Truy cập hiện tại

Đang có 396 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Thuốc phải nhằm đúng bệnh!

(TUAG)- Cách đây 70 năm, ngày 12/7/1951với bút danh C.B. Bác Hồ đã viết bài báo có nhan đề “Phê bình” đăng trên Báo Nhân dân. Người viết và giải thích: "Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc". Nói thật ở đây là phê bình. Người còn so sánh: Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là thuốc để trị bệnh. Thí dụ: Một người có vết nhọ trên trán, tự mình không trông thấy. Nhờ đồng chí bảo cho biết. Thế là đồng chí ấy đã phê bình mình, mục đích là muốn giúp cho mình sạch sẽ, chứ không phải để mỉa mai.



Vấn đề không có gì là phức tạp. Nhưng có hai điều cần chú ý: Một là, người góp ý cần có thái độ đúng mực, Bác khuyên: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa tai nhau”. Về phần người được góp ý “khi đã biết có vết nhọ thì phải lo rửa sạch…, vui lòng rửa sạch. Nếu không sẽ “mang vết nhọ suốt đời”.

Ở tầm cao hơn, Bác chỉ dạy đảng viên và cán bộ: “Chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình”.

Cần quán triệt sâu sắc quan điểm: Phê bình là cốt lợi cho công việc chung. Phê bình là nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó; hoàn toàn không nhằm vào cá nhân mỗi người. Nguyên tắc phê bình là phải hướng vào tư tưởng và công tác. Vì “tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm. Thí dụ: Vì thiếu quan điểm quần chúng (sai về tư tưởng), nên trong công tác mắc bệnh mệnh lệnh, quan liêu.

Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, cần dùng phương pháp gì để sửa chữa. “Thuốc phải nhằm đúng bệnh”. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Phê bình phải đường hoàng, chính đáng. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng"; quyết không nên "thầm thì thầm thụt”…

Phải hiểu đúng và thực hiện tốt mục đích, yêu cầu phê bình, góp ý. Trong chế độ ta: Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng nhau tiến bộ. Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình.

Đảng viên và cán bộ, Đảng và cả hệ thống chính trị cần phải hoan nghênh và khuyến khích Nhân dân mạnh dạn phê bình. Nếu phê bình sai, thì phải giải thích. Phê bình đúng, thì phải công khai thừa nhận và sửa chữa. Trù dập người phê bình hoặc không chú ý tiếp thu ý kiến phê bình là coi thường, là “khinh rẻ ý kiến Nhân dân”; là trái với dân chủ, và rất có hại, cũng như có bệnh mà từ chối uống thuốc.

Trong những năm gần đây: Các cấp uỷ, tổ chức đảng đã nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm. Coi trọng việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình. Chính đây là nguyên nhân chủ yếu góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao.

Bác Hồ chỉ dạy: Phê bình và tự phê bình là công việc thường xuyên. Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ. Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí. Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm, là nhờ có phê bình và tự phê bình. Cho nên toàn thể đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình.

Phê bình là thuốc để trị bệnh. Thuốc phải nhằm trúng bệnh. Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa tai nhau ./.

Trung Thành
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40593544