Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16-3 đến ngày 22-3-2015)
- Được đăng: Thứ tư, 25 Tháng 3 2015 15:14
- Lượt xem: 4271
Ngày 22-3-2015, sau 4 ngày phát động chiến dịch thu thập chữ ký cho thông điệp ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô và phản đối các biện pháp trừng phạt mới đây của Mỹ, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đã nhận được hơn 1 triệu chữ ký của người dân nước này.
Nguy cơ xung đột tại biên giới Li-băng - I-xra-en, khủng hoảng nhân đạo tại Ni-giê-ri-a, quan hệ Mỹ - I-xra-en bên “bờ vực đổ vỡ”
* Ngày 19-3-2015, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ tái bùng phát xung đột trên biên giới giữa I-xra-en và Li-băng, sau các hành động bạo lực trong thời gian gần đây và tình trạng vũ khí trái phép xuất hiện tại vùng đệm giữa hai nước nằm dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Trong một tuyên bố được toàn bộ 15 nước thành viên thông qua, Hội đồng Bảo an hối thúc giới lãnh đạo Li-băng nhanh chóng chấm dứt bế tắc kéo dài suốt 10 tháng qua về bầu cử tổng thống.
* Cùng ngày, các quan chức hàng đầu phụ trách vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cảnh báo rằng giao tranh tiếp diễn giữa quân đội chính phủ Ni-giê-ri-a với các phiến quân Bô-cô Ha-ram đang kéo theo cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực miền Đông Bắc nước này và có nguy cơ lan ra khu vực. Người dân tại khu vực phía Đông Bắc Ni-giê-ri-a đang phải sống khổ cực; nhiều bé gái bị hãm hiếp hay buộc phải lấy chồng sớm trong khi hàng nghìn bé trai bị bắt phải cầm súng. Giao tranh cũng đã có tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực tại khu vực và cả vùng Xa-hen.
Mối quan hệ Mỹ và I-xra-en bên“bờ vực đổ vỡ”
khi Oa-sinh-tơn tuyên bố sẽ “đánh giá lại” quan hệ song phương.
khi Oa-sinh-tơn tuyên bố sẽ “đánh giá lại” quan hệ song phương.
* Cũng trong ngày 19-3, Oa-sinh-tơn tuyên bố sẽ “đánh giá lại” quan hệ song phương cũng như công khai cảnh báo có thể rút bỏ “chiếc ô” bảo trợ cho nhà nước Do Thái này tại Liên hợp quốc. Trong cuộc điện đàm chúc mừng Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) một lần nữa tái khẳng định cam kết của Oa-sinh-tơn theo đuổi giải pháp hai nhà nước cho mối quan hệ giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng khẳng định ông coi trọng quan hệ đối tác an ninh thân cận song phương và hai bên nhất trí tiếp tục duy trì tham vấn để tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin.
Các nước “tăng tốc” đàm phán về chương trình hạt nhân của I-ran
Tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Tê-hran đang bước vào giai đoạn “nước rút” khi ngày 20-3-2015, I-ran và các nước đối tác tiếp tục các cuộc thảo luận nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện trước thời hạn chót đang đến gần.
Tại Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) và người đồng cấp I-ran Mô-ha-mát Gia-vát Da-ríp (Mohammad Javad Zarif) bắt đầu ngày đàm phán thứ năm. Trong khi đó, bên lề Hội nghị thượng đỉnh mùa xuân của Liên minh châu Âu (EU) tại Brúc-xen (Bỉ), Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni (Federica Mogherini) đã có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn (David Cameron), Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) và Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) để trao đổi quan điểm về những báo cáo liên quan đến tiến bộ đạt được trong vấn đề hạt nhân của I-ran. Trong cuộc thảo luận kéo dài 40 phút, các nhà lãnh đạo châu Âu đã “trao đổi quan điểm hữu ích” với mục tiêu sẽ đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tê-hran trước ngày 31-3.
Cũng với mong muốn sẽ không bỏ lỡ thời hạn chót đạt được thỏa thuận khung, Ngoại trưởng I-ran M. Da-ríp hối thúc Oa-sinh-tơn và 5 cường quốc nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) ngừng gây sức ép trong các cuộc đàm phán hạt nhân và nhất trí về một thỏa thuận.
Vê-nê-xu-ê-la ký thông điệp phản đối Mỹ
Người dân Vê-nê-xu-ê-la phản đối sắc lệnh của Mỹ coi Vê-nê-xu-ê-la là “mối đe dọa bất thường
đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại” của nước này.
Ngày 22-3-2015, sau 4 ngày phát động chiến dịch thu thập chữ ký cho thông điệp ủng hộ chính phủ của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolas Maduro) và phản đối các biện pháp trừng phạt mới đây của Mỹ, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đã nhận được hơn 1 triệu chữ ký của người dân nước này. Việc thu thập chữ ký được tiến hành tại 14.000 điểm đặt tại các quảng trường lớn và kéo dài tới ngày 09-4, tròn 1 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) ban hành sắc lệnh hành pháp coi Vê-nê-xu-ê-la là “mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại” của Mỹ. Thông điệp sẽ được gửi trực tiếp tới ông B. Ô-ba-ma yêu cầu rút lại sắc lệnh trên, theo chính nguyện vọng của hàng triệu người dân Vê-nê-xu-ê-la mà bản thân người đứng đầu Nhà Trắng đã viện dẫn khi ban hành biện pháp trừng phạt.
Trước đó, ngày 17-3, Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA) đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Thủ đô Ca-ra-cát của Vê-nê-xu-ê-la, nhằm bày tỏ ủng hộ nước này trước những biện pháp trừng phạt mà Mỹ mới áp đặt lên quốc gia Nam Mỹ này. Các đại biểu cũng xem xét các hành động can thiệp của Mỹ kể từ sau khi Tổng thống B. Ô-ba-ma đưa ra sắc lệnh trên./.
Hà Bùi tổng hợp
(Theo TCCS)