Truy cập hiện tại

Đang có 107 khách và không thành viên đang online

Nhịp cầu Tuyên giáo

Một số vấn đề đáng quan tâm từ kết quả khảo sát công tác tuyên giáo năm 2022

(TUAG)- Nhằm khảo sát thực trạng và lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng, đề xuất ý kiến của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với công tác Tuyên giáo trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua. Từ đó, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền những giải pháp phù hợp, hiệu quả nâng cao chất lượng công tác Tuyên giáo trên địa tỉnh.



Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 11/12/2022 đến ngày 15/12/2022 với sự phối hợp cơ quan ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và ban tuyên giáo huyện, thị, thành ủy. Tổng số phiếu là 11.319 phiếu. Đối tượng khảo sát gồm cán bộ, đảng viên, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy: Trong những năm qua, ngành Tuyên giáo An Giang đã phát huy vai trò xung kích đi đầu trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.  

Công tác tuyên giáo ngày càng chủ động, nhanh nhạy, sáng tạo, sát với yêu cầu thực tiễn và đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhất là triển khai nghiêm túc, chất lượng việc học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; chủ động ban hành các hướng dẫn, kế hoạch để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm; tổ chức Hội nghị giao ban; ban hành các chuyên đề của tỉnh (90.3% trong tổng số hơn 11.300 ý kiến tham gia khảo sát đồng ý).

Công tác lý luận, giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng (89,5%); việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên được quan tâm. Công tác nghiên cứu lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng có bước đổi mới, đi vào chiều sâu và hiệu quả (80.7%).
 
Trong lĩnh vực khoa giáo, Ban Tuyên giáo các cấp đã chủ động và tham mưu kịp thời, có hiệu quả trong thực hiện các chủ trương của Đảng, đảm bảo các lĩnh vực giáo dục, văn hóa - văn nghệ, khoa học công nghệ, dân số, gia đình và trẻ em, thể dục - thể thao, chăm sóc sức khỏe Nhân dân phát triển đúng định hướng (83.3%).

Công tác quản lý báo chí từng bước đổi mới, chất lượng giao ban báo chí định kỳ, cung cấp thông tin cho báo chí được nâng cao; thực hiện tốt việc theo dõi, cập nhật thông tin báo chí và mạng xã hội, kịp thời phát hiện, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy xử lý các vụ việc phát sinh và định hướng dư luận (86,6%).

Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, cộng tác viên dư luận xã hội thường xuyên được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả (82.6%). Việc thông tin cho đội ngũ cán bộ nghỉ hưu được duy trì đều đặn và từng bước nâng cao chất lượng cung cấp thông tin. Công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội được đổi mới (80%).

Nhằm góp phần triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội và phần tử xấu, nhất là trên mạng xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động tham mưu, tổ chức triển khai và phối hợp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng... (84,1%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số ý kiến người tham gia khảo sát cũng cho rằng: Ban Chỉ đạo 35 các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác nắm dư luận xã hội và phản bác các luận điệu sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội; Công tác dư luận xã hội từng lúc, từng nơi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; Công tác tuyên truyền cần đa dạng, phong phú về mặt nội dung, hình thức, quy mô, nhất là đổi mới phương thức cho phù hợp sự phát triển của xã hội thông qua các trang mạng xã hội, nội dung gắn liền điển hình cụ thể; Công tác triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng bằng nhiều hình thức phù hợp, phong phú, hấp dẫn hơn nữa, chấn chỉnh học tập nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tùy vào tình hình thực tế mở rộng đối tượng tham dự (cán bộ, đảng viên, quần chúng, Nhân dân, hộ kinh doanh…), báo cáo viên cần đúc rút các nội dung cốt lõi trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn dễ nhớ phù hợp từng đối tượng, quan tâm khắc phục hạn chế về âm thanh đường truyền, giọng báo cáo viên, đẩy mạnh tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhất là việc nêu gương của người đứng đầu, việc nói đi đôi với làm…

Thông qua đợt khảo sát, nhiều ý kiến trong cán bộ, đảng viên đề xuất đổi mới công tác Tuyên giáo trong thời gian tới, cụ thể:

Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng bộ, thường xuyên, kiên quyết đấu tranh làm thất bại những âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị

Công tác Tuyên giáo cần đổi mới phương thức tổ chức lực lượng, hình thức, phương pháp đấu tranh như tuyên truyền miệng - đối thoại trực tiếp - phản bác trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng Internet.

Xây dựng, củng cố đội ngũ chuyên gia theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, kết nối, hiện đại, có cơ chế đặc thù để vận hành, phối hợp nhịp nhàng giữa những người làm công tác tuyên giáo, nghiên cứu lý luận, an ninh tư tưởng - văn hóa, công nghệ thông tin, bảo vệ chính trị nội bộ… đầu mối gắn kết thường xuyên là ban tuyên giáo các cấp, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp thường xuyên của thường trực cấp ủy.

Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên theo phương châm “Nhà nhà, người người” là tuyên truyền viên.

Công tác thông tin, tuyên truyền cần khai thác, ứng dụng công nghệ, nhất là Internet, mạng xã hội. Mỗi một ấp/khóm nên thành lập nhóm zalo gồm những người dân trên địa bàn ấp/khóm, tương tự mỗi xã/phường/thị trấn, huyện/thị/thành thành lập nhóm zalo gồm những người dân trên địa bàn để kịp thời thông tin, nắm dư luận xã hội là cầu cầu nối gắn kết người dân với chính quyền được nhanh chóng và kịp thời.

Xây dựng đường dây nóng, cung cấp “số điện thoại nóng” để mọi người dân có thể thông tin những sự việc “nóng”, tồn đọng gây bức xúc trong Nhân dân.

Hai là, phải gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên giáo với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết từ sớm, từ gốc những vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh những bức xúc về tư tưởng

Bức xúc về tư tưởng bắt nguồn từ nhận thức, vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tác động đến quyền lợi, tư tưởng, tâm lý một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Trước những bức xúc, dù mức độ phức tạp đến đâu nếu thông tin kịp thời, đúng đắn, để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì sự việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa, bức xúc sẽ được giải tỏa và ngược lại. Do vậy, công tác tuyên giáo không thể “đi sau thực tiễn” mà phải “đi trước để dự báo, định hướng”, “đi trong các sự việc” để nắm chắc tình hình, “đi sau để giải quyết dứt điểm” những vướng mắc về tư tưởng, tâm trạng xã hội và đúc kết kinh nghiệm.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, góp phần quan trọng củng cố sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả điều hành của Nhà nước.

Ba là, đổi mới công tác quán triệt, tuyên truyền thực hiện các nghị quyết của Đảng, đảm bảo tính khoa học, tính chiến đấu và tính thuyết phục; quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác tuyên giáo

Thời gian tới việc tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết cần được đổi mới cả về phương pháp, cách thức tổ chức. Học tập nghị quyết phải dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, giải đáp những vấn đề đặt ra, tạo sự đồng thuận, thể hiện quyết tâm chính trị cao.

Đối với từng đối tượng, việc học tập cũng nên đặt ra yêu cầu khác nhau:  Cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp cần phải nghiên cứu sâu, trao đổi kỹ để thấm nhuần đầy đủ, chuẩn xác những định hướng của Trung ương, xác định đúng và trúng những nội dung cốt lõi cần và có thể vận dụng sát hợp với điều kiện của từng địa phương, ngành, lĩnh vực, định hướng cho việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Cán bộ, đảng viên chỉ cần hiểu những tinh thần cốt lõi của nghị quyết.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hành động cần cụ thể, nêu rõ trọng tâm, trọng điểm, giải pháp đột phá, các điều kiện, cơ chế, chính sách, nguồn lực bảo đảm, lộ trình triển khai, phân công rõ tổ chức, cá nhân đảm nhiệm.

Trong điều kiện hiện nay, cần đặc biệt quan tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội, đấu tranh với các lực lượng phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kiên quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ nhân tố mới, mô hình mới.

Khi trình độ dân trí càng cao, dân chủ ngày càng mở rộng, thông tin ngày càng đa chiều, thì phương pháp công tác tuyên giáo càng phải đổi mới, càng phải linh hoạt, mềm dẻo, tránh áp đặt, một chiều, phải chuyển mạnh từ độc thoại sang đối thoại, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Không tránh né những vấn đề nhạy cảm. Phải tăng cường tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, đối thoại, tranh luận với những người có quan điểm trái chiều, ý kiến khác, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để tìm ra chân lý, đó là con đường ngắn nhất để rút ngắn khoảng cách sự khác biệt về nhận thức và gần gũi với nhau hơn. Từ đó tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần được đào tào, bồi dưỡng theo hướng chuyên sâu, yêu cầu bản lĩnh và nhạy bén chính trị phải được đặt lên hàng đầu, phẩm chất đạo đức là cái gốc, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn, khả năng nói và viết là yếu tố quan trọng, phải luôn tìm tòi, sáng tạo, nắm bắt, phân tích, dự báo, thông tin kịp thời, chính xác để tham mưu, cần có tinh thần dám nghĩ, dám làm, cầu thị, ham học hỏi mới đáp ứng được yêu cầu; có cơ cấu hợp lý, bộ máy tinh gọn; nâng cao bản lĩnh chính trị phẩm chất đạo đức và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, triển khai thực hiện việc quy hoạch đội ngũ cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tuyên giáo.

Công tác tuyên giáo tập trung cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước của Nhân dân; phát hiện nhân rộng các điển hình tiên tiến, tôn vinh các giá trị văn hóa và đạo đức, những tấm gương người tốt, việc tốt, nâng cao đạo đức xã hội đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền hình ảnh trực quan, pano, áp phích, sân khấu hóa, video clip, cuộc thi, hội thi, triễn lãm, diễu hành, tuyên truyền trên mạng xã hội... Nếu có thể, thực hiện kịch hóa, sân khấu hóa các hoạt động tuyên truyền.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức công tác tuyên giáo, tập trung vào việc tăng cường công tác dự báo, phát hiện sớm tình hình, chủ động tham mưu và đề xuất các giải pháp chỉ đạo, lý giải và xử lý kịp thời các vấn đề nóng và nhạy cảm theo nguyên tắc “trong cái chung có cái riêng và ngược lại”. Tăng cường cung cấp thông tin, tổ chức đối thoại, đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Trúc Linh
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36714183