Truy cập hiện tại

Đang có 99 khách và không thành viên đang online

Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

(TGAG)- Chiều 09/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.



Trước đó, tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Do còn nhiều đại biểu Quốc hội đăng kí phát biểu nên Đoàn Chủ tịch đã đề nghị Quốc hội bổ sung thời gian thảo luận về dự án luật này trong đợt 2 của Kỳ họp.

Thảo luận tại phiên họp toàn thể hội trường, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa nghị quyết của Đảng và trong phạm vi khuôn khổ quy định của Hiến pháp để có thể thực hiện được ngay, bảo đảm tính ổn định của Luật và của công tác cán bộ, tổ chức bộ máy nhà nước.
Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường tán thành với tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, việc quy định trong dự thảo Luật tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở mức cao hơn hiện nay sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Từ đó, tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do đó, dự thảo Luật chỉnh lý Khoản 2, Điều 23 theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu đề xuất và thực hiện các giải pháp phù hợp để bảo đảm bầu và bố trí đủ số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách như quy định của Luật.



Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận các vị đại biểu Quốc hội phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội về cơ bản đồng ý với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật.

Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các vị đại biểu Quốc hội đồng ý với việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách từ  ít nhất 35% lên 40%.

Về ý kiến đề nghị quy định rõ hơn tiêu chuẩn của các vị đại biểu Quốc hội tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội so với hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm rõ đại biểu Quốc hội là những người tiêu biểu, ưu tú, đại diện cho các giai tầng, các cơ quan trong hệ thống tổ chức, trong hệ thống chính trị cho nên không thể đưa hết tiêu chuẩn riêng của từng khối, từng giai tầng vào trong điều luật. Quy định của Luật là quy định chung và trong quá trình áp dụng có các văn bản quy định của Đảng, Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội có tiêu chuẩn riêng đối với từng khối, từng cơ quan để lựa chọn ra những người tiêu biểu, ưu tú nhất để vào làm đại biểu Quốc hội.

Về Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức để các đại biểu Quốc hội được bầu cử ở một đơn vị tỉnh, thành phố hoặc chuyển đến đơn vị tỉnh, thành phố đó có một mối quan hệ phối hợp, giữ mối quan hệ với các cơ quan Quốc hội và với các địa phương; đồng thời tổ chức cho các đại biểu Quốc hội hoạt động thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ do luật định như giám sát, tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến của Nhân dân, v.v.. Do đây không phải là vấn đề mới nên giữ như luật hiện hành.

Về Văn phòng tham mưu giúp việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết qua thí điểm hợp nhất, các địa phương đều báo cáo trong điều kiện hiện nay thì việc hợp nhất 2 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng nhân dân là hợp lý, còn Văn phòng Ủy ban nhân dân để riêng bởi vì chức năng tham mưu phục vụ của các khối cơ quan này là khác nhau; đồng thời bảo đảm tính khách quan, không có tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị giao cho Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện hơn để có báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

Ngoài ra một số nội dung như việc sửa đổi tên một số Ủy ban của Quốc hội, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của  Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đề xuất chuyển 2 ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội… Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp và báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ hướng đến mục tiêu sửa luật lần này góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội.

P.N
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37145754