Truy cập hiện tại

Đang có 60 khách và không thành viên đang online

Phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo, do tác động của biến đổi khí hậu, đến năm 2100, mực nước biển dâng lên 1m, vùng ngập triều thường xuyên chiếm khoảng 30% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ lên tới hơn 70% diện tích, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. Do vậy, cần có một chiến lược tổng thể để Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là ưu tiên quan trọng.

Đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức từ biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn đối với loài người trong thế kỷ XXI, là một vấn đề được cả thế giới đặc biệt quan tâm khi nhiệt độ trái đất ngày càng tăng do hiệu ứng của khí thải nhà kính, phá rừng… và biểu hiện ở rất nhiều khía cạnh đáng lo ngại như nước biển dâng, siêu hạn hán, siêu lũ lụt... Do vậy, biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu và trực tiếp đến các hoạt động tự nhiên cũng như các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của con người trên toàn thế giới, nhất là hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập nặng nhất. Dự báo mực nước biển sẽ dâng cao 33cm vào năm 2050 và 1m vào năm 2100. Do địa thế thấp, năm 2050 có khoảng 45% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ nhiễm mặn cao, năng suất lúa có khả năng giảm 9%, diện tích trồng lúa sẽ bị thu hẹp đáng kể. Nếu mực nước biển dâng lên 1m, vùng ngập triều thường xuyên chiếm khoảng 30% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ lên tới hơn 70% diện tích và sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long hiện tại và tương lai đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nguy cơ biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã làm xuất hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long nhiều hiện tượng thời tiết bất thường như: lũ lụt trên diện rộng và kéo dài; xâm nhập mặn, hạn hán, dịch bệnh… liên tục xảy ra với cường độ ngày càng tăng, phá hoại trực tiếp hoa màu, cơ cấu mùa vụ, kết cấu hạ tầng, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và gây ra những tổn thất về vật chất rất nặng nề, làm tổn thương đến tính bền vững của ngành nông nghiệp nơi đây. Theo nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan), hiện Đồng bằng sông Cửu Long bị lún nhanh, từ 1,1 - 2,5 cm/năm; riêng các đô thị và khu công nghiệp bị lún nhiều hơn, trung bình tới 2,5 cm/năm. Trong vòng 25 năm qua, khu vực Tân An (Long An) bị lún trên 50 cm, Sóc Trăng lún 35 cm, Bạc Liêu và Cà Mau đều bị lún hơn 30 cm,… Điều đáng lo ngại là, sụt lún ngày càng gia tăng, giai đoạn 1991 - 2000, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ lún 0,4 cm/năm, giai đoạn 2011 - 2016 sụt lún tới 1,1 cm/năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chính được xác định là do tác động của biến đổi khí hậu, sự gia tăng các đập thủy điện trên sông Mekong và khai thác nước ngầm quá mức ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long là một phần của châu thổ sông Mekong (Mekong Delta), từ lâu được xem là vựa lúa, vựa cá lớn nhất Việt Nam; là vùng kinh tế trọng điểm, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 39.725km2 (chiếm 12% diện tích tự nhiên của cả nước), với khoảng 18 triệu dân (chiếm 22% dân số cả nước), đóng góp 17% GDP cả nước, trong đó: 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu; 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây… Tuy nhiên, đứng trên phương diện thu nhập, vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thuộc diện nghèo so với cả nước: thu nhập bình quân đầu người ở mức 40,2 triệu đồng (cả nước là 47,9 triệu đồng/người/năm); các Hiệp định hợp tác thương mại đang được kỳ vọng sẽ mang lại động lực to lớn cho phát triển kinh tế vùng, nhưng còn tồn tại nhiều hạn chế và thách thức. Nguyên nhân chủ quan và khách quan, trình độ phát triển, tăng trưởng kinh tế trong vùng còn chậm và không đều; kết cấu hạ tầng vẫn còn yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; đầu ra cho sản phẩm hàng hóa không ổn định; môi trường bị ô nhiễm… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Những tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm tăng thêm nhiều bất cập và nguy cơ lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Phát triển bền vững nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Để phát triển nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, ứng phó trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, chúng ta cần có một chiến lược, giải pháp đồng bộ ứng phó với những thách thức trước mắt và lâu dài; trong đó cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, tiến hành đánh giá toàn diện, cụ thể hơn về nguy cơ lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… ở Đồng bằng sông Cửu Long; cập nhật, phân tích, dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những ảnh hưởng của các đập thủy điện trên dòng sông Mekong để có được hệ thống chính sách hỗ trợ, đầu tư cho khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng địa phương, căn cứ tình hình khí hậu và khả năng, điều kiện thực tế của mình, nghiên cứu triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu vào canh tác lúa và cây ăn trái; coi trọng và đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, tài chính, khoa học - công nghệ cho nghiên cứu lai tạo, sản xuất các giống cây trồng mới năng suất, chất lượng cao, sức chống chịu, thích ứng tốt với các yếu tố thời tiết bất lợi (chịu hạn, chịu úng, chịu mặn, chịu rét, kháng sâu bệnh…); đầu tư về công nghệ chế biến, bảo quản, đóng gói… nhằm nâng cao sản lượng thu hoạch.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện Chiến lược tổng thể về ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch kết cấu hạ tầng và chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Chính phủ với những giải pháp căn cơ, lâu dài. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng phù hợp, thích ứng với các kịch bản về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thứ ba, cần xây dựng chiến lược quản lý và sử dụng tài nguyên nước dựa trên sự kết hợp giữa các ngành kỹ thuật xây dựng kết cấu hạ tầng trong quy hoạch các tuyến đê biển phục vụ giao thông, đường quốc phòng - an ninh ven biển, cầu, cống trong thủy lợi và vùng nuôi trồng thủy sản… Trong đó, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu: xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt trên một số kênh rạch lớn thông với biển; xây dựng các cống lớn ở cửa sông để ngăn chặn xâm nhập mặn từ biển vào; xây dựng một số hồ trữ nước lớn ven biển để đối phó với kịch bản biến đổi khí hậu cực đoan. Giải pháp trữ nước nhằm cung cấp nước bổ sung cho vùng nuôi trồng thủy sản, hạn chế việc khai thác nước ngầm, phát triển bền vững vùng nuôi trồng, chống lún sụt đồng bằng và giải quyết sớm tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn là rất cần thiết và cấp bách.

Thứ tư, phối hợp các cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổ thải chất, khí thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường hay vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như hành vi chặt phá rừng phòng hộ. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về những nguy cơ, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đời sống xã hội nói chung, đến an ninh lương thực nói riêng, qua đó định hướng người dân chung tay, nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, góp phần phát triển nông nghiệp trên địa bàn theo hướng bền vững.

Thứ năm, cần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trước hết, thu hút được tối đa các nguồn vốn đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế, nhất là vốn ODA, nguồn vốn tư nhân và ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững nhằm trang bị kiến thức, nâng cao năng lực ứng phó của người lao động trước tác động ngày càng xấu của biến đổi khí hậu./.

Bùi Thanh Tuấn
Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Bộ Công an
[Nguồn: TCCSĐT]
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36719197