Truy cập hiện tại

Đang có 61 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không góp phần buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam

(TGAG)- Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta ở miền Nam đã đẩy quân ngụy vào tình thế khó khăn, làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân lần hai, đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược bằng B.52.

Hiểu rõ bản chất hiếu chiến, ngoan cố của đế quốc Mỹ, từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự kiến: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 đánh ra Hà Nội trước khi chúng chịu thua trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam”. Trung ương Đảng khẳng định quyết tâm của quân và dân ta: “Dù đế quốc Mỹ có những âm mưu, thủ đoạn chiến tranh liều lĩnh đến mức nào cũng không thể xoay chuyển được tình thế ở chiến trường... Cả nước đều phải có quyết tâm lớn, cảnh giác cao, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng địch trong mọi tình huống”. Ngày 01-6-1972, Bộ Chính trị ra Nghị quyết nêu rõ: “Mọi hoạt động của miền Bắc phải thật sự khẩn trương chuyển hướng nhằm đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu phù hợp với thời chiến”. Ngày 17-12-1972, Bộ Quốc phòng ra lệnh cho các lực lượng vũ trang nhân dân chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.



Ngày 14/12/1972, Chính quyền Nixon phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích B.52. Địch chọn Hà Nội là mục tiêu đánh phá chủ yếu, lấy Hải Phòng cùng với khu vực giao thông đường sắt phía Bắc sông Hồng làm mục tiêu bổ trợ quan trọng. Mục đích cuộc tập kích chiến lược nhằm phá hoại nặng tiềm lực kinh tế và quốc phòng của miền Bắc, ngăn chặn nguồn tiếp tế của hậu phương cho tiền tuyến miền Nam, gây tổn thất lớn về người và của khiến ta phải khắc phục lâu dài; buộc ta phải trở lại bàn thương lượng trên thế yếu và phải hạ thấp một số điều khoản của Hiệp định để có lợi cho Mỹ. Ngày 18/12/1972, Mỹ mở cuộc tập kích B.52 vào miền Bắc. Trong 12 ngày đêm (từ 18/12 đến 29/12/1972), địch đã sử dụng 729 lượt B.52, 1.900 lượt máy bay cường kích đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Mỏ, Thái Nguyên. Máy bay địch ném bom vào các bệnh viện, trường học, khu phố, bến xe, nhà ga... gây nhiều thương vong cho nhân dân ta (2.368 người chết, 3.526 người bị thương). Riêng tại khu vực Hà Nội, địch tập trung tới 444 lượt B.52  và hơn 1.000 lượt máy bay cường kích đánh phá.

Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược B.52 của Mỹ. Bắn rơi 81 máy bay (trong đó 34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111). Hàng trăm giặc lái bị chết, 43 tên bị bắt, trong đó 33 giặc lái B.52. Đây là đầu tiên trên thế giới một số lượng máy bay chiến lược B.52 của đế quốc Mỹ bị tiêu diệt, giáng cho không quân chiến lược Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử xâm lược.

Chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc cuộc tập kích chiến lược B.52 của Mỹ được thế giới gọi là trận Điện Biên phủ trên không. Chiến thắng này đã nhấn chìm ý đồ “đàm phán trên thế mạnh” của Mỹ. Mỹ không còn con đường nào khác là phải tiếp tục đàm phán trên thế yếu và bị cô lập. Ngày 6-1-1973, Nixon chỉ thị cho Kissinger: Cần đạt được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện khắt khe; sẵn sàng chấp nhận văn bản đã thỏa thuận tháng 10-1972 và buộc phải chấp nhận kết quả đàm phán ngoài mong muốn trước khi Quốc hội mới lập lại.

Thắng lợi Điện Biên phủ trên không của quân và dân ta đã buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng hoàn toàn hoạt động chống phá miền Bắc vào ngày 15-1-1973 và chấp nhận thỏa thuận tháng 10-1972./.


Phòng Lý luận chính trị và lịch sử Đảng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40472142