Truy cập hiện tại

Đang có 123 khách và không thành viên đang online

Cục diện xung đột Nga – U-crai-na

(TUAG)- Ngày 24-2-2022, Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Đông U-crai-na nhằm đáp lại lời đề nghị hỗ trợ bảo đảm an ninh của lãnh đạo hai nước Cộng hòa tự xưng Đôn-nhét (Donestsk, DPR) và Lu-han (Lugansk, LPR). Đến nay, mọi nỗ lực hòa giải đối với cuộc xung đột Nga - U-crai-na vẫn chưa đạt kết quả.



Nhìn tổng thể tình hình trong thời gian qua, có thể rút ra tám đặc trưng của cuộc xung đột Nga - U-crai-na. Thứ nhất, khi tiến về phía Đông Nam U-crai-na, các hoạt động quân sự do Nga tiến hành gặp phải sự chống cự quyết liệt của phía U-crai-na và đội ngũ lính đánh thuê. Thứ hai, ba mục tiêu đầu tiên của Nga là tiến hành phi quân sự hóa, phi quốc xã hóa và trung lập hóa ở U-crai-na vẫn chưa thực hiện được. Thứ ba, tình hình xung đột trên thực địa vẫn hết sức khốc liệt, không chỉ tiêu tốn nhiều nguồn lực, mà còn gây ra những mất mát khó có thể đong đếm cho cả hai phía, đồng thời để lại những “vết sẹo” kinh tế - xã hội sâu sắc có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Thứ tư, U-crai-na có hơn 40 triệu dân, thì hơn 10 triệu người dân phải đi tị nạn ở nước ngoài (chủ yếu ở Nga và nhiều nước châu Âu), gây ảnh hưởng nặng nề đến vấn đề nhân đạo. Thứ năm, Mỹ và châu Âu áp đặt lệnh cấm vận nghiêm ngặt đối với Nga, đồng thời liên tục vận chuyển một lượng lớn vũ khí và đạn dược hiện đại để hỗ trợ U-crai-na đối phó với Nga. Thứ sáu, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận, tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột, nhưng không đạt tiến triển. Thứ bảy, hiện nay chưa thấy dấu hiệu đàm phán ngừng bắn giữa hai bên. Thứ tám, khả năng đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột trong tương lai gần được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có thể dự báo thời điểm, cũng như kết quả đàm phán, do lập trường của các bên hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập.

Theo nguyên Phó Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban Ngoại sự Chính hiệp toàn quốc khóa XIII Châu Lực, “chìa khóa để giải quyết cuộc xung đột Nga - U-crai-na là Mỹ và các nước phương Tây, thế nhưng đến nay, Mỹ và các nước phương Tây chưa có bất cứ động thái nào để giảm căng thẳng giữa hai bên, thậm chí vẫn tiếp tục hậu thuẫn về vũ khí ngày càng hiện đại để giúp U-crai-na đối phó với Nga. Do vậy, tình hình hiện nay cho thấy, các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dường như ngày càng trở nên xa vời. Cả hai bên vẫn đang tiếp tục các hoạt động với hy vọng đảo ngược tình thế, quyết liệt giành giật các vùng lãnh thổ chiến lược ở miền Đông - Nam U-crai-na. Phía U-crai-na sẽ không chấp nhận giải pháp chính trị và tiếp tục nỗ lực để giành lại các vùng lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Trong khi đó, Nga cố gắng duy trì kiểm soát tình hình và vùng lãnh thổ đã sáp nhập.

Về phía Mỹ, theo nhận định của nhiều chuyên gia, chính quyền của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn hướng tới bốn mục tiêu chính trong cuộc xung đột Nga - U-crai-na là: 1- Làm suy giảm sức mạnh tổng hợp quốc gia của Nga; 2- “Phương Tây hóa U-crai-na”, lôi kéo các nước có xu hướng thân Nga “đoạn tuyệt” với Nga và dựa hẳn vào Mỹ và phương Tây; 3- Củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương; 4- Tranh thủ cuộc khủng hoảng chính trị tại U-crai-na để khiến các nước châu Âu phụ thuộc hơn nữa vào Mỹ về mặt quân sự, an ninh, kinh tế và năng lượng. Bởi vậy, Mỹ tiếp tục hối thúc đồng minh tăng cường giúp đỡ quân sự cho U-crai-na, kể cả những thiết bị quân sự tiên tiến hơn, có khả năng tiêu diệt mục tiêu xa hơn 150km, qua đó đe dọa các tuyến tiếp tế chính, kho vũ khí và căn cứ không quân của Nga ở sâu trong biên giới Nga. Quyết định này được đánh giá là bước ngoặt trong chính sách viện trợ của các nước phương Tây vốn lo ngại nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga. Theo giới chuyên gia, đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm giúp U-crai-na phá vỡ thế bế tắc trên thực địa hiện nay. Trong khi đó Nga cho rằng, quyết định cung cấp các loại vũ khí này của phương Tây cho U-crai-na là nguy hiểm, khiến cuộc xung đột ngày càng leo thang, nhưng không thể xoay chuyển được cục diện xung đột.

Hiện nay, một số kịch bản được đưa ra đối với cuộc xung đột Nga - U-crai-a. Kịch bản thứ nhất, hai bên tiến tới đạt được một thỏa thuận ngừng cuộc xung đột. Nếu cuộc xung đột đi vào bế tắc, có thể có một số thỏa thuận ngừng xung đột tạm thời giữa Nga và U-crai-na. Tuy nhiên, đó có thể không phải là sự kết thúc mà giống như một cuộc xung đột “đóng băng”, có thể nóng lên hoặc hạ nhiệt, tùy thuộc vào các yếu tố đòn bẩy. Trong kịch bản này, Nga có thể hy vọng Mỹ và các nước phương Tây khác sau một thời gian bị chi phối từ tình hình quốc tế sẽ không quan tâm nhiều đến cuộc xung đột và ủng hộ U-crai-na. Kịch bản thứ hai, hai bên tiến tới đạt được một thỏa thuận hòa bình. Theo đó, xung đột sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình, mặc dù việc giải quyết là vô cùng khó khăn bởi hai nước vẫn cách xa nhau quan điểm về các điều khoản mà hai bên có thể chấp nhận được nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Kịch bản Nga rút quân đội khỏi U-crai-na trong điều kiện U-crai-na chấp nhận những vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập đã được một số nhà phân tích đưa ra, song điều này được cho là rất khó xảy ra, bởi đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào ở U-crai-na, đây sẽ là hành động “tự sát về chính trị” nếu họ trao lãnh thổ U-crai-na cho đối phương. Kịch bản thứ ba, Nga tuyên bố chiến thắng. Nga không dễ dàng xoay chuyển hoàn toàn cuộc xung đột và đạt được các mục tiêu ban đầu, nhưng có thể chấp nhận một “chiến thắng” hoặc tuyên bố “chiến thắng” theo cách riêng của mình dưới hình thức một thỏa thuận hòa bình, trong đó có thể Nga kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ hơn so với trước khi cuộc xung đột diễn ra. Tuy nhiên, nếu những kịch bản trên không thể xảy ra, Nga, U-crai-na và phần còn lại của thế giới cần sự thỏa hiệp hoặc dùng những lực đẩy tác động từ bên ngoài để tạo lối thoát cho các bên.

Có thể thấy, “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga tiến hành tại U-crai-na từ ngày 24-2-2022 với mục tiêu ngăn chặn U-crai-na “ngả” về các nước phương Tây đã diễn ra không như những dự báo ban đầu. Cuộc xung đột gây thiệt hại nặng nề về mọi mặt đối với U-crai-na, Nga và EU. Đặc biệt, cuộc xung đột cũng là một trong những nguyên nhân cản trở tiến trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng về giá cả, an ninh năng lượng, an ninh lương thực,... mà nhân loại đang phải đối mặt; đồng thời, tạo ra những bước ngoặt có thể định hình tương lai của trật tự quốc tế. Trong bối cảnh đó, các nước vừa và nhỏ cần có những ứng xử linh hoạt, chính sách phù hợp, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển và an ninh toàn cầu, vì lợi ích quốc gia - dân tộc cũng như vì lợi ích chung của toàn nhân loại./.

Sự thật
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40514167