Truy cập hiện tại

Đang có 117 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Huyện, thị, thành tỉnh An Giang trong những ngày tháng tư lịch sử

(TGAG)- Tháng 4-1975, cùng cả nước quân và dân An Giang  đứng lên đập tan ngụy quân, ngụy quyền, đánh đuổi xâm lược Mỹ, giải phóng quê hương, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Đó là những ngày tháng lịch sử không thể nào quên của quân dân 11 huyện, thị, thành tỉnh An Giang, những ngày tháng gay go, ác liệt nhất của cuộc chiến, đánh dấu thắng lợi tuyệt đối của cách mạng miền Nam. Những ngày 30-4-1975 lịch sử, với sự khẩn trương nắm bắt thời cơ cách mạng, Đảng bộ và quân dân các huyện thị thành tỉnh An Giang đã kịp thời xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, tấn công địch giải phóng quê hương theo chỉ đạo của các Tỉnh ủy và tinh thần của Nghị quyết 15 - tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã.

Giải phóng huyện Tri Tôn:

Trưa ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Huyện ủy Tri Tôn phát động lực lượng ba mũi đồng loạt tấn công địch. Ở các xã, quân ta bao vây gọi hàng, vận động nhân dân nổi dậy, chiếm trụ sở chính quyền địch, truy quét bọn phản động lẫn trốn.

Bảy giờ chiều ngày 30/4/1975, lực lượng quân sự, chính trị của ta vào thị trấn, vây ép Chi khu Tri Tôn, gọi hàng. Địch chống cự, đốt giấy tờ, bỏ chạy. Đến 20 giờ ta gọi hàng kết hợp với quần chúng nổi dậy, buộc địch chấp nhận hàng và bàn giao chính quyền. Sáu giờ sáng ngày 1/5/1975 ta làm chủ hoàn toàn thị trấn Tri Tôn

Tại Trung tâm huấn luyện Chi Lăng, lực lượng địch rất đông nhưng đã hoang mang, lo sợ, tự tan rã. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, địch bàn giao chi khu cho lực lượng cách mạng. 9 giờ sáng ngày 1/5/1975, 35 tên cấp tá, hàng trăm tên chỉ huy cấp dưới và toàn bộ 3.826 lính ra trình diện. Ta tiếp thu toàn khu căn cứ với nhiều khí tài và quân dụng.

Đến 9 giờ sáng ngày 01/5/1975, huyện Tri Tôn được giải phóng.

Giải phóng huyện Tịnh Biên:

Ngày 28/4/1975, Ban thường vụ Huyện ủy Tịnh Biên họp, đánh giá tình hình và chủ trương tiến hành tổng công kích: Ba Chúc là xã điểm công kích, tạo thế bao vây căn cứ, đồn bót địch. Các xã Thới Sơn, Nhơn Hưng, Xuân tô chuẩn bị lực lượng đón thời cơ phát động tổng khởi nghĩa, phá tề, giành quyền làm chủ.

Chiều ngày 29/4, sau khi địch ở căn cứ Vĩnh Gia, cao điểm núi Tượng, núi Dài Lớn tháo chạy hỗn loạn, ta phát động tấn công, giải phóng Ba Chúc. Lần lượt đồn Phổ Đà, Vĩnh Thông, căn cứ núi Đất được quân ta làm chủ. 20 giờ ngày 30/4/75, ta chiếm chi khu Tịnh Biên. Trong đêm 30/4 đến rạng ngày 1/5 tất cả các xã còn lại đều nổi dậy giành quyền làm chủ.

Sáng ngày 1/5/1975, quân ta giải phóng huyện Tịnh Biên.

Giải phóng huyện Tân Châu:

Tháng 4 năm 1975, Huyện ủy Tân Châu đóng tại căn cứ B1. Sau khi nhận lệnh của Tỉnh ủy, Huyện ủy chia quân làm 3 cánh, chuẩn bị đồng loạt tấn công địch giải phóng huyện nhà: 1 cánh đánh đồn Đồng Đức (Phú Hữu), 1 cánh hành quân sâu vào cánh đồng năm xã, ém quân ở Giồng Găng (Vĩnh Hậu), 1 cánh đánh chiếm khu trù mật Giồng Trà Dên (Tân An).

Chiều ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Tân An. Sáng hôm sau, Long Phú, Phú Vĩnh và các xã còn lại trong huyện huy động lực lượng tại chỗ giành chính quyền.

Tối 30/4/1975, Bộ đội tỉnh Long Châu Tiền chia làm 3 cánh từ Thường Thới (Hồng Ngự) vượt sông Tiền qua thị trấn Tân Châu, cùng lực lượng tại chỗ uy hiếp, gọi hàng. Khí thế của lực lượng cách mạng đang lên, trung ương ngụy Sài Gòn đã đầu hàng, nên tên quận trưởng Tân Châu phải chấp nhận buông súng đầu hàng.

Sáng ngày 1/5/1975, huyện Tân Châu được giải phóng.

Giải phóng huyện Thoại Sơn:

Trưa ngày 30/4/1975, được tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Huyện ủy Huệ Đức (Thoại Sơn ngày nay) tổ chức lực lượng về giải phóng Ba Thê. Đến tối lực lượng ta áp sát chung quanh yếu khu. Sáng 1/5/1975, bộ đội tỉnh hành quân đến nơi, cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm các vị trí quân sự của địch, một số tháo chạy về Núi Sập, còn đa số đầu hàng.

Đến 9 giờ 30 ngày 1/5/1975, ta thiết lập chính quyền quân quản tại thị trấn Núi Sập. Các xã trong huyện đều được giải phóng. Phòng tuyến tử thủ của địch ở Phú Hòa bị ta đập tan vào chiều ngày 1/5/1975, đánh thông đường tiến quân về Long Xuyên.

Trong ngày 1/5/1975, huyện Huệ Đức (Thoại Sơn) được giải phóng.

Giải phóng huyện An Phú:

Ngày 30/4/1975, sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, các đồng chí lãnh đạo huyện họp tại ranh giới Phú Hội – Nhơn Hội, đề ra chủ trương lực lượng ở xã nào sẽ giải phóng xã đó.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 30/4/1975, lực lượng huyện hành quân từ Cái Dơn-Thạnh Hòa xuống hướng Nhơn Hội. Địch chống trả quyết liệt, pháo 105 ly ở quận lỵ An Phú bắn lên tới tấp. Tối 30/4/1975, du kích Nhơn Hội bao vây tấn công đồn  Bắc Đai, địch chống cự đến sáng ngày 1/5/1975 rút chạy. Xã Nhơn Hội được giải phóng trước tiên. Quân ta lần lượt tiếp quản Phú Hội, Vĩnh Hội Đông, đánh chiếm Đa Phước, Vĩnh Trường.

Quân ta chia thành hai mũi: một mũi từ Nhơn Hội qua Phước Hưng tiến về quận lỵ, mũi thứ hai từ Phú Hội tạo thành 2 gọng kìm bao vây quận lỵ An Phú. Bọn địch rút chạy qua xã Vĩnh Hội cùng tàn quân nơi đây rút về “Tổ đình” Đức Huỳnh giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo. Khoảng 2 giờ 30 phút chiều ngày 1/5/1975, ta làm chủ quận lỵ, Huyện An Phú được giải phóng.

Giải phóng thị xã Châu Đốc:

Sau cuộc họp Tỉnh ủy Long Châu Hà (tháng 4/1975), Ban cán Đảng Châu Đốc họp chuẩn bị kế hoạch giải phóng thị xã Châu Đốc.

Ngày 30/4, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ngay tối hôm đó, Ban cán sự cấp tốc mở cuộc họp, quyết định phương châm chính là tấn công binh vận kết hợp với phát động phong trào quần chúng nổi dậy. Lúc đó, chính quyền ngụy lọt vào tay bọn đội lốt Phật giáo Hòa Hảo. Bọn này tuyên bố tử thủ, ra lệnh giới nghiêm.

Sáng ngày 1/5/1975, ngụy quyền suy sụp hoàn toàn. Bọn quân ô hợp đội lốt tôn giáo tự tan rã. Lực lượng biệt động mật nội ô làm chủ Ty thông tin, lập trụ sở của lực lượng giải phóng, phát loa kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Đến bảy giờ sáng ngày 1/5/1975, lá cờ Mặt trận giải phóng đầu tiên được treo ở dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền. 8 giờ lá cờ thứ hai được treo ở Ty Thông tin. Sau đó nhiều lá cờ được giương lên khắp phố phường...

Mười hai giờ trưa lực lượng cách mạng tổ chức cuộc mittinh ở trước Ty thông tin với hơn 6.000 đồng bào tham dự. Ta kêu gọi binh lính, sĩ quan buông súng đầu hàng. Quần chúng cùng lực lượng cách mạng tiếp quản các nơi còn lại.

Đến 15 giờ ngày 1/5/1975, ta hoàn toàn chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong thị xã. Tên Phó tỉnh trưởng hành chánh trực tiếp giao lại toàn bộ hồ sơ, tài liệu... Châu Đốc được giải phóng.

Giải phóng huyện Châu Thành:

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, lực lượng cách mạng Châu Thành lên kế hoạch giải phóng huyện nhà. Bước vào chiến dịch, lực lượng huyện cùng du kích các xã được củng cố, sẵn sàng phối hợp giải phóng… Đêm 29/4/1975, lực lượng cách mạng đã đến các vị trí tập kết. Sáng 30/4/1975, khoảng 8 giờ ta nổ súng tấn công địch ở xã Vĩnh Hanh, Cần Đăng (gồm cả Vĩnh Bình, Vĩnh An ngày nay), địch hoảng loạn tinh thần, quân ta giành thắng lợi tuyệt đối...

6 giờ 30 ngày 1/5/1975, ta làm chủ hoàn toàn xã Hòa Bình Thạnh. Trưa ngày 1/5/1975, bộ đội huyện đến Bình Hòa (gồm cả An Hòa ngày nay) thì xã đã giải phóng nên huyện kéo lực lượng xuống giải phóng quận. Bốn giờ chiều ta lần lượt làm chủ chi khu Châu Thành, trại công binh Mê Linh...

16 giờ ngày 01/5/1975 Châu Thành được giải phóng.

Giải phóng thị xã Long Xuyên:

Giữa tháng 4/1975, tại rừng tràm Huệ Đức, Thị xã ủy họp xây dựng kế hoạch tấn công giải phóng Long Xuyên, chỉ đạo bộ phận nội ô bám sát các mục tiêu quan trọng, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa.

Ngày 1/5, bộ đội chủ lực lãnh nhiệm vụ giải phóng Long Xuyên hành quân đến Ba Thê. Trong lúc đó tình hình nội ô Long Xuyên diễn biến phức tạp: lực lượng Bảo an quân Hòa Hảo chiếm tòa hành chánh và một số cơ quan đầu não, tuyên bố tử thủ, ra lệnh giới nghiêm 24/24. Bộ phận nội ô chỉ đạo cho nội tuyến ở Đài viễn thông, Ty Ngân khố, Ty điền địa... bảo vệ tài sản, vũ khí không cho địch cướp phá. Đồng thời liên lạc Quân khu 9, báo tình hình cấp bách của Long Xuyên.

16 giờ ngày 1/5, một bộ phận chủ lực E.101 (Trung đoàn Sông Lam) đến Long Xuyên đánh dẹp các tuyến phòng thủ của địch trên đường liên tỉnh. Đoàn xe M.113 của Quân khu tiến vào trung tâm tỉnh lỵ. Bảo an quân rút chạy về Chợ Mới. Sau khi dẹp tan tuyến phòng ngự của 1 đại đội địch ở Phú Hòa, bộ đội chủ lực tỉnh tiến vào trung tâm thị xã.

Đến 18 giờ 30 ngày 1/5/1975, lực lượng ta chiếm toàn bộ các cứ điểm, cơ quan nội ô, thị xã Long Xuyên được giải phóng.

Giải phóng huyện Châu Phú:

Từ ngày 22 đến 25/4/1975, Huyện ủy Châu Phú triệu tập cuộc họp bàn kế hoạch, phân công lực lượng chuẩn bị tổng tấn công giải phóng huyện.

Đúng 3 giờ 30 phút ngày 1/5/1975, lực lượng ta bao vây, gọi hàng đồn Mỹ Thiện. 5 giờ ta chiếm chi khu Mỹ Đức, treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng, toàn bộ địch thất thần, tháo chạy tán loạn.

15 giờ ngày 1/5/1975, bọn ngụy tập trung tàn quân với trên 300 bảo an quân có 3 thiết giáp và 4 xe GMC kéo lên Mỹ Đức hòng phản công chiếm lại chi khu. Quân ta bố trí lực lượng đánh phục kích tại cầu rạch Cần Thảo, bị bất ngờ, hoang mang, chúng tháo chạy, kéo quân về Cái Dầu. Quân ta lần lượt giải phóng Khánh Hòa, Mỹ Đức. Lực lượng Huyện ủy sau khi giải phóng Thạnh Mỹ Tây đã hành quân về chi khu Mỹ Đức để phối hợp với lực lượng địa phương quân huyện.

Sáng ngày 2/5/1975, lực lượng ta từ Châu Đốc đánh xuống, Châu Thành đánh lên, địch ở Cái Dầu rút chạy. Đến trưa ngày 2/5/1975 ta tiến đánh địch co cụm ở ấp Mỹ Thuận 2, đánh chiếm Bến Cát, chiếm dinh Hai Ngoán, giải phóng hoàn toàn 3 xã Bình Long, Bình Mỹ, Vĩnh Thạnh Trung.

Ngày 3/5/1975, địa phương quân huyện cùng tiểu đoàn chủ lực quân tỉnh tiến công bao vây, giải phóng Thạnh Mỹ Tây,  Ô Long Vĩ.

Huyện Châu Phú được giải phóng trong ngày 3/5/1975.

Giải phóng huyện Phú Tân:

Tại Phú Tân- vùng thánh địa Phật giáo Hoà Hảo, sau khi ngụy quyền tuyên bố đầu hàng, bọn tề xã và bọn chỉ huy ác ôn khống chế phòng vệ dân sự, tước vũ khí của các phân chi khu trang bị Bảo an quân để tử thủ trong các xã Phú Hòa, Hòa Lạc, Hưng Nhơn, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông, Cù Lao Tây... Chúng lấy Tổ đình và trung ương giáo hội làm điểm chỉ huy, tập trung bảo an quân và ngụy quân từ các nơi chạy về.

Chiều 30/4/1975, Trung ương giáo hội Phật giáo Hòa Hảo ra thông cáo tự ấn định tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên (An Giang) thuộc quyền cai trị của Hòa Hảo. Đêm 30/4/1975, lực lượng vũ trang Phú Tân tiến về cù lao Tây bị địch đánh trả rất mạnh nên phải lùi lại, đến ngày 2/5/1975 mới bám được cù lao Tân Huề.

Một mặt ta liên hệ với “Tổ đình” Đức giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo buộc phải giải tán bảo an quân, nộp vũ khí, mặt khác ta dùng lực lượng quân sự để trấn áp bọn đầu sỏ ngoan cố. Chiều ngày 1/5/1075, ta đưa Tiểu đoàn 512B (mới thành lập chuẩn bị cho tổng công kích) qua cù lao Long Thuận, qua Phú An phối hợp với Tiểu đoàn 512 tiến về “Thánh địa”.

Tiểu đoàn 512 từ Tân Châu tiến xuống Long Sơn, Phú lâm, Phú An. Chiều ngày 1/5/1975, quân ta đối đầu bọn bảo an quân tại tuyến phòng thủ đầu tiên ở Phú Lâm, đánh chúng lùi về hướng Phú An. Đêm 1/5/1075, lực lượng ta và địch lại nổ súng tại cây số 12 (Phú Lâm) cho đến sáng ngày 2/5/1975 phòng tuyến “tử thủ” này tan rã.

Sáng ngày 2/5/1975, khi ta tiến quân đến cây số 17 (Phú Lâm) thì gặp tuyến phòng thủ chính của Bảo an quân. Tại đây chúng tập trung hàng mấy trăm quân, có “xe nồi đồng” yểm trợ. Quân ta nhanh chóng dàn lực lượng trên hướng chính diện và cho một bộ phận đánh thọc sườn. Bị đánh bất ngờ từ 2 phía, địch hoảng loạn bỏ chạy. Đến cây số 20, ta lại đụng phải bọn bảo an quân thua trận từ An Phú chạy về co cụm tại đây, với khí thế lớn mạnh của ta bọn chúng xin đầu hàng. Lúc này Tiểu đoàn 512B đã qua sông cùng d.512 hành quân về chợ Mỹ Lương.

1 giờ sáng ngày 3/5/1975, ta tập kết tại chợ Mỹ Lương. Tại đây, Ban Chỉ huy Tỉnh đội liên hệ với lãnh đạo huyện Phú Tân, họp bàn kế hoạch tiếp thu “Tổ đình” Đức giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo và cho người đón lực lượng của Phú Tân từ Tân Huề qua.

Ngày 3/5/1975, Bảo an quân tử thủ ra thông cáo số 6 đồng ý cho ta tiếp quản Tổ đình. Ta đồng ý tiếp xúc với điều kiện bảo an quân phải bỏ súng đầu hàng ở các xã, số còn lại cùng với chức sắc, chỉ huy Bảo an quân các cấp phải tập trung về “Tổ đình” Đức giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo trình diện.

Sáng ngày 3/5/1975, phái đoàn cách mạng vào “Tổ đình” Đức giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo, trực tiếp gặp đại diện của Phật giáo Hòa Hảo vừa giải thích, vừa đấu tranh buộc họ phải giải giáp Bảo an quân vô điều kiện. Cuối cùng Bảo an quân phải hạ vũ khí đầu hàng, tập hợp trình diện…

Đến chiều ngày 3/5/1975, sau khi trung tâm chỉ huy “thánh địa” bị giải giáp, tàn quân và bảo an quân các xã còn lại cũng đầu hàng, huyện Phú Tân được hoàn toàn giải phóng.

Giải phóng huyện Chợ Mới:

Ngày 30/4/1975, ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thời cơ thuận lợi giải phóng huyện đã đến, địa phương quân huyện cùng lực lượng Lấp Vò giải phóng Mỹ An Hưng, hành quân về Chợ Mới, triển khai lực lượng giải phóng xã Hội An. Đêm 30/4/1975 quân ta tiếp thu xã Hội An cùng 3 xã cù lao giêng.

Lúc bấy giờ, tàn quân địch với nhiều sắc lính và Bảo an quân ở nhiều nơi (trên 5.000 Bảo an quân) tập trung về Tây An Cổ Tự ngoan cố tử thủ. Huyện ủy Chợ Mới kịp thời liên lạc xin chi viện của tỉnh…

Sáng ngày 2/5/1975, lực lượng chi viện về đến xã Mỹ Luông, giao tranh ác liệt với lực lượng bảo an. Ta tăng cường tấn công, địch rút về ngã ba Bà vệ, xã Mỹ Luông được giải phóng.

Trưa ngày 2/5/1975, Tỉnh ủy Sa Đéc kịp thời điều 3 tiểu đoàn mới thành lập (502A, 502B, 502C) cùng 1 chi đoàn xe M.113 phối hợp cùng lực lượng địa phương giải phóng huyện Chợ Mới. Lực lượng ta chia làm 2 bộ phận, 1 bộ phận bao vậy Tây An Cổ Tự, một bộ phận tiếp thu quận lỵ Chợ Mới… Sáng ngày 3/5/1975, địch đầu hàng, ta tiếp thu huyện lỵ Chợ Mới và xã Long Điền.

Tại Tây An Cổ Tự, lực lượng ta bao vây tứ phía, phát loa gọi hàng, vận động gia đình binh sĩ kêu gọi con em về với cách mạng, buông súng đầu hàng. Sáng ngày 3/5, khoảng 1.500 tên ra đầu hàng, số còn lại phần đông rút chạy về Nhơn Mỹ. Quân ta tích cực truy kích, vây ép địch, đến ngày 5/5/1975, số tàn quân co cụm ở Nhơn Mỹ, Mỹ Hội Đông tan rã.  Sáng ngày 6/5/1975, quân ta đồng loạt xiết chặt vòng vây Tây An Cổ Tự từ nhiều hướng buộc địch phải buông súng đầu hàng...

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 6/5/1975, huyện Chợ Mới được hoàn toàn giải phóng.

Như vậy, đến ngày 6/5/1975, tất cả 11 huyện, thị, thành tỉnh An Giang được giải phóng, cùng cả nước kết thúc chặng đường 30 năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, bước vào thời kỳ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội./.

Nguyễn Thành Nhân


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37143931