Truy cập hiện tại

Đang có 51 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Mở cửa trường học vì sự phát triển toàn diện và an toàn của trẻ em

(TUAG)- Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập, lĩnh vực kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ được phục hồi thì ngành Giáo dục mới chỉ bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên, thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Việc tổ chức dạy và học trực tiếp trở lại cần lắm sự đồng hành, chia sẻ của phụ huynh học sinh và toàn xã hội trong những khó khăn trước mắt của ngành Giáo dục.

Ngày 17/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học. Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, các điều kiện, năng lực phòng, chống dịch trong nước đã khác với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao; đã có thuốc, kinh nghiệm và phác đồ điều trị; ý thức của người dân khá tốt… từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Việc mở cửa lại trường học là yêu cầu bức thiết, khi trẻ ở nhà lâu sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường, không chỉ chậm chương trình học văn hóa, kiến thức, mà còn tác động rất lâu dài đến sự phát triển của các cháu.



Tại An Giang, toàn bộ học kỳ I, năm học 2021 - 2022 đã triển khai bằng hình thức học trực tuyến đối với tất cả các cấp học phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12, trong tình hình diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh, đặc biệt với nhiều biến chủng nguy hiểm xuất hiện. Mặc dù việc dạy học linh hoạt (trực tuyến, qua truyền hình, xem video clip, giao nhiệm vụ học tập...) là yêu cầu tất yếu mà ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh cần phải thích nghi trong điều kiện học sinh không thể đến trường do dịch bệnh COVID-19; nhưng thực tế cho đến nay, vẫn còn nhiều khó khăn cho phương pháp này. Đặc biệt đối với các em học sinh lớp 1 nói riêng, học sinh tiểu học nói chung còn quá nhỏ không quen học trên máy tính, trên ti vi nên dễ nhàm chán, giáo viên không thể giám sát, nhắc nhở như dạy học trực tiếp tại lớp; học sinh sử dụng các thiết bị thông minh trong quá trình học tập dễ nghiện game và tiếp xúc với các văn hóa độc hại, ảnh hưởng đến việc hình thành phẩm chất, năng lực của các em…

Đối với giáo dục mầm non bị gián đoạn trong thời gian dài, giáo viên chỉ có thể liên lạc, hướng dẫn cha mẹ các phương pháp nuôi dạy, chăm sóc trẻ. Điều này ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của trẻ em; phụ huynh các em phải bỏ một phần lớn thời gian làm việc để chăm sóc các em tại nhà. Đối với trẻ 5 tuổi, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng vào lớp 1 theo Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi còn hạn chế, gây khó khăn khi học chương trình lớp 1 ở tiểu học của trẻ. Trong thực tế, việc tổ chức hoạt động giáo dục mầm non theo hình thức trực tuyến rất khó thực hiện. Đối với trẻ em mầm non không được tương tác với bạn bè, cô giáo có nguy cơ giảm khả năng phát triển về ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, hiểu biết xã hội, vận động và sức khỏe.

Khó khăn lớn nhất là học sinh vẫn còn thiếu thiết bị học trực tuyến với số lượng rất lớn, do điều kiện kinh tế của nhiều gia đình học sinh còn gặp rất nhiều khó khăn, không đủ điều kiện, khả năng để trang bị thiết bị học tập trực tuyến thiết yếu như: Máy tính, máy tính bảng, tivi... dẫn đến một số lượng học sinh không có cơ hội được học tập khi ngành Giáo dục chuyển trạng thái hoạt động trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là đối với những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Theo thống kê tại thời điểm đầu năm học, tỉnh An Giang có 77.918 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, trong đó có 5.664 học sinh thuộc hộ nghèo, 11.107 học sinh hộ cận nghèo và nhiều học sinh khó khăn hoặc gia đình thuộc diện chính sách khác, đến hiện tại, sau nhiều nỗ lực của tỉnh, gia đình học sinh, sự hỗ trợ từ nhà trường và các tổ chức, cá nhân, số học sinh còn thiếu thiết bị học trực tuyến toàn tỉnh là 39.719.

Ngoài hình thức học trực tuyến, ngành Giáo dục An Giang cũng triển khai các hình thức dạy học linh hoạt khác, trong đó có việc phối hợp dạy qua truyền hình, MyTV và ghi lại video bài dạy để gửi cho học sinh. Phương thức dạy học này phù hợp hơn với học sinh cấp tiểu học, chi phí thấp, ít gây áp lực cho gia đình học sinh nhưng hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.

Chính bởi những lý do trên, việc cố gắng sớm nhất có thể cho toàn bộ trẻ quay lại trường học trực tiếp là nhu cầu bức thiết vì sự phát triển toàn diện và an toàn của trẻ em. Thời gian qua, địa phương An Giang đã có nhiều cố gắng để sớm cho trẻ đến trường an toàn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sở GDĐT đã trình UBND tỉnh chủ trương và được thống nhất thí điểm cho học sinh lớp 9 và lớp 12 huyện Châu Phú trở lại trường thời điểm đầu Học kỳ II, từ ngày 10/01/2022. Sau hai tuần thí điểm với kết quả khả quan, ngày 18/01/2022, Sở GDĐT đã trình UBND tỉnh chủ trương và được thống nhất mở rộng cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14/02/2022. Sắp tới đây theo Công văn số 143/UBND-KGVX, ngày 18/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thống nhất chủ trương cho học sinh lớp 6 và học sinh bậc tiểu học trở lại trường học trực tiếp từ ngày 21/02/2022.

Tuy nhiên việc mở cửa trường học đồng nghĩa với việc vấn đề an toàn cho trẻ em phải được đặt lên trên hết. Để đảm bảo an toàn cho việc tổ chức dạy và học trực tiếp, ngành GDĐT tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác hỗ trợ các nhà trường, hỗ trợ giáo viên, học sinh về điều kiện dạy và học; liên tục theo dõi, kiểm soát thông tin phản hồi, kịp thời có những điều chỉnh phù hợp để vừa linh hoạt ứng phó dịch bệnh, vừa hoàn thành kế hoạch năm học trong đó ưu tiên “tận dụng thời gian vàng học trực tiếp” để củng cố, nâng cao, bảo đảm chất lượng dạy và học. Đặc biệt, ngành GDĐT sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Y tế trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin cho học sinh theo độ tuổi qui định của ngành Y tế, cố gắng tăng độ bao phủ và đủ mũi vắc xin trong học sinh các cấp, nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết để từng bước đưa hoạt động của ngành trở lại trạng thái bình thường mới (dạy học trực tiếp).

Cả hệ thống chính trị, nhất là toàn ngành GDĐT của tỉnh đã và đang từng ngày cố gắng nỗ lực phấn đấu bằng tất cả các biện pháp để đưa trẻ quay trở lại trường học trực tiếp, nâng cao chất lượng học tập của học sinh, duy trì việc kết nối giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên và phụ huynh, hướng dẫn học sinh quen dần với các hình thức dạy học linh hoạt. Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập, lĩnh vực kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần được phục hồi thì ngành GDĐT mới chỉ bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên. Hậu quả dịch bệnh gây ra đặc biệt là những lỗ hỏng về kiến thức, những tác động tâm lý, tinh thần, thể chất của học sinh… là những thứ chưa đo đếm được, ảnh hưởng lâu dài và sự khắc phục nó không phải một sớm một chiều. Cần lắm sự đồng hành, chia sẻ của phụ huynh học sinh và toàn xã hội trong những khó khăn trước mắt của ngành Giáo dục./.

NGỌC HÂN
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40457697