Sinh hoạt tư tưởng
Mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
- Được đăng: Thứ ba, 31 Tháng 3 2015 09:30
- Lượt xem: 2775
(TGAG)- Thời gian gần đây, một số đối tượng cơ hội chính trị trong nước và nước ngoài viết bài tung lên Internet luận điệu xuyên tạc “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất ở Việt Nam nên là đảng độc tài”, “Đảng là cản trở của nền dân chủ”… Từ đó, có cái gọi là “kiến nghị” đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng “Đảng chỉ nên lãnh đạo tư tưởng, đạo đức, lối sống và định hướng chung chung”, “không lãnh đạo kinh tế, văn hóa …”, bởi đây là công việc của Nhà nước.
Những luận điệu sai trái trên là không thể thuyết phục, do Nhân dân ta luôn có sự hiểu biết đúng về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; về mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền trong việc thực hiện quyền lực của Nhân dân. Nhân dân làm chủ là yếu tố trung tâm của mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, bởi vì mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước đều từ Nhân dân và vì Nhân dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là những tổ chức thực hiện các ủy quyền về quyền lực của Nhân dân Việt Nam. Nhân dân ủy quyền cho Đảng quyền lãnh đạo chính trị, gồm các thẩm quyền cơ bản:
Thứ nhất, xây dựng và quyết định đường lối chính trị cho sự phát triển của đất nước; quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia.
Thứ hai, Đảng giới thiệu các đảng viên ưu tú, đủ tiêu chuẩn để Nhân dân lựa chọn bầu vào các cơ quan đại diện và quyền lực Nhà nước; giới thiệu để các cơ quan Nhà nước bầu hoặc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo.
Thứ ba, thực hiện việc kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể Nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng.
Nhân dân ủy quyền cho bộ máy Nhà nước thực hiện quyền quản lý, điều hành đất nước với các quyền như sau:
Thứ nhất, xây dựng và ban hành luật pháp (quyền lập pháp).
Thứ hai, tổ chức thực hiện luật pháp để duy trì và thúc đẩy tự do, dân chủ, an ninh của mỗi người dân và toàn bộ xã hội (quyền hành pháp).
Thứ ba, bảo đảm trật tự, kỷ cương và duy trì công lý (quyền tư pháp).
Việc phân định quyền lực của Đảng với các thẩm quyền phổ biến nêu trên là cơ sở quan trọng để phân định sự lãnh đạo chính trị của Đảng và quyền quản lý, điều hành đất nước của bộ máy Nhà nước.
Đảng ta lãnh đạo xã hội chủ yếu thông qua Nhà nước và bằng Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhưng không làm thay công việc của Nhà nước. Đảng quan tâm xây dựng, củng cố Nhà nước, phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý, điều hành đất nước.
Đảng phát huy vai trò và trách nhiệm cá nhân của từng đảng viên ưu tú của Đảng, được Nhân dân tín nhiệm bầu, Nhân dân chính thức trao quyền; thực hiện tốt phương thức lãnh đạo thông qua đảng viên nắm giữ các cương vị chủ chốt của Nhà nước ở các cấp, được bầu cử dân chủ với các quy chế pháp lý chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm trước Đảng và trước Nhân dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không có lợi ích tự thân, sứ mệnh của Đảng và Nhà nước là phục vụ Nhân dân. Mọi xu hướng và biểu hiện “Đảng hóa Nhà nước” và “Nhà nước hóa Đảng” dẫn tới “hình thức hóa Nhà nước” hoặc “hình thức hóa Đảng” đều làm suy yếu cả Đảng lẫn Nhà nước, đều gây tổn hại tới xã hội, tới nền dân chủ, tới quyền và lợi ích của Nhân dân.
Tính chất, nội dung, phạm vi quyền lực, trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định là không trùng lặp; phù hợp với vai trò, vị trí và tính chất của mỗi tổ chức và có liên hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau; xuất phát từ nguyên lý về tính thống nhất của quyền lực Nhân dân, quyền lực của Đảng và quyền lực của Nhà nước. Trong đó, quyền lực của Nhân dân là tối cao.
SỰ THẬT