Truy cập hiện tại

Đang có 67 khách và không thành viên đang online

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021

(TUAG)- Ngày 26/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Phan Huỳnh Sơn và Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh An Giang Võ Hồng Nho chủ trì đầu cầu An Giang.


Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Phan Huỳnh Sơn và Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh An Giang Võ Hồng Nho chủ trì đầu cầu An Giang.

Đóng vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, năm 2020, hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, với phương châm tập trung thực hiện “Mục tiêu kép” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã vào cuộc sớm nhất, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tập trung mọi nguồn lực nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Đồng thời, triển khai quyết liệt và kịp thời các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, đối phó với tác động tiêu cực của dịch bệnh, góp phần quan trọng hỗ trợ duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế, kiên định hướng tới hoàn thành tối đa các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.

Công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của hệ thống ngân hàng đã góp phần giúp nền kinh tế đạt nhiều kết quả khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, góp phần cùng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng kinh tế ở mức cao, từ 6,21% năm 2016 lên 7,02% năm 2019, cao hơn nhiều mức tăng bình quân khoảng 5,9% giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt trong năm 2020 mặc dù tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng mạnh do đại dịch COVID-19, tuy nhiên cùng với sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tốt hơn các nước.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến 21-12 tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019. Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành hợp lý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức độ mức hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế sau dịch. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước.


Về điều hành lãi suất, đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành; đáng chú ý nhất là việc giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp mà vẫn tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 200 ngàn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355 ngàn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 ngàn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23-1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 ngàn khách hàng.
    


Phát biểu chỉ đạo hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao 5 năm qua, ngành Ngân hàng có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Ngành ngân hàng, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã vào cuộc rất sớm với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch COVID-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đạt gần 11%.

Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực, sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong phối hợp các Bộ, ngành làm việc với các đối tác quốc tế để xử lý những vấn đề lớn đặt ra, không để tác động lớn đến quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam như đánh giá đa phương của Đoàn đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG)  về công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam; đánh giá của Bộ Tài chính Hoa kỳ và các cơ quan của Hoa Kỳ đối với Việt Nam...

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa.

Thủ tướng đề nghị, do ảnh hưởng của COVID-19 nên nguy cơ nợ xấu gia tăng. Vì vậy, cùng với việc mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần có các giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Còn không ít tồn tại, yếu kém và các sai phạm của các tổ chức tín dụng cần tiếp tục được chấn chỉnh và xử lý kịp thời, đặc biệt là đối với các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước năm 2021 cần tính toán tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu để đóng góp vào tăng trưởng vì với Việt Nam, tín dụng vẫn là một kênh quan trọng đối với sự phát triển. Cần tập trung hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, ngành ngân hàng không để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao. Qua đó, Thủ tướng mong muốn, trong bối cảnh còn khó khăn này, ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất. Cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu kém. Đồng thời, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro.
Tin, ảnh: HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37146125