Truy cập hiện tại

Đang có 116 khách và không thành viên đang online

Chuyển dịch năng lượng hiệu quả, bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long

(TGAG)- Nhằm cập nhật và chia sẻ các xu thế chuyển dịch năng lượng bền vững của quốc tế và Việt Nam, ngày 20/9, tại thành phố Long Xuyên, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenlD) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức hội thảo "Chuyển dịch năng lượng bền vững: Cơ hội và thách thức với đồng bằng sông Cửu Long".

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, đặc biệt nguồn nhân lực ở địa phương dồi dào. Tuy vậy, hiện các tỉnh trong khu vực này đang gặp phải một số khó khăn trước mắt như: rủi ro xung đột đất đai, đảm bảo sinh kế, việc làm, đặc biệt là việc làm cho người dân địa phương.


Cùng đó, thiếu chính sách cần thiết để hỗ trợ đầu tư và địa phương chưa có đủ kĩ năng quản lý vận hành hệ thống, thiếu dịch vụ bảo trì, tư vấn thay thế thiết bị... Những thách thức này không thể giải quyết được từ một ngành, một địa phương. Do đó, các tỉnh trong khu vực cần có sự đồng thuận và liên kết với nhau để cùng đưa ra chính sách năng lượng phù hợp và hiệu quả.

Theo ông Mai Chí Cường, cán bộ Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, tỉnh này giàu tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; đặc biệt, nguồn năng lượng mặt trời (với bức xạ mặt trời nằm trong khoảng 4,7-5,1 kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình hàng năm tại An Giang khoảng 2.400 giờ; ngoài ra, bức xạ mặt trời còn được phân bố rộng rãi trên toàn địa bàn tỉnh.

Hiện An Giang có 10 dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 780MWp tập trung tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Châu Thành. Tính đến thời điểm này đã có 4 dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động, phát điện thương mại với tổng công suất 214 MWp; 6 dự án còn lại đang trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.


Riêng điện mặt trời áp mái lắp cho các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh An Giang đã đấu nối với lưới điện với tổng công suất khoảng 600kWp. Cùng đó, An Giang có 5 dự án đầu tư nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 550MW tập trung các huyện Thoại Sơn và Tri Tôn. Hiện nay, các dự án này đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lắp đặt và thu thập kết quả đo gió.

Tuy nhiên, An Giang và một số địa phương khác trong vùng đang gặp phải một số vấn đề như: đền bù, giải phóng mặt bằng và các xung đột trong sử dụng đất đai; khả năng đấu nối các dự án vào hệ thống lưới điện quốc gia; cơ chế mua bán điện mặt trời áp mái; thiếu nguồn tài chính; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng (lưới điện, cầu đường, giao thông)... Điều này đang làm chậm quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững– ông Cường cho biết thêm.

Cùng quan điểm trên, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh cho biết, hiện tại, ở hầu hết các khu vực trên thế giới, chi phí điện mặt trời và điện gió trên bờ đã rẻ hơn điện từ nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân. Dự báo, năm 2020, điện gió trên bờ và điện mặt trời sẽ trở thành nguồn cung cấp điện mới ổn định với chi phí thấp hơn cả công nghệ điện hóa thạch mà không cần hỗ trợ tài chính.

Tính đến tháng 4 năm 2019, năng lượng tái tạo chiếm 1/3 công suất điện toàn cầu. Ở Việt Nam, 5% tổng nguồn điện quốc gia được cung cấp bằng năng lượng tái tạo, và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 7% vào năm 2020 và 10% vào năm 2030 theo Quy hoạch Điện VII của Chính phủ Việt Nam.

Bà Khanh cho rằng, thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ chuyển dịch năng lượng, nhất là trước thách thức "kép" do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và sự cấp thiết của việc cắt giảm khí thải nhà kính. Như vậy, ngành năng lượng và nền kinh tế các tỉnh khu vực này và cả nước nói chung đang đứng trước áp lực đổi mới để đảm bảo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhưng không đánh đổi môi trường và đảm bảo công bằng xã hội.

Để đạt được mục tiêu đảm bảo điều hoà lợi ích các bên liên quan, bà Khanh cho rằng, cần ưu tiên hơn hết chính là thúc đẩy trao đổi thông tin và học hỏi từ các quốc gia có bối cảnh tương đồng với Việt Nam. Việc trao đổi thông tin là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với các nhà hoạch định chính sách và sẽ là bước đầu tiên để tạo được sự đồng thuận của công chúng.

Nguồn năng lượng tái tạo nội địa có thể giúp Việt Nam tự chủ hơn về năng lượng và ít bị tác động hơn bởi các biến động trong giá than, khí đốt và dầu trên thị trường thế giới. Nó sẽ làm giảm chi phí nhập khẩu của quốc gia về dài hạn, củng cố nền kinh tế và giảm phát thải cho Việt Nam, từ đó cải thiện sức khỏe con người và phúc lợi chung của xã hội./.

Công Mạo
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37320657