Truy cập hiện tại

Đang có 84 khách và không thành viên đang online

Hồi ức của một cựu giao liên

(TGAG)- Câu chuyện về bà Huỳnh Thị Xăng, ngụ tại ấp Phú Yên, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, về một thời “lửa đạn” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam đánh tan quân xâm lược Pôn-Pốt-Iêng-Xê-ri được bà hồi tưởng lại một cách rõ ràng như vừa mới ngày hôm qua. Đó là những ngày tháng đau thương nhưng hào hùng, là minh chứng hùng hồn về người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang” và tinh thần bất khuất không khoan nhượng “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”của “Đội quân tóc dài”.

Những ký ức đau thương

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên giới xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang vào năm 1943, giữa lúc cả nước đang sục sôi chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử. Bản thân bà từng trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, đặc biệt là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam chống thảm họa diệt chủng Pôn-Pốt-Iêng-Xê-ri.

Bà là người tận mắt chứng kiến cảnh quê hương oằn mình dưới gót giày quân xâm lược. Những cảnh tượng tang thương vẫn như ùa về trong tâm trí bà. Đôi mắt bà nặng trĩu, thổn thức những giọt nước mắt lăn dài. Quân xâm lược dù là Mỹ-Ngụy hay Pôn-Pốt-Iêng-Xê-ri đều thực hiện phương châm “Giết sạch, đốt sạch, phá sạch” những nơi chúng đi qua, gieo bao đau thương, tang tóc trên quê hương. Khi bà lấy chồng về ấp Phú Yên, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang thì chính là thời gian cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lên đến đỉnh điểm.

Đó là vào những năm 1977, bọn Pôn-Pốt-Iêng-Xê-ri tràn qua biên giới phát động cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đẫm máu. Trong đó, tỉnh An Giang là trọng điểm đánh phá của chúng. Bà Xăng còn nhớ bọn Pôn-Pốt thường đợi khi bà con ra đồng thăm và thu hoạch lúa, dưa là chúng gom lại để giết. Chúng còn lùa bà con vào chùa, hang núi để giết hại từng người với những cách thức dã man nhất. Đối với phụ nữ chúng hãm hiếp rồi đập đầu hoặc xẻo vú, đâm cây vào cửa mình cho đến chết. Đối với trẻ con chúng xé xác hoặc đập đầu, dùng chân xéo cho đến chết…

Bà Xăng nhớ lại: “Lúc ấy, bản thân tôi cảm thấy cần phải làm gì cho cách mạng, đóng góp chút gì đó cho quê hương”.  Bản thân bà cũng từng bị Mỹ-Ngụy bắt giam tại Khám lớn Châu Đốc (thuộc Thành phố Châu Đốc hiện nay) khi đang mua bông băng cứu thương cho bộ đội đang đóng quân tại địa phương.

Người phụ nữ kiên trung

Người phụ nữ năm nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, từng trải qua ba cuộc chiến tranh ác liệt đang ngồi trước mặt tôi. Bà già hơn cái tuổi của mình, mái tóc bà đã bạc phơ, gương mặt rầu rĩ, ánh mắt mờ đục nhưng vẫn ẩn chứa những nét cương nghị, khi nói chuyện bờ vai và đôi bàn tay bà như run lên vì xúc động.

Bà cho biết năm 1969, bà bị địch bắt giam tại Khám lớn Châu Đốc. Cùng bị bắt với bà còn có sáu anh chị em hoạt động cách mạng khác. Hai ngày đầu tiên bị giam, bà không có ý niệm về thời gian, xung quanh là màu đen bao trùm. Chính tại Khám lớn Châu Đốc bà đã căng mình chịu đựng những đợt tra tấn của Mỹ-Ngụy bằng điện giật; nhìn bóng đèn cực sáng cho hỏng mắt,… Chính tại đây, bà đã bị tra tấn đến hư thai 7 tháng tuổi. Nói chuyện đến đây giọng bà như nghẹn đặc, những giọt nước mắt cứ thế trào ra. Dùng mọi cách để tra khảo, moi tin tức không được, bọn địch đã để mặc bà ở trong phòng tối, mọi sinh hoạt đều diễn ra trong căn phòng chật hẹp, tối tăm ấy. Nhưng bà luôn giữ vững ý chí chiến đấu, không gục ngã trước mọi hoàn cảnh “Trong lao tù kiên trung bất khuất / Sống ngoài đời gương mẫu, thủy chung”. Năm 1971, bà được thả tự do.

Bà vẫn tiếp tục đảm nhận công việc giao liên, tiếp tế thực phẩm, thuốc men cho bộ đội. Bà còn nhớ có lần bà tự tay làm 200 cái bánh bao và trao tận tay cho các anh bộ đội đóng quân gần nhà. Bà tâm sự: “Do học hành chưa đến nơi đến chốn nên tôi không giữ chức vụ quan trọng nhưng hễ cấp trên phân công nhiệm vụ gì, dù khó đến đâu tôi cũng quyết phải hoàn thành cho bằng được”. Được biết, chồng bà cũng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông đã bị thương trong một trận đánh ác liệt với giặc Mỹ. Bản thân bà cũng bị những vết thương hành hạ. Những khi trái gió, trở trời toàn thân bà đau nhức, mắt bà mờ đục do di chứng của những đợt tra tấn dã man của Mỹ-Ngụy.


Bà Huỳnh Thị Xăng có nhiều công lao trong các cuộc kháng chiến

Niềm vinh dự lớn nhất của bà trong suốt những năm tham gia cách mạng là được Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công tặng “Huân chương kháng chiến hạng ba” vì “Đã có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

Giờ đây bà sống cùng cô con gái duy nhất là chị Trần Việt Thủy và một cháu gái. Ba người phụ nữ nương tựa vào nhau trong sự đùm bọc của bà con chòm xóm. Ngoài việc hàng tháng hưởng chế độ của Nhà nước, bà vẫn ngày ngày trồng rau, bán nước để phụ giúp con gái. Chính quyền xã Phú Lộc đặc biệt quan tâm đến bà Xăng, tạo điều kiện cho gia đình bà bán tạp hóa trong căng tin của Ủy ban nhân dân xã, dịp lễ, tết đều đến thăm và tặng quà cho gia đình bà. Được biết, Chính quyền xã Phú Lộc đang xem xét cấp nền, dựng nhà đại đoàn kết gần Ủy ban nhân dân xã để tri ân những hi sinh thầm lặng của bà cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Chiến Khu
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36712163