Truy cập hiện tại

Đang có 75 khách và không thành viên đang online

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

An Giang: Hàng hóa dồi dào đảm bảo cung ứng mọi thời điểm, người dân không nên mua hàng tích trữ

(TUAG)- Trả lời phóng viên, Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Minh Hùng khẳng định: “Hàng hóa, kể cả các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung ứng cho người dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sở Công thương kêu gọi người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, không nên tập trung mua hàng tích trữ gây khan hàng, sốt giá, làm khan hiếm hàng hóa cục bộ, gây ảnh hưởng việc phòng chống dịch, ảnh hưởng kinh tế chung của tỉnh và đời sống của nhân dân”.



Hàng hóa dồi dào


Hiện tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... chuẩn bị lượng hàng hóa rất dồi dào, đồng thời cam kết đảm bảo đủ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống như gạo, mì gói, đường, sữa, sản phẩm đóng hộp, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, khẩu trang, dung dịch rửa tay... với giá cả hợp lý. Một số siêu thị còn bán hàng hóa, thực phẩm với giá thấp hơn giá thị trường.

Tỉnh đã lên kế hoạch bình ổn thị trường với tổng số tiền dự trữ hàng hóa hơn 4.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 94 điểm bán hàng bình ổn được bố trí rộng khắp cung cấp đủ nguồn hàng thiết yếu đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân như: gạo, đường, muối, nước mắm, nước tương, mì gói, thịt heo của Công ty C.P...) trong đó có mặt hàng xăng dầu. Do đó, người dân hãy an tâm mua sắm.

Ngoài ra, Sở Công thương còn có các văn bản đề nghị Sở Y tế, Sở Giao thông-Vận tải hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi vận chuyển hàng hóa ra vào địa bàn có dịch bệnh COVID-19, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, dẫn đến tập trung mua hàng tích trữ, gây sốt giá, làm khan hiếm hàng hóa ảnh hưởng đến đời sống của người dân và doanh nghiệp.

Giám đốc siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết: “Siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng hóa với tổng trị giá hơn 2,7 tỷ đồng, gồm các mặt hàng thiết yếu như: Mì gói, dầu ăn các loại, đường, nước tương, nước mắm, đồ hộp, hạt nêm, bột ngọt, sữa đặc... kể cả chất tẩy rửa, phòng dịch, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho vùng biên trong mọi tình huống. Đặc biệt Tứ Sơn cam kết giữ giá không tăng, để phục vụ cho toàn vùng biên giới vào những tình huống cần thiết và luôn cân đối nguồn hàng có sẵn để dự phòng”. Siêu thị MM Mega và hệ thống Co.op mart cũng cam kết: khách hàng hoàn toàn yên tâm, không cần lo lắng hàng hóa thiếu hụt. Siêu thị đã chuẩn bị nguồn cung luôn dồi dào, ổn định, sẵn sàng cung ứng kịp thời và nhanh chóng cho mọi nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong mọi thời điểm.

Không nên mua hàng tích trữ

Hiện nay, An Giang đã có ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng, một số địa phương đang áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. Một số nơi xuất hiện tình trạng người dân tập trung mua hàng tích trữ như: mì gói, đường, sữa, sản phẩm đóng hộp, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến.



Tại TP. Long Xuyên, có thông tin lan truyền ngày 09/7 TP. Long Xuyên sẽ thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy một bộ phận người dân đi mua sắm, dự trữ hàng hóa khiến lượng tiêu thụ tăng đột biến ở một số nơi, nhất là chợ, siêu thị. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Long Xuyên khẳng định: thông tin trên là không chính xác. Đến nay, Long Xuyên đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép. Toàn TP. Long Xuyên có hơn 30 điểm bán hàng bình ổn thị trường, đảm bảo đủ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống, như: gạo, đường, mì gói, sữa, sản phẩm đóng hộp, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn… với giá cả hợp lý. Hàng hóa trên thị trường thành phố đang được lưu thông bình thường. Thị trường bình ổn, giá cả các mặt hàng vẫn giữ ổn định, người dân không nên có tâm lý lo lắng hàng hóa khan hiếm, đi mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ.

Để đảm bảo phòng, chống dịch, những nhu cầu thường nhật hạn chế tụ tập nơi đông người, để tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên những dịch vụ, hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân vẫn hoạt động bình thường. Do vậy, người dân không cần phải ào ạt đi mua sắm hàng hóa, thực phẩm. Việc người dân tập trung đông (mặc dù đeo khẩu trang), nhưng không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Khuyến khích mua hàng online, thanh toán không dùng tiền mặt

Để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã triển khai hàng loạt các hoạt động bán hàng trực tuyến, bán hàng mang về nhà hoặc bán hàng trực tuyến qua mạng, qua điện thoại; thực hiện chính sách giao hàng tận nơi miễn phí hoặc thu phí và đảm bảo tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm kinh doanh, với nhiều hình thức đa dạng như: internet banking, E-banking, ATM, thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, Mastercard, Visa card, Momo, QR Code... góp phần đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thực tế thời gian qua cho thấy cơ quan chức năng đã có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống. Người dân cần giữ sự bình tĩnh, không đổ xô mua hàng hóa, thực phẩm, bởi mọi thứ đều có thể đặt hàng trực tuyến. Đồng thời, để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 người dân nên hạn chế sử dụng tiền mặt để thanh toán, tăng cường sử dụng ví điện tử, visa, quét mã QRcode, thanh toán online... khi mua sắm để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh./.

Bài, ảnh: Hạnh Châu
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
37145370