Truy cập hiện tại

Đang có 169 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Xuân Mậu Thân 1968

(TGAG)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng dấu ấn về xuân Mậu Thân – 1968 chắc hẳn không phai trong tâm khảm các thế hệ người Việt Nam.

1- Đến giữa năm 1967, công cuộc kháng chiến chống Mỹ đã trải qua hơn 10 năm. Sau giai đoạn chiến tranh đơn phương mà Mỹ mượn tay chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đàn áp những người từng tham gia kháng chiến chống Pháp còn lại ở miền Nam. Bị Nhân dân vùng lên Đồng Khởi, đầu năm 1961, Mỹ trực tiếp nhảy vào, đầu tiên là thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Sau 4 năm thực hiện “chiến tranh đặc biệt”, với đủ loại vũ khí tối tân, hiện đại vẫn thất bại, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam; đồng thời mở rộng hoạt động không quân và hải quân ném bom bắn phá miền Bắc để gây áp lực hòng làm giảm sự chi viện về người, của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

“Chiến tranh cục bộ” được tiến hành với 2 biện pháp tìm diệt, bình định và 3 lực lượng: Quân Mỹ, quân đồng minh của Mỹ và quân đội Sài gòn, trong đó quân Mỹ giữ vai trò quan trọng, không ngừng tăng lên về số lượng. đế quốc Mỹ đã đưa sang chiến trường Việt Nam 40% số sư đoàn bộ binh sẵn sàng chiến đấu, 30% lực lượng không quân chiến thuật, 60% máy bay chiến lược B.52, thực hiện chiến tranh phá hoại bằng hải quân, không quân lên toàn miền Bắc, lôi kéo Lào và Campuchia vào cuộc chiến tranh. Tổng số quân Mỹ và chư hầu ném vào chiến trường Việt Nam hơn 60 vạn chưa kể 60 vạn lính ngụy.

Bằng sức mạnh của chính nghĩa, quân và dân miền Nam đã làm thất bại 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965–1966 và 1966–1967 của Mỹ–ngụy. Hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” bị bẻ gãy. Từ thực tế chiến trường, tháng 10/1967, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương họp mở rộng và quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược vào các đô thị trên toàn miền Nam. Ngày 25/10/1967, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết về Tổng công kích–tổng khởi nghĩa trên chiến trường B2 (chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ) với mật danh là Nghị quyết Quang Trung.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong tổng số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 Bộ Tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 Bộ Tư lệnh sư đoàn quân đội SG, 2 Bộ Tư lệnh biệt khu, 2 Bộ Tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều Bộ Tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.

Dù không thực hiện được mục tiêu thắng lợi trọn vẹn, nhưng sau hơn 1 tháng, tướng Tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Westmoreland bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara từ chức. Ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố 3 điểm: Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris; không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2..., tức là ta đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải đơn phương “xuống thang chiến tranh”, bước vào Hội nghị Paris để rồi tiến tới ký Hiệp định Paris (1973) và chiến thắng 30/4/1975. Có thể nói thắng lợi xuân Mậu Thân 1968 báo hiệu cục diện chiến tranh xoay chuyển, Mỹ sẽ thua cuộc, mùa xuân thắng lợi sẽ đến trên nước Việt thân yêu.

2- Mùa nước năm 1967, Tỉnh ủy An Giang nhận được chỉ đạo của Khu chuẩn bị mọi mặt để chuyển sang tổng công kích vào ngay hậu phương địch, kết hợp quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Quân dân An Giang tích cực chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch với tinh thần khẩn trương, bí mật.

Tháng 12/1967, phương án tác chiến của tỉnh cơ bản xây dựng xong: Thị xã Châu Đốc được chọn làm mục tiêu chính, tập trung Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 và lực lượng vũ trang Châu Phú, Châu Đốc đánh chiếm cơ quan đầu não của địch kết hợp quần chúng nổi dậy trừ gian, phá tề, làm chủ; Châu Thành - Long Xuyên được làm mục tiêu phụ. Du kích mật đánh một số mục tiêu trong nội ô, còn tiểu đoàn hỗn hợp sẽ cắt đứt lộ Long Xuyên - Châu Đốc, tấn công chi khu Châu Thành và đợi dứt điểm Châu Đốc sẽ hội quân đánh vào thị xã Long Xuyên. Thị trấn Tri Tôn là diện căn kéo địch, lực lượng vũ trang tấn công vào thị trấn, cắt đường Lộ Tẻ, cùng lúc phát động nhân dân các xã  khu vực núi Tô bức rút đồn bót, kéo về quận lỵ.

Ngày 28/1/1968, Tỉnh ủy nhận được điện của Khu 8 cho biết ngày, giờ tấn công đồng loạt là vào giữa đêm 30/1/1968 (tức tối mùng 1 Tết âl năm Mậu Thân). Tối mùng 1 Tết, toàn bộ lực lượng hơn 2.000 người hành quân thần tốc đến điểm tập kết “chòm gáo cò kêu” cách thị xã Châu Đốc khoảng 2km. 2g sáng ngày 31/1/1968 (mùng 2 Tết), quân giải phóng nổ súng tấn công vào thị xã Châu Đốc. Chỉ qua vài giờ chiến đấu, ta gần như làm chủ cả tỉnh lỵ. Đến sáng ngày 31/1/1968, địch chỉ còn giữ được dinh Tỉnh trưởng, thành PC và nhà Phủ Vị (nơi đóng quân của Đại đội Bảo an 686) chờ viện binh tiếp cứu.

Tổng kết mặt trận Châu Đốc và Tri Tôn, quân giải phóng đã phá hủy, đánh chiếm 21 địa điểm, căn cứ địch, loại hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, xóa sổ cả Đại đội 810 Bảo an Châu Đốc. Theo báo cáo của địch (tất nhiên đã giảm nhẹ) thì có 70 chết, 116 bị thương, mất 99 súng, cháy 10 xe.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân - dân An Giang đã giáng một đòn bất ngờ vào quân ngụy An Giang, Châu Đốc với phạm vi của chiến dịch trải rộng trên 1 thị xã, 5 thị trấn, 50 xã khiến địch phải bị động đối phó, để Châu Đốc trở thành 1 trong 2 nơi bị thiệt hại nặng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968./.  
                                 
ĐẶNG  HOÀI  DŨNG
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39997973