Truy cập hiện tại

Đang có 117 khách và không thành viên đang online

Xây dựng nông thôn mới

An Giang tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới và ký kết giao ước thi đua giai đoạn 2021 - 2025

(TUAG)- Sáng 30/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang giai đoạn 2010 - 2020, sơ kết 04 năm Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông thôn mới và ký kết giao ước thi đua giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang; Võ Anh Kiệt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Thanh Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh, huyện, xã và các điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).


Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Nguyễn Sĩ Lâm cho biết: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, trong xây dựng An Giang chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện xuất phát điểm của địa phương. Cùng với cả nước, An Giang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ năm 2010, là tỉnh có xuất phát điểm thấp, bằng ý chí lớn, khát vọng cháy bỏng và quyết tâm cao, tỉnh đã xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 và trở thành một trong hai tỉnh dẫn đầu (An Giang, Hậu Giang) phong trào xây dựng NTM khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo.


Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang 

Trong xây dựng NTM, An Giang chọn xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo thực hiện, rồi rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa phương khác. Quá trình xây dựng NTM, tỉnh tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, nhằm nâng cao thu nhập tạo sự ổn định khu vực nông thôn.


Ông Võ Văn Sáng - nông dân xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn phát biểu tham luận.

Một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như “Cánh đồng lớn”, chuỗi giá trị, rau màu, thủy sản… mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng lên. Từ đó, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thực hiện cánh đồng lớn giai đoạn 2010 - 2019, có khoảng 6 - 10% sản lượng lúa và các loại nông sản chủ lực khác của An Giang được các doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của nông dân thực hiện liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng. Mỗi năm trung bình có 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân. Năm 2019, ước thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với diện tích 40.244 ha đạt khoảng 6% diện tích gieo trồng cả tỉnh. Dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 50.000 ha. Bên cạnh đó, các chuỗi giá trị lúa gạo, rau màu và thủy sản cũng hình thành và phát triển cùng với các hình thức liên kết sản xuất, góp phần ổn định lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, đưa mô hình “cánh đồng lớn” đang đi vào thực chất.


Ký kết giao ước thi đua giai đoạn 2021 - 2025.

Trước khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản của tỉnh An Giang năm 2013 chiếm 33,65%, thu nhập bình quân/người chỉ đạt 32,58 triệu đồng. Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2017, tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản giảm còn 29,34%, năm 2018 còn 28,90%, và thu nhập bình quân/người năm 2017 tăng lên 34,33 triệu đồng và đến năm 2018 là 40,7 triệu đồng/người/năm. Sản xuất trồng trọt cũng đã có sự chuyển dịch rõ nét chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như xoài, các loại cây ăn trái khác. Cụ thể diện tích gieo trồng lúa năm 2013 từ hơn 641.000 ha, đến năm 2018 giảm còn 623.000 ha và năm 2019 giảm còn khoảng 620.000 ha.

Giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại An Giang gần 14.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là hơn 2.800 tỷ đồng, chiếm 18,99%. “Với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, An Giang đã và đang triển khai thi công với tổng số 677 danh mục công trình, chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội địa phương…”.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 9,28%, đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 3,67%; tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 92,78%. Mức thu nhập bình quân/người trên địa bàn tỉnh đạt 42 triệu đồng/năm 2018; trong đó thu nhập bình quân/người khu vực nông thôn là 40,7 triệu đồng/người/năm (gấp 3 lần so với năm 2010). Có 85/119 xã đạt tiêu chí 10 thu nhập, tỷ lệ 71,43%; có 5/11 huyện, thị, thành có tỷ lệ xã đạt 100% số xã về thu nhập là Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Phú, Long Xuyên và Châu Đốc.



Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, tính đến đầu tháng 9/2019, An Giang có 1 huyện nông thôn mới (Thoại Sơn); 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Châu Đốc và Long Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Toàn tỉnh hiện có 54/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 45,38% và không còn xã dưới 9 tiêu chí. Dự kiến, đến tháng 12/2019, An Giang có thêm 7 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới lên 61/119, đạt tỷ lệ 51,26% và hoàn thành mục tiêu sớm hơn 01 năm so với lộ trình, kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra đầu nhiệm kỳ.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại nhất định, như: Tiến độ xây dựng thời gian qua còn thấp, do nguồn vốn đầu tư Trung ương chưa cao; một số chỉ tiêu đạt chưa cao; một bộ phận người dân còn tâm lý trông chờ ỷ lại; cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng đều…

Kế thừa những kết quả, cách làm đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các ngành, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gắn với mục tiêu phấn đấu đạt thêm 2 huyện nông thôn mới là Chợ Mới, Châu Thành và 28 xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; ưu tiên tập trung cao hơn các tiêu chí, nội dung bảo đảm cho Chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thiết thực, bền vững…



Để thực hiện được kế hoạch trên, đồng chí nhấn mạnh: Tỉnh khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, gắn kết với nông dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. An Giang tiếp tục phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Tăng cường công tác xã hội hóa về giáo dục, văn hóa, y tế, đặc biệt là vận động xã hội hóa tiếp tục nâng chất các công trình giao thông; nghiên cứu và vận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ ngành Trung ương để đầu tư thực hiện các công trình giai đoạn 2021 - 2025.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chính thức phát động phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021 -2025".






Khen thưởng các cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Trúc Quỳnh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40420641