Đề cương kỷ niệm 60 năm ngày Chiến thắng Ấp Bắc
- Được đăng: Thứ năm, 17 Tháng 11 2022 03:59
- Lượt xem: 1416
(TUAG)- Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Đề cương kỷ niệm 60 năm ngày Chiến thắng Ấp Bắc (02/01/1963 - 02/01//2023). Tuyên giáo An Giang trân trọng giới thiệu toàn văn bản Đề cương.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 514 tham gia đánh trận Ấp Bắc. Ảnh tư liệu
I. BỐI CẢNH, DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ TRẬN ĐÁNH
1. Bối cảnh lịch sử
Thắng lợi của cao trào Đồng Khởi những năm 1959 - 1960 của quân và dân miền Nam đã “giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, làm thất bại một hình thức chính trị điển hình của chủ nghĩa thực dân kiểu Mỹ”[1], đánh bại cuộc chiến tranh “một phía” của Mỹ, đưa phong trào cách mạng ở miền Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời đánh sập chế độ độc tài phát xít gia đình trị Ngô Đình Diệm ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn Nam Bộ. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ đã triển khai chiến lược quân sự toàn cầu mới do M. Taylo đề xướng mang tên “phản ứng linh hoạt”, trong đó có việc phát triển lực lượng thông thường, tiến hành “chiến tranh hạn chế”.
Cuối năm 1960, do tình hình cách mạng miền Nam phát triển mạnh, có nguy cơ uy hiếp chính phủ Ngô Đình Diệm, chính quyền tổng thống Mỹ Kennơđi chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” để đối phó. Cuối tháng 7 năm 1961, “phái đoàn kinh tế đặc biệt” thuộc Viện nghiên cứu Stanphót do E. Stalây đệ trình kế hoạch Stalây - Taylo “bình định” miền Nam trong vòng 18 tháng với ba giai đoạn, nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam. Để thực hiện kế hoạch trên, Mỹ đã tăng viện trợ quân sự, cố vấn và các đơn vị yểm trợ Mỹ[2]; tổ chức miền Nam thành các quân khu, vùng chiến thuật, khu chiến thuật; đồng thời đẩy mạnh dồn dân, lập “ấp chiến lược” nhằm triệt phá các cơ sở du kích, triển khai các chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận, bủa lưới phóng lao... Chúng tăng cường mở các cuộc hành quân càn quét, dùng bom đạn, chất độc khai quang đánh vào các vùng giải phóng, căn cứ kháng chiến của ta.
Tháng 01/1961, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị Về phương hướng, nhiệm vụ, công tác trước mắt của cách mạng miền Nam; chủ trương “đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự”[3]; phát động chiến tranh du kích, phá ấp chiến lược, xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh binh vận, địch vận, tiến tới tổng khởi nghĩa lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, chấp hành chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, ngày 15/02/1961, các lực lượng vũ trang miền Nam được thống nhất, lấy tên là Quân giải phóng miền Nam. Tiếp đó, Trung ương cục thành lập các trung đoàn chủ lực; phát triển lực lượng du kích, bộ đội địa phương; tổ chức hệ thống chỉ huy từ Miền xuống tỉnh, huyện, xã; xây dựng và mở rộng vùng giải phóng, vùng căn cứ nhằm tạo thế đứng chân vững chắc cho lực lượng cách mạng miền Nam, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, kết hợp phương châm “hai chân”, “ba mũi”; đồng thời, thực hiện chuyển từ khởi nghĩa vũ trang sang chiến tranh cách mạng, đẩy mạnh tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của địch, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Đặc điểm tình hình và sự chuẩn bị của ta
a) Đặc điểm tình hình
Địa bàn Ấp Bắc gồm hai ấp nhỏ là Tân Bình và Tân Thới, thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), cách thị xã Mỹ Tho khoảng 16km; được bao bọc bởi đồng lúa, sình lầy và kinh (kênh) rạch. Phía Nam cách Lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) khoảng 5km, phía Tây cách 6km là Lộ 12, cách 2-3km về phía Bắc và phía Đông là kinh Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Tấn Thành. Ấp Tân Bình và Tân Thới nối liền, tạo thành vòng cung với chiều dài khoảng 4km, rộng khoảng 400m, phía trước là cánh đồng rộng 550m, thuận tiện cho việc đổ quân và xe cơ giới cơ động. Trong ấp là nhà dân xen kẽ các vườn cây ăn trái, có các gò đất nhô ra, tạo điều kiện cho bộ đội, du kích bố trí các cụm hỏa lực. Ấp Bắc cũng là mảnh đất có truyền thống cách mạng, nhân dân tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ từ những năm 1940. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi này là căn cứ địa, một trong những lá cờ đầu của phong trào đấu tranh. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ấp Bắc là địa bàn thuộc vùng giải phóng liên hoàn, nơi đóng quân của lực lượng vũ trang cách mạng.
Sau khi đánh thắng các trận càn của địch ở Vĩnh Kim (ngày 23/9/1962), Mỹ Hạnh Trung (ngày 5/10/1962), Tiểu đoàn 514 của Mỹ Tho và Tiểu đoàn 261 của Quân khu 8 hành quân về khu vực Ấp Bắc để huấn luyện cách đánh máy bay trực thăng, xe bọc thép, cách bố trí trận địa, xây dựng hệ thống công sự, trận địa trong làng, xã chiến đấu. Phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân huyện Châu Thành nghiên cứu, tổ chức phá ấp chiến lược Giồng Dứa, xã Long Định; chuẩn bị kế hoạch đánh địch phản kích và nhử địch càn vào cầu Kinh Năng để tiêu diệt.
Về tình hình địch, khi nhận được tin qua mạng lưới trinh sát, điệp báo, chúng phát hiện lực lượng của ta đang bố trí tại Ấp Bắc, Bộ Tư lệnh Viện trợ Mỹ tại Sài Gòn đứng đầu là tướng P.Háckin cùng Bộ Tư lệnh hành quân của quân lực Việt Nam Cộng hòa (MACV) cấp tốc vạch kế hoạch tác chiến, điều động lực lượng, phương tiện chiến tranh, tổ chức cuộc hành quân càn quét mang mật danh “Đức Thắng 1 - 63” nhằm tiêu diệt và bắt Việt cộng trong khu vực Ấp Bắc.
Để tạo ưu thế tuyệt đối về sức mạnh, chúng huy động 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 bộ binh, 1 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn dù Sài Gòn, 2 đại đội biệt động quân, 3 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ biệt kích, 13 xe thiết giáp M113, 13 tàu chiến trên sông, 6 máy bay khu trục B26, 15 máy bay trực thăng (10 CH21, 5 UH1A), 4 máy bay trinh sát L19, 7 máy bay vận tải C47, với sự chi viện của các trận địa pháo binh thuộc Sư đoàn 7 bố trí trên Lộ 4, Long Định, Phước Mỹ Tây.
b) Sự chuẩn bị của ta
Nhận được tin địch sẽ tổ chức cuộc càn quét vùng giải phóng thuộc 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành, Khu ủy Khu 8 đã điều động Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 261 và Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 514, 1 khẩu đội cối 60 ly, trung đội bộ đội huyện Châu Thành khẩn trương chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đánh thắng cuộc càn quét của địch vào Ấp Bắc. Tổ chức củng cố, cải tạo hệ thống công sự, trận địa sẵn có, dự kiến các phương án đánh máy bay, xe bọc thép; chuẩn bị nơi trú ẩn cho người già, phụ nữ, trẻ em trong ấp. Đến 20 giờ ngày 01/01/1963, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành.
3. Diễn biến và kết quả trận Ấp Bắc
a) Diễn biến chính
Trận Ấp Bắc kéo dài khoảng 20 giờ. Rạng sáng ngày 02/01/1963, máy bay trinh sát L19 của địch bay lượn trên bầu trời Ấp Bắc dẫn đường cho bộ binh và cơ giới. Các lực lực lượng bộ binh, thiết giáp, tàu chiến chia làm 3 mũi bao vây, thực hành càn quét vào Ấp Bắc.
Một mũi gồm 2 đại đội bảo an từ Điền Hy theo Lộ 4, bắt đầu xung phong vào xóm Hội Đồng Vàng, xã Tân Phú. Nắm chắc thời cơ, bộ đội và du kích bất ngờ nổ súng, tiêu diệt tên sĩ quan đại đội cùng hàng chục lính bảo an. Số khác bị sa xuống hố chông, vướng bẫy, vướng mìn nổ làm cho địch hoảng loạn; lực lượng còn lại vội vã co cụm bắn loạn xạ hoặc tháo chạy.
Cùng thời gian trên, mũi khác từ Cầu Sao bí mật cơ động tiếp cận khu vực miếu Thầy Lơ, thực hiện đánh xuyên sườn phòng ngự của ta. Lực lượng ém sẵn của ta đã kịp thời tổ chức đánh chặn, tiêu diệt bộ phận đi đầu, sau đó bí mật vận động, xung phong tiêu diệt bộ phận lớn sinh lực địch vừa tháo chạy ra cánh đồng trống. Bị đánh bất ngờ, lực lượng địch còn lại tháo chạy về miếu Thầy Lơ cố thủ. Trước tình hình đó, sở chỉ huy hành quân của địch ra lệnh cho pháo binh yểm trợ lực lượng rút chạy nhưng lại bắn trúng đội hình bộ binh, gây thêm thương vong cho chúng.
Cùng hai mũi trên bộ, mũi đường thủy theo kênh Nguyễn Tấn Thành gồm 13 tàu chiến chở 2 đại đội biệt động quân đánh vu hồi vào sau đội hình của ta ở Ấp Bắc. Ta sử dụng trung đội du kích và 2 đội công binh chặn đánh quyết liệt, đánh chìm 1 tàu và đánh hỏng một số chiếc khác. Được tin 2 mũi trên bộ gặp nguy, đoàn tàu chững lại rồi tìm đường tháo lui.
Sau đợt tiến công đường bộ và đường thủy không thành, chỉ huy cuộc hành quân của địch quyết định sử dụng chiến thuật trực thăng vận, dùng 5 trực thăng vũ trang UH1A yểm trợ cho 10 trực thăng chở quân CH21 đổ 2 tiểu đoàn bộ binh xuống sau ấp, hình thành hai gọng kìm bao vây lực lượng của ta.
Dự đoán trước âm mưu, thủ đoạn của địch, nắm chắc thời cơ, quân ta bất ngờ nổ súng bắn rơi tại chỗ 1 chiếc CH21; chiếc khác trúng đạn, cố bay ra khỏi vùng trời Ấp Bắc thì bị rơi. Để cứu nguy cho bộ binh, địch dùng 5 chiếc trực thăng vũ trang UH1A và pháo binh điên cuồng bắn phá vào trận địa. Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 đã anh dũng chiến đấu bắn rơi tại chỗ 2 chiếc UH1A, bắn hỏng 1 chiếc CH21 đang đổ quân và rơi cách đó khoảng 400 mét.
Bị thất bại nặng nề trong chiến thuật trực thăng vận và qua hai đợt tiến công không thành khiến tâm lý binh lính địch hoang mang cực độ, buộc địch phải rút quân về thị xã Mỹ Tho để củng cố lực lượng và phương tiện.
Vào lúc 12 giờ 15 phút, sau khi tập kết đủ 3 tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 11, 12 của Sư đoàn 7, địch hình thành hai mũi tiến quân vào ấp Tân Thới, được hỏa lực pháo binh và trực thăng vũ trang yểm trợ tối đa, tiến vào khu vực trận địa của Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 Mỹ Tho. Đợi cho quân địch lọt hẳn vào trận địa mai phục, bộ đội và du kích bất ngờ nổ súng, tiêu diệt và làm bị thương khoảng 1 trung đội địch, số còn lại cố chạy thoát thân.
Để phối hợp với quân và dân Ấp Bắc, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban quân sự Mỹ Tho sử dụng Đại đội 2, Tiểu đoàn 514 tiến công trường bắn Tân Hiệp, kìm chân địch trên Lộ 4, dùng trinh sát khống chế sân bay Thân Cửu Nghĩa. Đại đội 211B chốt giữ Ngã ba chùa Phật Đá, sẵn sàng chi viện cho Ấp Bắc.
Sau thất bại liên tiếp của 3 đợt tấn công, chỉ huy quân địch quyết định sử dụng không quân dội bom napan, xăng đặc, bắn đạn cháy, rốckét... nhằm thiêu trụi các mục tiêu ở Ấp Bắc; sử dụng pháo binh bắn cấp tập vào các trận địa dọc hai bên lộ dẫn vào ấp. Vừa dứt hỏa lực dọn đường, 13 xe thiết giáp M113 và 1 tiểu đoàn bộ binh tổ chức đột kích chính diện Ấp Bắc. Với tinh thần “Kiên quyết bám trụ, bám trụ đến cùng”, 75 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 đã anh dũng chiến đấu, diệt 1 xe M113, bắn hỏng một số chiếc khác. Do súng đại liên bị hỏng, quân địch đã đột phá vào trận địa. Trước tình thế nguy nan, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 cùng 2 chiến sĩ đã bật khỏi công sự, dùng thủ pháo tiêu diệt 1 xe M113 và anh dũng hy sinh. Bị thương vong nhiều, địch hoang mang cực độ, buộc chỉ huy cuộc hành quân phải ra lệnh giãn đội hình, xốc lại lực lượng, phương tiện.
Khoảng 5 giờ chiều ngày 02/01/1963, địch tiếp tục mở đợt tiến công mới. Chúng sử dụng 7 máy bay vận tải CH47 chở Tiểu đoàn dù số 8 thả xuống ấp Tân Thới nhưng rơi vào trận địa phục kích của ta. Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 nắm chắc thời cơ, bất ngờ nổ súng tiêu diệt quân dù ngay từ khi chúng chưa kịp xuống đất; số quân dù còn sống sót co cụm chờ ứng cứu. Cùng thời gian trên, trên hướng Đại đội 1, Tiểu đoàn 216, địch sử dụng xe M113 đột kích. Ta dùng súng phóng lựu bắn cháy 01 xe M113 và toàn bộ lính trên xe, buộc các xe khác phải dừng lại. Nhận thấy 2/3 lực lượng quân dù đổ xuống ấp Tân Thới bị thương vong nặng, lực lượng thiết giáp và bộ binh tấn công vào Ấp Bắc bị tổn thất lớn, mất sức chiến đấu; chỉ huy cuộc hành quân của địch đã cho lực lượng quân dù đổ bộ xuống khu vực Miếu Hội và lệnh cho các lực lượng rút lui.
b) Kết quả trận Ấp Bắc
Sau một ngày chiến đấu kiên cường, căng thẳng, quyết liệt, quân ta đã đánh bại 5 đợt tiến công của Mỹ - ngụy, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ huy trận đánh đã quyết định rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Ấp Bắc, về căn cứ tỉnh ở Hưng Thạnh để bảo toàn lực lượng. Trong trận chiến đấu ác liệt này, quân và dân Ấp Bắc đã mưu trí, anh dũng, tiêu diệt và làm bị thương 450 tên địch (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay trực thăng, bắn hư hỏng nhiều chiếc khác; phá hủy 3 xe bọc thép M113, đánh chìm 01 tàu chiến trên sông. Bộ đội và du kích chỉ sử dụng khoảng 5.000 viên đạn các loại.
II. NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
1. Nguyên nhân thắng lợi
Chiến thắng Ấp Bắc 1963 đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa to lớn, cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng và mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ xâm lược. Chiến thắng đó được xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, Chiến thắng Ấp Bắc - Thành công về sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Trung ương Cục miền Nam, mà trực tiếp là Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho
Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Trung ương Cục miền Nam được thể hiện trước hết là định ra chủ trương, đường lối lãnh đạo kháng chiến đúng đắn. Đó là chủ trương: “Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng của ta về cả hai mặt chính trị và quân sự, tập hợp đông đảo lực lượng cách mạng trong Mặt trận Dân tộc giải phóng, phát động phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của quần chúng, tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bảo tồn và phát triển lực lượng của ta...”[4], “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự”[5]; tổ chức giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang miền Nam trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh vũ trang cách mạng ở miền Nam[6]; chuyển Ban Quân sự Miền thành Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; thành lập các ủy ban mặt trận ở các vùng giải phóng trong phong trào Đồng khởi; tổ chức các hội nghị xác định chủ trương, đường lối, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, tạo sự chuyển biến, phát triển nhảy vọt về chất, tạo thế và lực mới và điều kiện thuận lợi cho kháng chiến giành thắng lợi.
Thực hiện chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng, Quân ủy Trung ương nhằm đối phó với các kiểu chiến thuật mới của địch, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8 đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Ấp Bắc chủ động làm tốt công tác chuẩn bị cho trận chống địch càn quét cả về tư tưởng, kỹ thuật, chiến thuật, lực lượng và vũ khí. Các đơn vị quân đội đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm xuống các địa phương, cơ sở để phổ biến, huấn luyện về chiến thuật chống càn quét, cách bố trí trận địa phòng ngự và kỹ thuật bắn máy bay, đánh xe bọc thép bằng hỏa lực sẵn có. Cùng với đó, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho đã kịp thời làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp giữa các lực lượng đẩy mạnh tác chiến, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh vận của quần chúng nhằm căng kéo quân địch ở các hướng khác, tạo thuận lợi cho Ấp Bắc đánh bại cuộc hành quân càn quét của quân đội Sài Gòn. Đây là yếu tố cơ bản giúp quân và dân Ấp Bắc giành thắng lợi giòn giã, góp phần đánh bại chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch.
Thứ hai, quân và dân Ấp Bắc có truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, có ý chí quyết tâm chiến đấu và tinh thần anh dũng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, bảo đảm cho chiến đấu thắng lợi
Ấp Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quân và dân Ấp Bắc được học tập, trau dồi ý chí, quyết tâm chiến đấu cao, đã trải qua các lớp huấn luyện, tổ chức xây dựng công sự, trận địa hiểm hóc, nắm chắc các kỹ thuật đánh địch bằng các kiểu chiến thuật mới của địch như “trực thăng vận”, “thiết xa vận”.
Trong suốt quá trình chiến đấu, quân và dân Ấp Bắc luôn thể hiện tinh thần anh dũng, bất khuất, ngoan cường. Với số lượng vũ khí có hạn, phải chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn, chất độc dày đặc, chống lại lực lượng quân địch đông hơn gấp nhiều lần, lại được trang bị vũ khí hiện đại, có không quân, pháo binh chi viện nhưng du kích và nhân dân Ấp Bắc vẫn anh dũng, ngoan cường, phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội, lần lượt bẻ gãy 5 đợt tiến công, đánh bại các chiến thuật “thọc sâu, bao vây thẳng đứng”, “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch và giành thắng lợi.
Thứ ba, quá trình chiến đấu của quân và dân Ấp Bắc luôn nhận được sự chi viện, chia lửa của các đơn vị, địa phương lân cận góp phần căng kéo, không cho địch tập trung đối phó, tiến công Ấp Bắc
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân khu ủy, trong 2 ngày 02 và 03/01/1963, Bộ Tư lệnh Quân khu 8, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy quân tỉnh Mỹ Tho đã phối hợp chặt chẽ với quân và dân Ấp Bắc. 31 đội du kích, hơn 20.000 quần chúng hai bên Lộ 4 và các thị trấn Tân Hiệp, Cai Lậy, Cái Bè đã đồng loạt nổi dậy, bao vây các đồn bốt, tiến công tiêu diệt, làm bị thương hơn 150 tên địch, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, bắn cháy và phá hỏng 16 xe quân sự; tổ chức hơn 700 đồng bào của các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây kéo lên khu trù mật, bao vây các trận địa pháo, không cho chúng bắn vào xóm làng. Hơn 200 gia đình có chồng, con, anh em là binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa tham gia cuộc càn quét vào Ấp Bắc đã kéo lên bệnh viện đòi thăm người bị thương, đòi bồi thường tính mạng, đòi chấm dứt cuộc hành quân. Điều đó tác động mạnh mẽ đến cuộc càn quét của địch, góp phần tạo nên Chiến thắng Ấp Bắc oanh liệt.
Thứ tư, sự chỉ huy quyết đoán, mưu trí, linh hoạt và sáng tạo của Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho, trực tiếp là Ban Chỉ huy trận đánh
Trên cơ sở nhận định, phân tích đánh giá đúng tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho đã kịp thời điều động lực lượng, khẩn trương triển khai mọi công tác chuẩn bị chống địch càn quét vào Ấp Bắc; chuẩn bị các phương án đánh máy bay, xe bọc thép, bộ binh địch; hiệp đồng chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng để chuẩn bị nơi trú ẩn an toàn cho người già, phụ nữ, trẻ em; vận động nhân dân cùng với bộ đội, du kích xây dựng công sự, trận địa... Ban Chỉ huy trận đánh, đặc biệt là chỉ huy trên các hướng, các đơn vị đã nắm chắc thời cơ, bám trận địa, bám công sự, có cách đánh táo bạo, bất ngờ, kiên quyết và chắc thắng; kết thúc trận đánh và chỉ huy rút lui đúng thời điểm, bảo đảm an toàn và giữ gìn lực lượng.
2. Ý nghĩa lịch sử
Thứ nhất, Chiến thắng Ấp Bắc gây tiếng vang lớn, giáng một đòn mạnh mẽ vào chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam, mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”
Chiến thắng Ấp Bắc đã gây một tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng Khu 8 nói riêng và toàn chiến trường miền Nam nói chung; là trận đầu chúng ta đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của quân đội ngụy quyền và cố vấn Mỹ, mở đường cho cao trào tiêu diệt sinh lực địch trong càn quét, bắn máy bay, đánh thiết giáp và đưa phong trào phá ấp chiến lược lên đỉnh cao. “Theo gương thực tế của các chiến sĩ Ấp Bắc; tinh thần không sợ và kỹ thuật diệt địch đã được giải quyết trong hàng ngũ quân giải phóng miền Nam”[7]. Sau chiến thắng vang dội này, cao trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” được quân và dân miền Nam hưởng ứng tích cực, góp phần đẩy mạnh thế tiến công, giành được những thắng lợi ngày càng to lớn trên chiến trường.
Chiến thắng Ấp Bắc đã giáng đòn chí mạng vào tinh thần và ý chí của Mỹ - ngụy, làm sụp đổ lòng tin của quân ngụy vào vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại do Mỹ cung cấp; từ đó, sức chiến đấu của địch bị giảm sút nghiêm trọng, mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng sâu sắc; hai bên công khai nói xấu, đổ lỗi thất bại cho nhau. Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ Kennơđi đã buộc phải mở cuộc điều tra thực trạng để nắm tình hình, tìm biện pháp giải quyết khủng hoảng ở Sài Gòn. Cuộc đảo chính, giết chết anh em Diệm - Nhu vào tháng 11/1963 là mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của ngụy quyền.
Thứ hai, Chiến thắng Ấp Bắc khẳng định bước phát triển mới của nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng và sự trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam
Chiến thắng Ấp Bắc trở thành điển hình của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến công địch trên cả hai mặt chính trị và quân sự; kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công để đánh thắng kế hoạch bình định, dồn dân, lập ấp chiến lược của địch. Đây còn là điển hình của phương thức tác chiến chiến tranh nhân dân, xây dựng vùng căn cứ, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng làng, xã chiến đấu; kết hợp chặt chẽ “hai chân”, “ba mũi” trong phong trào đấu tranh chống địch càn quét, bình định, dồn dân, lập ấp chiến lược.
Chiến thắng Ấp Bắc đã khẳng định sự phát triển về chất, sự giác ngộ chính trị, tinh thần quyết tâm, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, sáng tạo và trình độ kỹ thuật, chiến thuật ngày càng hoàn thiện của lực lượng vũ trang cách mạng nói chung, bộ đội miền Nam nói riêng.
Thứ ba, Chiến thắng Ấp Bắc góp phần củng cố niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng, vào đường lối kháng chiến của Đảng; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm tiến lên để giành thắng lợi
Chiến thắng Ấp Bắc làm cho đồng bào cả nước thêm phấn khởi, tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng; tin tưởng vào sự chỉ đạo, chỉ huy của cấp ủy, ban chỉ huy quân sự, mở đường cho việc đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng Ấp Bắc là một điển hình sống động về bài học quý giá “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, “dĩ đoản chế trường”, lấy “chính nhân để thay cường bạo”; khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta là đúng đắn, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính nghĩa của quân và dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng Ấp Bắc trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Mỹ Tho, là một sự kiện lịch sử to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
III. PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG ẤP BẮC TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Khu vực Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống khác tác động, đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và nước ta. Đất nước dù đạt được những thành tựu rất quan trọng, đáng tự hào nhưng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình trên, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả những bài học, kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Ấp Bắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, đặc biệt là những chiến thắng vĩ đại; qua đó, tiếp thêm sức mạnh, bồi đắp niềm tin và lòng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của dân tộc ta; về ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mọi kẻ thù xâm lược; quyết tâm cao, nỗ lực lớn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
_________________
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2002, t.34, tr.214.
[2] Tính riêng lực lượng cố vấn, năm 1960 có 1.077 người, đến năm 1962 đã tăng lên 10.640 người, bao gồm 2.360 cố vấn và 8.280 quân yểm trợ. Lực lượng ngụy quân tăng từ 7 sư đoàn lên 9 sư đoàn bộ binh và các đơn vị chiến đấu khác với quân số 206.000 người vào năm 1963.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.22, tr.158.
[4] Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.22, tr.159.
[5] Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.22, tr.158.
[6] Hội đồng Chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, t.2, tr. 242.
[7] Nhận định của Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người được Quân ủy Trung ương phân công tham gia phụ trách về xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu ở miền Nam
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 514 tham gia đánh trận Ấp Bắc. Ảnh tư liệu
1. Bối cảnh lịch sử
Thắng lợi của cao trào Đồng Khởi những năm 1959 - 1960 của quân và dân miền Nam đã “giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, làm thất bại một hình thức chính trị điển hình của chủ nghĩa thực dân kiểu Mỹ”[1], đánh bại cuộc chiến tranh “một phía” của Mỹ, đưa phong trào cách mạng ở miền Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời đánh sập chế độ độc tài phát xít gia đình trị Ngô Đình Diệm ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn Nam Bộ. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ đã triển khai chiến lược quân sự toàn cầu mới do M. Taylo đề xướng mang tên “phản ứng linh hoạt”, trong đó có việc phát triển lực lượng thông thường, tiến hành “chiến tranh hạn chế”.
Cuối năm 1960, do tình hình cách mạng miền Nam phát triển mạnh, có nguy cơ uy hiếp chính phủ Ngô Đình Diệm, chính quyền tổng thống Mỹ Kennơđi chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” để đối phó. Cuối tháng 7 năm 1961, “phái đoàn kinh tế đặc biệt” thuộc Viện nghiên cứu Stanphót do E. Stalây đệ trình kế hoạch Stalây - Taylo “bình định” miền Nam trong vòng 18 tháng với ba giai đoạn, nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam. Để thực hiện kế hoạch trên, Mỹ đã tăng viện trợ quân sự, cố vấn và các đơn vị yểm trợ Mỹ[2]; tổ chức miền Nam thành các quân khu, vùng chiến thuật, khu chiến thuật; đồng thời đẩy mạnh dồn dân, lập “ấp chiến lược” nhằm triệt phá các cơ sở du kích, triển khai các chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận, bủa lưới phóng lao... Chúng tăng cường mở các cuộc hành quân càn quét, dùng bom đạn, chất độc khai quang đánh vào các vùng giải phóng, căn cứ kháng chiến của ta.
Tháng 01/1961, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị Về phương hướng, nhiệm vụ, công tác trước mắt của cách mạng miền Nam; chủ trương “đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự”[3]; phát động chiến tranh du kích, phá ấp chiến lược, xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh binh vận, địch vận, tiến tới tổng khởi nghĩa lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, chấp hành chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, ngày 15/02/1961, các lực lượng vũ trang miền Nam được thống nhất, lấy tên là Quân giải phóng miền Nam. Tiếp đó, Trung ương cục thành lập các trung đoàn chủ lực; phát triển lực lượng du kích, bộ đội địa phương; tổ chức hệ thống chỉ huy từ Miền xuống tỉnh, huyện, xã; xây dựng và mở rộng vùng giải phóng, vùng căn cứ nhằm tạo thế đứng chân vững chắc cho lực lượng cách mạng miền Nam, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, kết hợp phương châm “hai chân”, “ba mũi”; đồng thời, thực hiện chuyển từ khởi nghĩa vũ trang sang chiến tranh cách mạng, đẩy mạnh tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của địch, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Đặc điểm tình hình và sự chuẩn bị của ta
a) Đặc điểm tình hình
Địa bàn Ấp Bắc gồm hai ấp nhỏ là Tân Bình và Tân Thới, thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), cách thị xã Mỹ Tho khoảng 16km; được bao bọc bởi đồng lúa, sình lầy và kinh (kênh) rạch. Phía Nam cách Lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) khoảng 5km, phía Tây cách 6km là Lộ 12, cách 2-3km về phía Bắc và phía Đông là kinh Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Tấn Thành. Ấp Tân Bình và Tân Thới nối liền, tạo thành vòng cung với chiều dài khoảng 4km, rộng khoảng 400m, phía trước là cánh đồng rộng 550m, thuận tiện cho việc đổ quân và xe cơ giới cơ động. Trong ấp là nhà dân xen kẽ các vườn cây ăn trái, có các gò đất nhô ra, tạo điều kiện cho bộ đội, du kích bố trí các cụm hỏa lực. Ấp Bắc cũng là mảnh đất có truyền thống cách mạng, nhân dân tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ từ những năm 1940. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi này là căn cứ địa, một trong những lá cờ đầu của phong trào đấu tranh. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ấp Bắc là địa bàn thuộc vùng giải phóng liên hoàn, nơi đóng quân của lực lượng vũ trang cách mạng.
Sau khi đánh thắng các trận càn của địch ở Vĩnh Kim (ngày 23/9/1962), Mỹ Hạnh Trung (ngày 5/10/1962), Tiểu đoàn 514 của Mỹ Tho và Tiểu đoàn 261 của Quân khu 8 hành quân về khu vực Ấp Bắc để huấn luyện cách đánh máy bay trực thăng, xe bọc thép, cách bố trí trận địa, xây dựng hệ thống công sự, trận địa trong làng, xã chiến đấu. Phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân huyện Châu Thành nghiên cứu, tổ chức phá ấp chiến lược Giồng Dứa, xã Long Định; chuẩn bị kế hoạch đánh địch phản kích và nhử địch càn vào cầu Kinh Năng để tiêu diệt.
Về tình hình địch, khi nhận được tin qua mạng lưới trinh sát, điệp báo, chúng phát hiện lực lượng của ta đang bố trí tại Ấp Bắc, Bộ Tư lệnh Viện trợ Mỹ tại Sài Gòn đứng đầu là tướng P.Háckin cùng Bộ Tư lệnh hành quân của quân lực Việt Nam Cộng hòa (MACV) cấp tốc vạch kế hoạch tác chiến, điều động lực lượng, phương tiện chiến tranh, tổ chức cuộc hành quân càn quét mang mật danh “Đức Thắng 1 - 63” nhằm tiêu diệt và bắt Việt cộng trong khu vực Ấp Bắc.
Để tạo ưu thế tuyệt đối về sức mạnh, chúng huy động 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 bộ binh, 1 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn dù Sài Gòn, 2 đại đội biệt động quân, 3 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ biệt kích, 13 xe thiết giáp M113, 13 tàu chiến trên sông, 6 máy bay khu trục B26, 15 máy bay trực thăng (10 CH21, 5 UH1A), 4 máy bay trinh sát L19, 7 máy bay vận tải C47, với sự chi viện của các trận địa pháo binh thuộc Sư đoàn 7 bố trí trên Lộ 4, Long Định, Phước Mỹ Tây.
b) Sự chuẩn bị của ta
Nhận được tin địch sẽ tổ chức cuộc càn quét vùng giải phóng thuộc 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành, Khu ủy Khu 8 đã điều động Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 261 và Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 514, 1 khẩu đội cối 60 ly, trung đội bộ đội huyện Châu Thành khẩn trương chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đánh thắng cuộc càn quét của địch vào Ấp Bắc. Tổ chức củng cố, cải tạo hệ thống công sự, trận địa sẵn có, dự kiến các phương án đánh máy bay, xe bọc thép; chuẩn bị nơi trú ẩn cho người già, phụ nữ, trẻ em trong ấp. Đến 20 giờ ngày 01/01/1963, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành.
3. Diễn biến và kết quả trận Ấp Bắc
a) Diễn biến chính
Trận Ấp Bắc kéo dài khoảng 20 giờ. Rạng sáng ngày 02/01/1963, máy bay trinh sát L19 của địch bay lượn trên bầu trời Ấp Bắc dẫn đường cho bộ binh và cơ giới. Các lực lực lượng bộ binh, thiết giáp, tàu chiến chia làm 3 mũi bao vây, thực hành càn quét vào Ấp Bắc.
Một mũi gồm 2 đại đội bảo an từ Điền Hy theo Lộ 4, bắt đầu xung phong vào xóm Hội Đồng Vàng, xã Tân Phú. Nắm chắc thời cơ, bộ đội và du kích bất ngờ nổ súng, tiêu diệt tên sĩ quan đại đội cùng hàng chục lính bảo an. Số khác bị sa xuống hố chông, vướng bẫy, vướng mìn nổ làm cho địch hoảng loạn; lực lượng còn lại vội vã co cụm bắn loạn xạ hoặc tháo chạy.
Cùng thời gian trên, mũi khác từ Cầu Sao bí mật cơ động tiếp cận khu vực miếu Thầy Lơ, thực hiện đánh xuyên sườn phòng ngự của ta. Lực lượng ém sẵn của ta đã kịp thời tổ chức đánh chặn, tiêu diệt bộ phận đi đầu, sau đó bí mật vận động, xung phong tiêu diệt bộ phận lớn sinh lực địch vừa tháo chạy ra cánh đồng trống. Bị đánh bất ngờ, lực lượng địch còn lại tháo chạy về miếu Thầy Lơ cố thủ. Trước tình hình đó, sở chỉ huy hành quân của địch ra lệnh cho pháo binh yểm trợ lực lượng rút chạy nhưng lại bắn trúng đội hình bộ binh, gây thêm thương vong cho chúng.
Cùng hai mũi trên bộ, mũi đường thủy theo kênh Nguyễn Tấn Thành gồm 13 tàu chiến chở 2 đại đội biệt động quân đánh vu hồi vào sau đội hình của ta ở Ấp Bắc. Ta sử dụng trung đội du kích và 2 đội công binh chặn đánh quyết liệt, đánh chìm 1 tàu và đánh hỏng một số chiếc khác. Được tin 2 mũi trên bộ gặp nguy, đoàn tàu chững lại rồi tìm đường tháo lui.
Sau đợt tiến công đường bộ và đường thủy không thành, chỉ huy cuộc hành quân của địch quyết định sử dụng chiến thuật trực thăng vận, dùng 5 trực thăng vũ trang UH1A yểm trợ cho 10 trực thăng chở quân CH21 đổ 2 tiểu đoàn bộ binh xuống sau ấp, hình thành hai gọng kìm bao vây lực lượng của ta.
Dự đoán trước âm mưu, thủ đoạn của địch, nắm chắc thời cơ, quân ta bất ngờ nổ súng bắn rơi tại chỗ 1 chiếc CH21; chiếc khác trúng đạn, cố bay ra khỏi vùng trời Ấp Bắc thì bị rơi. Để cứu nguy cho bộ binh, địch dùng 5 chiếc trực thăng vũ trang UH1A và pháo binh điên cuồng bắn phá vào trận địa. Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 đã anh dũng chiến đấu bắn rơi tại chỗ 2 chiếc UH1A, bắn hỏng 1 chiếc CH21 đang đổ quân và rơi cách đó khoảng 400 mét.
Bị thất bại nặng nề trong chiến thuật trực thăng vận và qua hai đợt tiến công không thành khiến tâm lý binh lính địch hoang mang cực độ, buộc địch phải rút quân về thị xã Mỹ Tho để củng cố lực lượng và phương tiện.
Vào lúc 12 giờ 15 phút, sau khi tập kết đủ 3 tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 11, 12 của Sư đoàn 7, địch hình thành hai mũi tiến quân vào ấp Tân Thới, được hỏa lực pháo binh và trực thăng vũ trang yểm trợ tối đa, tiến vào khu vực trận địa của Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 Mỹ Tho. Đợi cho quân địch lọt hẳn vào trận địa mai phục, bộ đội và du kích bất ngờ nổ súng, tiêu diệt và làm bị thương khoảng 1 trung đội địch, số còn lại cố chạy thoát thân.
Để phối hợp với quân và dân Ấp Bắc, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban quân sự Mỹ Tho sử dụng Đại đội 2, Tiểu đoàn 514 tiến công trường bắn Tân Hiệp, kìm chân địch trên Lộ 4, dùng trinh sát khống chế sân bay Thân Cửu Nghĩa. Đại đội 211B chốt giữ Ngã ba chùa Phật Đá, sẵn sàng chi viện cho Ấp Bắc.
Sau thất bại liên tiếp của 3 đợt tấn công, chỉ huy quân địch quyết định sử dụng không quân dội bom napan, xăng đặc, bắn đạn cháy, rốckét... nhằm thiêu trụi các mục tiêu ở Ấp Bắc; sử dụng pháo binh bắn cấp tập vào các trận địa dọc hai bên lộ dẫn vào ấp. Vừa dứt hỏa lực dọn đường, 13 xe thiết giáp M113 và 1 tiểu đoàn bộ binh tổ chức đột kích chính diện Ấp Bắc. Với tinh thần “Kiên quyết bám trụ, bám trụ đến cùng”, 75 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 đã anh dũng chiến đấu, diệt 1 xe M113, bắn hỏng một số chiếc khác. Do súng đại liên bị hỏng, quân địch đã đột phá vào trận địa. Trước tình thế nguy nan, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 cùng 2 chiến sĩ đã bật khỏi công sự, dùng thủ pháo tiêu diệt 1 xe M113 và anh dũng hy sinh. Bị thương vong nhiều, địch hoang mang cực độ, buộc chỉ huy cuộc hành quân phải ra lệnh giãn đội hình, xốc lại lực lượng, phương tiện.
Khoảng 5 giờ chiều ngày 02/01/1963, địch tiếp tục mở đợt tiến công mới. Chúng sử dụng 7 máy bay vận tải CH47 chở Tiểu đoàn dù số 8 thả xuống ấp Tân Thới nhưng rơi vào trận địa phục kích của ta. Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 nắm chắc thời cơ, bất ngờ nổ súng tiêu diệt quân dù ngay từ khi chúng chưa kịp xuống đất; số quân dù còn sống sót co cụm chờ ứng cứu. Cùng thời gian trên, trên hướng Đại đội 1, Tiểu đoàn 216, địch sử dụng xe M113 đột kích. Ta dùng súng phóng lựu bắn cháy 01 xe M113 và toàn bộ lính trên xe, buộc các xe khác phải dừng lại. Nhận thấy 2/3 lực lượng quân dù đổ xuống ấp Tân Thới bị thương vong nặng, lực lượng thiết giáp và bộ binh tấn công vào Ấp Bắc bị tổn thất lớn, mất sức chiến đấu; chỉ huy cuộc hành quân của địch đã cho lực lượng quân dù đổ bộ xuống khu vực Miếu Hội và lệnh cho các lực lượng rút lui.
b) Kết quả trận Ấp Bắc
Sau một ngày chiến đấu kiên cường, căng thẳng, quyết liệt, quân ta đã đánh bại 5 đợt tiến công của Mỹ - ngụy, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ huy trận đánh đã quyết định rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Ấp Bắc, về căn cứ tỉnh ở Hưng Thạnh để bảo toàn lực lượng. Trong trận chiến đấu ác liệt này, quân và dân Ấp Bắc đã mưu trí, anh dũng, tiêu diệt và làm bị thương 450 tên địch (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay trực thăng, bắn hư hỏng nhiều chiếc khác; phá hủy 3 xe bọc thép M113, đánh chìm 01 tàu chiến trên sông. Bộ đội và du kích chỉ sử dụng khoảng 5.000 viên đạn các loại.
II. NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
1. Nguyên nhân thắng lợi
Chiến thắng Ấp Bắc 1963 đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa to lớn, cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng và mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ xâm lược. Chiến thắng đó được xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, Chiến thắng Ấp Bắc - Thành công về sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Trung ương Cục miền Nam, mà trực tiếp là Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho
Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Trung ương Cục miền Nam được thể hiện trước hết là định ra chủ trương, đường lối lãnh đạo kháng chiến đúng đắn. Đó là chủ trương: “Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng của ta về cả hai mặt chính trị và quân sự, tập hợp đông đảo lực lượng cách mạng trong Mặt trận Dân tộc giải phóng, phát động phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của quần chúng, tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bảo tồn và phát triển lực lượng của ta...”[4], “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự”[5]; tổ chức giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang miền Nam trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh vũ trang cách mạng ở miền Nam[6]; chuyển Ban Quân sự Miền thành Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; thành lập các ủy ban mặt trận ở các vùng giải phóng trong phong trào Đồng khởi; tổ chức các hội nghị xác định chủ trương, đường lối, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, tạo sự chuyển biến, phát triển nhảy vọt về chất, tạo thế và lực mới và điều kiện thuận lợi cho kháng chiến giành thắng lợi.
Thực hiện chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng, Quân ủy Trung ương nhằm đối phó với các kiểu chiến thuật mới của địch, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8 đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Ấp Bắc chủ động làm tốt công tác chuẩn bị cho trận chống địch càn quét cả về tư tưởng, kỹ thuật, chiến thuật, lực lượng và vũ khí. Các đơn vị quân đội đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm xuống các địa phương, cơ sở để phổ biến, huấn luyện về chiến thuật chống càn quét, cách bố trí trận địa phòng ngự và kỹ thuật bắn máy bay, đánh xe bọc thép bằng hỏa lực sẵn có. Cùng với đó, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho đã kịp thời làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp giữa các lực lượng đẩy mạnh tác chiến, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh vận của quần chúng nhằm căng kéo quân địch ở các hướng khác, tạo thuận lợi cho Ấp Bắc đánh bại cuộc hành quân càn quét của quân đội Sài Gòn. Đây là yếu tố cơ bản giúp quân và dân Ấp Bắc giành thắng lợi giòn giã, góp phần đánh bại chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch.
Thứ hai, quân và dân Ấp Bắc có truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, có ý chí quyết tâm chiến đấu và tinh thần anh dũng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, bảo đảm cho chiến đấu thắng lợi
Ấp Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quân và dân Ấp Bắc được học tập, trau dồi ý chí, quyết tâm chiến đấu cao, đã trải qua các lớp huấn luyện, tổ chức xây dựng công sự, trận địa hiểm hóc, nắm chắc các kỹ thuật đánh địch bằng các kiểu chiến thuật mới của địch như “trực thăng vận”, “thiết xa vận”.
Trong suốt quá trình chiến đấu, quân và dân Ấp Bắc luôn thể hiện tinh thần anh dũng, bất khuất, ngoan cường. Với số lượng vũ khí có hạn, phải chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn, chất độc dày đặc, chống lại lực lượng quân địch đông hơn gấp nhiều lần, lại được trang bị vũ khí hiện đại, có không quân, pháo binh chi viện nhưng du kích và nhân dân Ấp Bắc vẫn anh dũng, ngoan cường, phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội, lần lượt bẻ gãy 5 đợt tiến công, đánh bại các chiến thuật “thọc sâu, bao vây thẳng đứng”, “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch và giành thắng lợi.
Thứ ba, quá trình chiến đấu của quân và dân Ấp Bắc luôn nhận được sự chi viện, chia lửa của các đơn vị, địa phương lân cận góp phần căng kéo, không cho địch tập trung đối phó, tiến công Ấp Bắc
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân khu ủy, trong 2 ngày 02 và 03/01/1963, Bộ Tư lệnh Quân khu 8, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy quân tỉnh Mỹ Tho đã phối hợp chặt chẽ với quân và dân Ấp Bắc. 31 đội du kích, hơn 20.000 quần chúng hai bên Lộ 4 và các thị trấn Tân Hiệp, Cai Lậy, Cái Bè đã đồng loạt nổi dậy, bao vây các đồn bốt, tiến công tiêu diệt, làm bị thương hơn 150 tên địch, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, bắn cháy và phá hỏng 16 xe quân sự; tổ chức hơn 700 đồng bào của các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây kéo lên khu trù mật, bao vây các trận địa pháo, không cho chúng bắn vào xóm làng. Hơn 200 gia đình có chồng, con, anh em là binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa tham gia cuộc càn quét vào Ấp Bắc đã kéo lên bệnh viện đòi thăm người bị thương, đòi bồi thường tính mạng, đòi chấm dứt cuộc hành quân. Điều đó tác động mạnh mẽ đến cuộc càn quét của địch, góp phần tạo nên Chiến thắng Ấp Bắc oanh liệt.
Thứ tư, sự chỉ huy quyết đoán, mưu trí, linh hoạt và sáng tạo của Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho, trực tiếp là Ban Chỉ huy trận đánh
Trên cơ sở nhận định, phân tích đánh giá đúng tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho đã kịp thời điều động lực lượng, khẩn trương triển khai mọi công tác chuẩn bị chống địch càn quét vào Ấp Bắc; chuẩn bị các phương án đánh máy bay, xe bọc thép, bộ binh địch; hiệp đồng chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng để chuẩn bị nơi trú ẩn an toàn cho người già, phụ nữ, trẻ em; vận động nhân dân cùng với bộ đội, du kích xây dựng công sự, trận địa... Ban Chỉ huy trận đánh, đặc biệt là chỉ huy trên các hướng, các đơn vị đã nắm chắc thời cơ, bám trận địa, bám công sự, có cách đánh táo bạo, bất ngờ, kiên quyết và chắc thắng; kết thúc trận đánh và chỉ huy rút lui đúng thời điểm, bảo đảm an toàn và giữ gìn lực lượng.
2. Ý nghĩa lịch sử
Thứ nhất, Chiến thắng Ấp Bắc gây tiếng vang lớn, giáng một đòn mạnh mẽ vào chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam, mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”
Chiến thắng Ấp Bắc đã gây một tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng Khu 8 nói riêng và toàn chiến trường miền Nam nói chung; là trận đầu chúng ta đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của quân đội ngụy quyền và cố vấn Mỹ, mở đường cho cao trào tiêu diệt sinh lực địch trong càn quét, bắn máy bay, đánh thiết giáp và đưa phong trào phá ấp chiến lược lên đỉnh cao. “Theo gương thực tế của các chiến sĩ Ấp Bắc; tinh thần không sợ và kỹ thuật diệt địch đã được giải quyết trong hàng ngũ quân giải phóng miền Nam”[7]. Sau chiến thắng vang dội này, cao trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” được quân và dân miền Nam hưởng ứng tích cực, góp phần đẩy mạnh thế tiến công, giành được những thắng lợi ngày càng to lớn trên chiến trường.
Chiến thắng Ấp Bắc đã giáng đòn chí mạng vào tinh thần và ý chí của Mỹ - ngụy, làm sụp đổ lòng tin của quân ngụy vào vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại do Mỹ cung cấp; từ đó, sức chiến đấu của địch bị giảm sút nghiêm trọng, mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng sâu sắc; hai bên công khai nói xấu, đổ lỗi thất bại cho nhau. Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ Kennơđi đã buộc phải mở cuộc điều tra thực trạng để nắm tình hình, tìm biện pháp giải quyết khủng hoảng ở Sài Gòn. Cuộc đảo chính, giết chết anh em Diệm - Nhu vào tháng 11/1963 là mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của ngụy quyền.
Thứ hai, Chiến thắng Ấp Bắc khẳng định bước phát triển mới của nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng và sự trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam
Chiến thắng Ấp Bắc trở thành điển hình của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến công địch trên cả hai mặt chính trị và quân sự; kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công để đánh thắng kế hoạch bình định, dồn dân, lập ấp chiến lược của địch. Đây còn là điển hình của phương thức tác chiến chiến tranh nhân dân, xây dựng vùng căn cứ, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng làng, xã chiến đấu; kết hợp chặt chẽ “hai chân”, “ba mũi” trong phong trào đấu tranh chống địch càn quét, bình định, dồn dân, lập ấp chiến lược.
Chiến thắng Ấp Bắc đã khẳng định sự phát triển về chất, sự giác ngộ chính trị, tinh thần quyết tâm, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, sáng tạo và trình độ kỹ thuật, chiến thuật ngày càng hoàn thiện của lực lượng vũ trang cách mạng nói chung, bộ đội miền Nam nói riêng.
Thứ ba, Chiến thắng Ấp Bắc góp phần củng cố niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng, vào đường lối kháng chiến của Đảng; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm tiến lên để giành thắng lợi
Chiến thắng Ấp Bắc làm cho đồng bào cả nước thêm phấn khởi, tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng; tin tưởng vào sự chỉ đạo, chỉ huy của cấp ủy, ban chỉ huy quân sự, mở đường cho việc đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng Ấp Bắc là một điển hình sống động về bài học quý giá “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, “dĩ đoản chế trường”, lấy “chính nhân để thay cường bạo”; khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta là đúng đắn, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính nghĩa của quân và dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng Ấp Bắc trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Mỹ Tho, là một sự kiện lịch sử to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
III. PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG ẤP BẮC TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Khu vực Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống khác tác động, đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và nước ta. Đất nước dù đạt được những thành tựu rất quan trọng, đáng tự hào nhưng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình trên, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả những bài học, kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Ấp Bắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, đặc biệt là những chiến thắng vĩ đại; qua đó, tiếp thêm sức mạnh, bồi đắp niềm tin và lòng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của dân tộc ta; về ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mọi kẻ thù xâm lược; quyết tâm cao, nỗ lực lớn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ QĐND VIỆT NAM
_________________
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2002, t.34, tr.214.
[2] Tính riêng lực lượng cố vấn, năm 1960 có 1.077 người, đến năm 1962 đã tăng lên 10.640 người, bao gồm 2.360 cố vấn và 8.280 quân yểm trợ. Lực lượng ngụy quân tăng từ 7 sư đoàn lên 9 sư đoàn bộ binh và các đơn vị chiến đấu khác với quân số 206.000 người vào năm 1963.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.22, tr.158.
[4] Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.22, tr.159.
[5] Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.22, tr.158.
[6] Hội đồng Chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, t.2, tr. 242.
[7] Nhận định của Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người được Quân ủy Trung ương phân công tham gia phụ trách về xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu ở miền Nam