Sinh hoạt tư tưởng
Phòng ngừa những thói quen… viết sai
- Được đăng: Thứ ba, 03 Tháng 3 2020 09:13
- Lượt xem: 2143
Viết báo luôn đòi hỏi phải có sự thận trọng, chính xác, chặt chẽ về câu từ, ngữ pháp, chữ nghĩa. Việc sử dụng từ ngữ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy… sao cho đúng chính tả, ngữ pháp, văn phong, hoàn cảnh thông tin là một trong những yêu cầu không thể thiếu đối với người cầm bút.
(Hình minh họa)
Khi đọc báo, nếu lưu tâm sẽ thấy xuất hiện những lỗi rất sơ đẳng vì người viết hoặc là do suy nghĩ chủ quan, đơn giản, hoặc là do thói quen, ít để ý, nhưng nếu không đọc kỹ, rà soát không chặt chẽ sẽ làm cho thông tin thiếu chính xác, khách quan. Xin đưa ra một vài ví dụ cụ thể.
1. THÔNG TIN Ở THÌ HIỆN TẠI LẠI DÙNG PHỤ TỪ "SẼ"
Một số phóng viên viết tin dẫn về một sự kiện, chương trình, hoạt động nào đó diễn ra trong ngày, đã viết như sau: “Hôm nay ngày 15-3, tại Hà Nội sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật…”. Viết như vậy là chưa chính xác, vì hôm nay đang ở “thì hiện tại”, nên không thể gắn với từ “sẽ” vốn là một phụ từ biểu thị sự việc, hiện tượng xảy ra trong tương lai, hay xảy ra sau thời điểm nói.
Do đó, nhất thiết phải bỏ từ “sẽ” thì thông tin mới bảo đảm chính xác.
2. SỬ DỤNG TỪ "CÁC" KHÔNG PHÙ HỢP
Khi thông tin về thành phần đại biểu, khách mời trong một sự kiện lớn nào đó, phóng viên sau khi liệt kê những đại biểu có chức vụ cao nhất, thường ghi một câu chung chung như: “Tham dự hội nghị (hội thảo, chương trình, lễ khai mạc…) còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương”.
Từ “các” ở trong hoàn cảnh, nội dung thông tin này được hiểu là “toàn bộ, tất cả”. Ví như người ta vẫn nói “Xin chào các bạn”, “Xin chào các đồng chí”, thì từ “các” ở trường hợp này nghĩa là “Xin chào tất cả những người bạn”, “Xin chào tất cả những người đồng chí”.
Do vậy, nếu viết “Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương” là chưa chính xác. Vì từ “các” ở đây được hiểu là tất cả lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương.
Lãnh đạo Ban là lãnh đạo 6 ban của Đảng gồm: Tuyên giáo, Tổ chức, Dân vận, Kinh tế, Nội chính, Đối ngoại.
Lãnh đạo Bộ bao gồm 18 bộ trực thuộc Chính phủ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Tư pháp; Tài chính; Công thương; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Nội vụ; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường.
Lãnh đạo ngành là lãnh đạo các cơ quan ngang Bộ như Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… hay cũng có thể là lãnh đạo các ngành: Tòa án; Kiểm sát; Kiểm toán; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…
Lãnh đạo Đoàn thể Trung ương gồm 5 đoàn thể chính trị - xã hội: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Trên thực tế, hiếm có hội nghị, hội thảo, chương trình, lễ khai mạc nào mà có đầy đủ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; ngoại trừ sự kiện kỷ niệm mang tầm vóc, quy mô quốc gia, quốc lễ.
Do vậy, trong trường hợp này, muốn thông tin đủ mà vẫn bảo đảm không sợ thiếu đại biểu, khách mời tham dự sự kiện, thì phải viết là: “Tham dự hội nghị (hội thảo, chương trình, lễ khai mạc…) có đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương”.
Từ “nhiều” trong từ điển tiếng Việt nghĩa là tính số lượng từ 2 trở lên. Do đó, khi viết “đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương” thì bạn đọc hiểu là có đại diện lãnh đạo của một số ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đến dự, chứ không phải là tất cả đại diện lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể đó.
3. "MỞ CỬA" GIỮA KHÔNG GIAN NGOÀI TRỜI LÀ... PHI LÝ
Khi thông tin về sự kiện triển lãm, trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc, tranh ảnh… ở không gian ngoài trời để phục vụ đông đảo công chúng vào tham quan, thưởng lãm tự do như vườn hoa, công viên, khuôn viên tượng đài… mà có phóng viên vẫn “hồn nhiên” viết câu kết thúc như sau: “Triển lãm (trưng bày) mở cửa đến hết ngày 30-9”.
Đã trưng bày ở không gian ngoài trời thì làm gì có cửa ra vào như trong hội trường, nhà triển lãm, phòng trưng bày? Do đó, viết “mở cửa” là thừa; mà nên viết là: “Triển lãm (trưng bày) sẽ kết thúc (bế mạc) ngày 30-9”!
4. NHẦM LẪN GIỮA "ĐÈN ĐỎ" VÀ "ĐỎ ĐÈN"
Trong bài viết phản ánh về hoạt động khó khăn của một số nhà hát, có phóng viên viết: “Ước mơ quanh năm suốt tháng nhà hát đèn đỏ thì quá xa vời, nhưng mong muốn về hai tối cuối tuần luôn tấp nập người yêu nghệ thuật truyền thống ra vào nhà hát cũng khó trở thành hiện thực”.
Viết “nhà hát đèn đỏ” vừa không chính xác, lại vừa buồn cười.
Vì từ “đèn đỏ” là một trong 3 tín hiệu của đèn giao thông có màu đỏ, là hiệu lệnh dừng cho các phương tiện giao thông trên đường. Còn theo tiếng lóng, “khu đèn đỏ” ám chỉ là nơi, khu nhà chứa gái mãi dâm. Như vậy, “đèn đỏ” trong trường hợp này chủ yếu mang ý nghĩa cảnh báo.
Do vậy, viết đúng phải là “Nhà hát đỏ đèn” thì mới có ý nghĩa. Vì từ “đỏ đèn” trong trường hợp này mang ý nghĩa tích cực, nghĩa là rạp hát, rạp chiếu phim luôn sáng đèn vào buổi tối vì thu hút đông đảo khán giả đến thưởng thức nghệ thuật.
* * *
Điểm ra vài ba lỗi sơ đẳng trên để thấy, nếu người viết không chú ý từng chữ, từng câu, từng nội dung thông tin, từng hoàn cảnh thông tin, lại dễ dãi, đơn giản với chính mình, sẽ khiến cho thông tin thiếu chính xác, chưa phù hợp. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí là phải góp phần giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, do đó thông tin trên báo chí phải bảo đảm chuẩn xác, đúng mực, phản ánh đúng bản chất sự kiện, vấn đề. Nắm được điều này để mỗi nhà báo rất cần thận trọng, chỉn chu hơn khi viết bài, cho dù đó chỉ là một câu, một thông tin ngắn gọn nhưng cũng phải đọc đi đọc lại, kiểm chứng chặt chẽ nội dung. Mặt khác, các biên tập viên ở các tòa soạn cũng phải kiểm soát, làm tốt việc “gác cổng”, không để sót, lọt những từ ngữ thiếu chính xác, ngô nghê, không phù hợp với hoàn cảnh, nội dung thông tin./.
(Hình minh họa)
Khi đọc báo, nếu lưu tâm sẽ thấy xuất hiện những lỗi rất sơ đẳng vì người viết hoặc là do suy nghĩ chủ quan, đơn giản, hoặc là do thói quen, ít để ý, nhưng nếu không đọc kỹ, rà soát không chặt chẽ sẽ làm cho thông tin thiếu chính xác, khách quan. Xin đưa ra một vài ví dụ cụ thể.
1. THÔNG TIN Ở THÌ HIỆN TẠI LẠI DÙNG PHỤ TỪ "SẼ"
Một số phóng viên viết tin dẫn về một sự kiện, chương trình, hoạt động nào đó diễn ra trong ngày, đã viết như sau: “Hôm nay ngày 15-3, tại Hà Nội sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật…”. Viết như vậy là chưa chính xác, vì hôm nay đang ở “thì hiện tại”, nên không thể gắn với từ “sẽ” vốn là một phụ từ biểu thị sự việc, hiện tượng xảy ra trong tương lai, hay xảy ra sau thời điểm nói.
Do đó, nhất thiết phải bỏ từ “sẽ” thì thông tin mới bảo đảm chính xác.
2. SỬ DỤNG TỪ "CÁC" KHÔNG PHÙ HỢP
Khi thông tin về thành phần đại biểu, khách mời trong một sự kiện lớn nào đó, phóng viên sau khi liệt kê những đại biểu có chức vụ cao nhất, thường ghi một câu chung chung như: “Tham dự hội nghị (hội thảo, chương trình, lễ khai mạc…) còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương”.
Từ “các” ở trong hoàn cảnh, nội dung thông tin này được hiểu là “toàn bộ, tất cả”. Ví như người ta vẫn nói “Xin chào các bạn”, “Xin chào các đồng chí”, thì từ “các” ở trường hợp này nghĩa là “Xin chào tất cả những người bạn”, “Xin chào tất cả những người đồng chí”.
Do vậy, nếu viết “Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương” là chưa chính xác. Vì từ “các” ở đây được hiểu là tất cả lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương.
Lãnh đạo Ban là lãnh đạo 6 ban của Đảng gồm: Tuyên giáo, Tổ chức, Dân vận, Kinh tế, Nội chính, Đối ngoại.
Lãnh đạo Bộ bao gồm 18 bộ trực thuộc Chính phủ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Tư pháp; Tài chính; Công thương; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Nội vụ; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường.
Lãnh đạo ngành là lãnh đạo các cơ quan ngang Bộ như Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… hay cũng có thể là lãnh đạo các ngành: Tòa án; Kiểm sát; Kiểm toán; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…
Lãnh đạo Đoàn thể Trung ương gồm 5 đoàn thể chính trị - xã hội: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Trên thực tế, hiếm có hội nghị, hội thảo, chương trình, lễ khai mạc nào mà có đầy đủ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; ngoại trừ sự kiện kỷ niệm mang tầm vóc, quy mô quốc gia, quốc lễ.
Do vậy, trong trường hợp này, muốn thông tin đủ mà vẫn bảo đảm không sợ thiếu đại biểu, khách mời tham dự sự kiện, thì phải viết là: “Tham dự hội nghị (hội thảo, chương trình, lễ khai mạc…) có đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương”.
Từ “nhiều” trong từ điển tiếng Việt nghĩa là tính số lượng từ 2 trở lên. Do đó, khi viết “đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương” thì bạn đọc hiểu là có đại diện lãnh đạo của một số ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đến dự, chứ không phải là tất cả đại diện lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể đó.
3. "MỞ CỬA" GIỮA KHÔNG GIAN NGOÀI TRỜI LÀ... PHI LÝ
Khi thông tin về sự kiện triển lãm, trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc, tranh ảnh… ở không gian ngoài trời để phục vụ đông đảo công chúng vào tham quan, thưởng lãm tự do như vườn hoa, công viên, khuôn viên tượng đài… mà có phóng viên vẫn “hồn nhiên” viết câu kết thúc như sau: “Triển lãm (trưng bày) mở cửa đến hết ngày 30-9”.
Đã trưng bày ở không gian ngoài trời thì làm gì có cửa ra vào như trong hội trường, nhà triển lãm, phòng trưng bày? Do đó, viết “mở cửa” là thừa; mà nên viết là: “Triển lãm (trưng bày) sẽ kết thúc (bế mạc) ngày 30-9”!
4. NHẦM LẪN GIỮA "ĐÈN ĐỎ" VÀ "ĐỎ ĐÈN"
Trong bài viết phản ánh về hoạt động khó khăn của một số nhà hát, có phóng viên viết: “Ước mơ quanh năm suốt tháng nhà hát đèn đỏ thì quá xa vời, nhưng mong muốn về hai tối cuối tuần luôn tấp nập người yêu nghệ thuật truyền thống ra vào nhà hát cũng khó trở thành hiện thực”.
Viết “nhà hát đèn đỏ” vừa không chính xác, lại vừa buồn cười.
Vì từ “đèn đỏ” là một trong 3 tín hiệu của đèn giao thông có màu đỏ, là hiệu lệnh dừng cho các phương tiện giao thông trên đường. Còn theo tiếng lóng, “khu đèn đỏ” ám chỉ là nơi, khu nhà chứa gái mãi dâm. Như vậy, “đèn đỏ” trong trường hợp này chủ yếu mang ý nghĩa cảnh báo.
Do vậy, viết đúng phải là “Nhà hát đỏ đèn” thì mới có ý nghĩa. Vì từ “đỏ đèn” trong trường hợp này mang ý nghĩa tích cực, nghĩa là rạp hát, rạp chiếu phim luôn sáng đèn vào buổi tối vì thu hút đông đảo khán giả đến thưởng thức nghệ thuật.
* * *
Điểm ra vài ba lỗi sơ đẳng trên để thấy, nếu người viết không chú ý từng chữ, từng câu, từng nội dung thông tin, từng hoàn cảnh thông tin, lại dễ dãi, đơn giản với chính mình, sẽ khiến cho thông tin thiếu chính xác, chưa phù hợp. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí là phải góp phần giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, do đó thông tin trên báo chí phải bảo đảm chuẩn xác, đúng mực, phản ánh đúng bản chất sự kiện, vấn đề. Nắm được điều này để mỗi nhà báo rất cần thận trọng, chỉn chu hơn khi viết bài, cho dù đó chỉ là một câu, một thông tin ngắn gọn nhưng cũng phải đọc đi đọc lại, kiểm chứng chặt chẽ nội dung. Mặt khác, các biên tập viên ở các tòa soạn cũng phải kiểm soát, làm tốt việc “gác cổng”, không để sót, lọt những từ ngữ thiếu chính xác, ngô nghê, không phù hợp với hoàn cảnh, nội dung thông tin./.
Nguồn: BTGTW