quy định về lưu trữ dữ liệu trong Luật An ninh mạng có vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hay không?
TRẢ LỜI:
KHÔNG! Quy định về lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Khoản 3, Điều 26 không trái với các cam kết quốc tế vì:
(1) Đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước. Nếu vi phạm các cam kết quốc tế thì các quốc gia này đã không quy định như vậy. Các nước như Mỹ, EU, Nga, Trung Quốc, Indonesia… còn quy định khắt khe hơn Luật An ninh mạng Việt Nam rất nhiều. Ví dụ: Mỹ yêu cầu khai lịch sử mạng xã hội trong 05 năm khi nhập cảnh; Đức yêu cầu Facebook, Google đặt trung tâm dữ liệu và trung tâm xử lý thông tin xấu trong nước.
(2) Trong các văn kiện của WTO, CPTPP như Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đều có quy định về ngoại lệ an ninh, quy định rõ: “không có bất kỳ các quy định nào trong các văn bản đó ngăn cản bất kỳ Thành viên nào thực hiện bất kỳ hành động nào được coi là cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của mình”. Việc quy định về lưu trữ dữ liệu trong Luật An ninh mạng là vận dụng theo ngoại lệ an ninh, như nhiều nước đã làm. 

22. Quy định lưu trữ dữ liệu có gây cản trở và khiến Facebook, Google rút khỏi Việt Nam không?
TRẢ LỜI:
KHÔNG! Quy định trên không cản trở hoạt động của Facebook, Google, bởi các lý do sau:
(1) Google, Facebook đều đã thuê máy chủ tại nước ta. Theo thống kê sơ bộ, Google thuê khoảng 1781 máy chủ, Facebook thuê khoảng 441 máy chủ tại 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước.
(2) Việc lưu trữ dữ liệu người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam giúp các doanh nghiệp này tiết kiệm chi phí kinh doanh, tăng mức tốc độ truy cập và nâng cao chất lượng dịch vụ; giúp các nhà mạng trong nước tiết kiệm kinh phí khi phải mua băng thông quốc tế.
(3) Về kỹ thuật, việc lưu trữ dữ liệu trong nước được tiến hành dễ dàng khi công nghệ cho phép, nhất là áp dụng công nghệ điện toán đám mây và các doanh nghiệp này đã có sẵn kinh nghiệm và thiết bị do áp dụng tương tự ở nhiều quốc gia khác.
Hiện có gần 50 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook và trên 60 triệu người Việt Nam sử dụng Google. Có thể thấy, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng và các doanh nghiệp này đã thu lợi nhuận hàng trăm triệu đô la mỗi năm từ người dùng Việt Nam, vì vậy, không có lý gì mà họ lại rời bỏ thị trường Việt Nam. Cũng chưa có thông tin chính thức nào về việc này.  

23. Việt Nam có phải là quốc gia duy nhất trên thế giới quy định lưu trữ dữ liệu trong nước và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng hay không?
TRẢ LỜI
KHÔNG PHÁI! Hiện đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước, như Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Úc, Indonesia, Hi Lạp, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil. Tùy vào tình hình thực tế, các quốc gia có thể yêu cầu lưu trữ các loại dữ liệu không giống nhau.
Tất cả các quốc gia trên thế giới đều coi an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu. Do đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng đã và đang phải phối hợp, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan chức năng của các quốc gia trên thế giới trong bảo vệ an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm.
Luật An ninh mạng Việt Nam đã quy định rõ các trường hợp phải cung cấp thông tin cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, cụ thể: (1) Khi lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có yêu cầu bằng văn bản; và (2) để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

24. Luật An ninh mạng có cấm những doanh nghiệp như Facebook, Google hoạt động tại Việt Nam không?
TRẢ LỜI:
KHÔNG!
Luật An ninh mạng chỉ nghiêm cấm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đã được Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự và các luật khác của Việt Nam quy định, cụ thể:
(1) Các hành vi chống nhà nước CHXHCN Việt Nam như thông tin kích động biểu tình trái pháp luật, kích động gây rối an ninh, trật tự…
(2) Các hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;
(3) Các hành vi phát tán thông tin gây hại cho tổ chức, cá nhân, gồm: thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;
(4) Các hành vi xâm phạm trật tự an toàn xã hội như sử dụng không gian mạng để hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
(5) Các hành vi tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng.
(6) Các hành vi lợi dụng quy định này của lực lượng chuyên trách để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, không có quy định nào cấm Facebook, Google hoặc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; không có quy định nào cấm công dân Việt Nam sử dụng các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Google.

25. Thẩm định an ninh mạng có được lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng áp dụng đối với toàn bộ hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước hay không?
TRẢ LỜI:
KHÔNG!
Thẩm định an ninh mạng chỉ được lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng áp dụng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, không phải là toàn bộ hệ thống thông tin nước ta.
Điều 11 Luật An ninh mạng đã quy định rõ, chủ thể thẩm định là các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đây là những hệ thống thông tin thuộc các bộ, ban, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp của nhà nước, có vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia, cần được bảo vệ bằng biện pháp tương xứng.
Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải bảo đảm cho hệ thống của mình đáp ứng các nội dung thẩm định để làm cơ sở cho việc quyết định xây dựng hoặc nâng cấp hệ thống thông tin.

Những công dân Việt Nam sử dụng các mạng viễn thông một cách chân chính, không vi phạm pháp luật Việt Nam thì không có gì phải lo ngại về bất cứ điều gì.

Tuyết Ngọc
(Nguồn: BTGTW)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39918062