Truy cập hiện tại

Đang có 118 khách và không thành viên đang online

Xu hướng nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng “thích ứng linh hoạt” trên toàn cầu

(TUAG)- Đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ 3 liên tiếp. Đến nay, thế giới đã có hơn 6 triệu người tử vong. Với những phát triển tích cực trong công nghệ sản xuất vaccine và điều trị, tỷ lệ tử vong do nhiễm Covid-19 của thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm qua. Điều này đã tạo cơ sở để nhiều nước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch và chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19.



Trong giai đoạn đầu ứng phó với một dịch bệnh chưa từng có, hàng loạt quốc gia áp dụng các biện pháp dịch tễ truyền thống như xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly người nhiễm, cô lập khu vực tiếp xúc người nhiễm, phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và giao thương. Mô hình này sau đó được nhân rộng khắp thế giới với mức độ nghiêm ngặt tùy vào diễn biến dịch Covid-19. Châu Á trở thành hình mẫu chống dịch nhờ tiên phong siết chặt kiểm soát biên giới và truy vết quyết liệt chống lây nhiễm.

Theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), ước tính có khoảng 4,2 tỷ người, tương đương 54% dân số thế giới và 60% GDP toàn cầu, sống trong tình trạng phong tỏa một phần hoặc toàn diện. Biện pháp này đã phần nào làm giảm sự lây lan của dịch Covid-19 nhưng tạo ra sức ép ngày càng lớn trong xã hội và rất nhiều hệ lụy khác đối với nền kinh tế thế giới như: làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gián đoạn logistics, cùng tình trạng thiếu hụt và giá năng lượng tăng cao… Cụ thể, năm 2020 đã chứng kiến sự tàn phá nặng nề của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới. Khoảng 35% số doanh nghiệp toàn cầu bên bờ vực phá sản và hàng trăm triệu người mất việc do dịch bệnh Covid-19. Điều này đã buộc giới chức toàn cầu khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng ngừa, chữa trị Covid-19.

Nỗ lực nghiên cứu toàn cầu đã gặt hái nhiều thành quả, góp phần thay đổi cục diện trong cuộc chiến với virus. Các thành tựu khoa học thần tốc trong hai năm qua đưa thế giới bước vào giai đoạn ứng phó mới. Chương trình tiêm chủng trở thành xương sống chiến lược chống dịch ở các nước. Theo thống kê của tổ chức Our World in Data, tính đến ngày 06/3/2022, đã có hơn 10,8 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu, 63,3% dân số thế giới được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Trong đó, nửa sau năm 2021, những nơi sớm đạt tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 trên toàn quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để khôi phục kinh tế.

Điều này cho thấy, quan điểm về ứng phó với Covid-19 trên toàn cầu đến nay đã thay đổi và đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị Covid-19 như điều trị bệnh nhân thông thường. Bởi vậy, dù ở thời điểm hiện tại, tuy số ca mắc mới có tăng cao do sự lây lan của biến thể Omicron, nhưng ngày càng có nhiều chuyên gia y tế cho rằng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy đại dịch Covid-19 sắp bước sang giai đoạn “bệnh đặc hữu” mà con người có thể sống chung. Điều này được các chuyên gia đưa ra dựa trên cơ sở cho rằng, con người đã có được những hiểu biết nhất định và những công cụ hữu hiệu để chống lại dịch bệnh. Khi Covid-19 được xem là bệnh “đặc hữu” thì nó không còn là bệnh thuộc nhóm A (nhóm nguy hiểm) nữa, mà là một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường. Các cơ sở y tế sẽ tập trung chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, giảm biến chứng, giảm tử vong; lập chuyên khoa, công việc chẩn đoán và điều trị giao cho bác sĩ lâm sàng như những khoa bệnh khác.

Từ cuối tháng 02/2022, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, đã công bố kế hoạch dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19. Tại Việt Nam, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15/3/2022. Đây được coi là bước chuyển quan trọng trong lộ trình sống chung an toàn và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19.

Có thể thấy rõ, nếu như lúc đại dịch COVID-19 mới bùng phát, chính phủ các nước đã nỗ lực theo đuổi chiến lược xóa sổ căn bệnh này và kiềm chế sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng ở mức thấp nhất có thể, thì đến nay thế giới đã thay đổi tư duy về cách đối phó với đại dịch COVID-19 trong tương lai. Sau hơn 2 năm đối mặt với dịch bệnh, thế giới đã học cách sống chung với nó, thích ứng linh hoạt và coi COVID-19 như một bệnh đặc hữu./.
P.N
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40016874