Truy cập hiện tại

Đang có 121 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám ở An Giang

(TGAG)- Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Long Xuyên, Châu Đốc là sự nối tiếp và phát huy truyền thống yêu nước của tổ tiên trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Đó là thắng lợi qua 15 năm đấu tranh kiên cường bất khuất của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được tôi luyện và thử thách của các thời kỳ 1930 - 1931, 1936 - 1939 và khởi nghĩa năm 1940. Đó cũng là thắng lợi của ý chí, sự bền bỉ trung kiên và sự hy sinh vô bờ bến của  những người cộng sản và quần chúng yêu nước đã đối mặt với bao hiểm nguy nhưng với sức mạnh của niềm tin tất thắng, đã vượt qua tất cả.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã giúp cho Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc càng khẳng định  thêm niềm tin: tin ở sức mạnh chân lý  của chủ nghĩa Mác - Lênin, tin ở sự lãnh đạo của Đảng và tin ở chính  bản thân mình. Từ những cuộc đấu tranh chính trị, đến gậy gộc, nọc trầu chống lại sự đàn áp của địch, rồi đến giáo mác tầm vông, súng kíp với đội dân quân chân đất đầu trần  đã chiến thắng mọi kẻ thù giành độc lập tự do. Đó là thành quả  to lớn nhất, có ý nghĩa sâu sắc nhất, đã góp phần cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vẻ vang, đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trải qua 15 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc từ khi đặt niềm tin trọn vẹn vào lá cờ đỏ búa liềm treo trên cột dây thép Long Điền đã không ngừng vùng dậy cho tới ngày làm nên Cách mạng tháng Tám 1945, đạp đổ ách thống trị của thực dân Pháp, Phát-xít Nhật và hàng ngàn năm phong kiến để đứng lên làm chủ cuộc đời, làm chủ quê hương.

Trong chặng đường đấu tranh vẻ vang ấy, đã có biết bao người cộng sản và quần chúng yêu nước sẵn sàng chấp nhận hy sinh, tù đày, đem tuổi thanh xuân của mình dâng hiến cho sự nghiệp cách mạng cao cả với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng: độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày. Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, Đảng bộ Long Xuyên, Châu Đốc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, để lại cho thế hệ kế tiếp những kinh nghiệm quý trong quá trình 15 năm lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên vùng đất An Giang.

Trước hết, trên nền tảng của chủ nghĩa yêu nước, những người cộng sản Long Xuyên, Châu Đốc đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong công tác xây dựng Đảng trên vùng đất nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu rất xa các trung tâm công nghiệp. Đảng Cộng sản đã sớm hình thành và nhanh chóng nắm quyền lãnh đạo các tầng lớp nhân dân yêu nước làm nên những phong trào đấu tranh cách mạng mãnh liệt và liên tục.

Về tổ chức, Đảng bộ đã xác định đúng đắn vai trò quan trọng của tầng lớp thợ thủ công, xem đó là lực lượng cách mạng tiên tiến nhất của Long Xuyên, Châu Đốc lúc bấy giờ bởi vì họ cũng có những đặc điểm tương tự như giai cấp công nhân Việt Nam: cũng bị bóc lột, cũng không có tư liệu sản xuất và cũng có mối quan hệ gắn bó với nông dân. Chính vì vậy, thợ thủ công đã được tập hợp vào “Công hội”, tổ chức quần chúng cách mạng của giai cấp công nhân, cùng với nông dân trở thành động lực chính của phong trào cách mạng An Giang. Cũng vì vậy, Chợ Mới được chọn làm địa bàn chính yếu cho quá trình hình thành, phát triển Đảng bộ và thực tiễn lịch sử đã chứng minh sự vận dụng đó của Đảng bộ Long Xuyên, Châu Đốc là hoàn toàn đúng đắn.

Là nơi tập trung đông đảo thợ thủ công, Chợ Mới còn có những yếu tố địa lý, lịch sử thuận lợi cho vai trò là “chiếc nôi” cách mạng của vùng đất An Giang. Chợ Mới là vùng đất cù lao ít bị ngập nước lại nằm ở vị trí trung tâm đầu mối giao thông quan hệ giữa các vùng Cao Lãnh, Sa Đéc, Long Xuyên, Tân Châu, Hồng Ngự... nên cư dân Việt đã chọn đây là nơi đứng chân đầu tiên trên bước đường khai phá vùng đất mới An Giang vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Vì vậy, so với các nơi khác ở Long Xuyên, Châu Đốc lúc bấy giờ, Chợ Mới có những thuận lợi hơn về mọi mặt: dân cư đông đúc, dân trí mở mang, kinh tế phát triển (cả nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp). Đây cũng là nơi tập trung nhiều mâu thuẫn: ở vùng trung tâm là mâu thuẫn giữa các chủ xưởng và thợ thủ công; ở nông thôn là mâu thuẫn giữa tá điền với chủ đất và trên hết, là mâu thuẫn giữa nhân dân lao động với thực dân và tay sai, trực tiếp là bọn hương chức, hội tề. Chính vì vậy, những hạt giống cách mạng đầu tiên gieo trên mảnh đất này đã nhanh chóng nảy mầm và lan tỏa khắp nơi.

Thứ hai, chấp hành đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Long Xuyên, Châu Đốc đã biết  chủ động đề ra những biện pháp, chủ trương linh hoạt phù hợp với tình hình, với yêu cầu cách mạng và nguyện vọng của nhân dân lao động. Tính chủ động sáng tạo đã được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ công tác tổ chức, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đến các khẩu hiệu, phương pháp đấu tranh.

Công tác chính trị tư tưởng được Đảng bộ đặt ra hàng đầu, có phương pháp tuyên truyền giáo dục phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh. Từ việc phổ biến sách vở, báo chí, tổ chức diễn thuyết, tranh luận chính trị, mở lớp huấn luyện đến chỉ vẽ những việc phải trái trong đời sống hàng ngày, rỉ tai những người thân, người đồng chí v.v... và với hành động nêu gương quên mình vì sự nghiệp cách mạng, những người Cộng sản Long Xuyên, Châu Đốc giác ngộ được quần chúng, thu phục được nhân tâm.

Cùng với công tác tư tưởng, Đảng bộ đã dùng những hình thức phù hợp nhất để tập hợp quần chúng. Mọi tổ chức đều gắn với công  ăn, việc làm, với  nguyện vọng và lợi ích của quần chúng nhân dân. Hội nhà Giàng,  hội từ thiện, hội cạo gió đến tổ đổi công trong nông nghiệp, tổ thợ mộc, thợ hồ v.v... đã thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Nhân dân đã đi từ giác ngộ và đấu tranh  cho lợi  ích bản thân trước mắt đến giác ngộ và đấu tranh cho  lợi ích của Tổ quốc và lợi ích  giai cấp, dẫn đến những cao trào cách mạng và Tổng khởi nghĩa. Khi  tình thế thay  đổi, công tác tư tưởng tổ chức và hình thức đấu tranh cũng thay đổi cho phù hợp. Nó vừa giác ngộ được quần chúng, vừa bảo tồn được lực lượng và đấu tranh đạt hiệu quả.

Thành công lớn  nhất của Đảng bộ là công tác tư tưởng và tổ chức, được chứng minh trong thời kỳ 1932 – 1935  và sau khởi nghĩa Nam Kỳ, đã duy trì được lực lượng và phong trào trong lúc cách mạng gặp khó khăn. Thông qua báo chí, truyền đơn v.v... Đảng bộ đã kịp thời  vạch trần âm  mưu, thủ đoạn và  hành động gian ác của kẻ thù; kêu gọi lòng yêu nước, củng cố niềm tin, vạch ra phương hướng đấu tranh, luôn nâng cao chí căm thù  và nung nấu hoài bảo như là tích tụ sức nóng để chờ độ  nổ bùng. Do đó mà phong trào cách mạng tỉnh nhà luôn giành được những thắng lợi lớn sau những khó khăn, thử thách ác liệt.

Tuy nhiên, trong quá trình làm công tác tổ chức, Đảng bộ cũng vấp phải những sai lầm khuyết điểm như thiếu kiểm tra, quản lý đảng viên từ cấp cơ sở để tên phản động Nguyễn Văn Cự (Chà) chui sâu, trèo cao; như chấp hành lịnh cấp trên một cách cứng nhắc trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940 làm lực lượng cách mạng bị thiệt hại nặng nề; như áp dụng nguyên tắc một cách máy móc dẫn đến việc hình thành hai hệ thống Đảng “Tiền Phong” và “Giải Phóng” làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết nội bộ Đảng... Đó chính là những bài học quý báu để Đảng bộ khắc phục, rút kinh nghiệm lãnh đạo tốt hơn trong các chặng đường đấu tranh sau này.

Thứ ba, quán triệt quan điểm quần chúng, Đảng bộ nhận thức sâu sắc vai trò cách mạng của quần chúng nhân dân. Ngay từ đầu, các tổ chức Đảng và đảng viên đã bám chặt trong các địa bàn dân cư, biết lắng nghe nguyện vọng của nhân dân. Nên tất cả những khẩu hiệu đấu tranh ban đầu chỉ nhằm vào lợi ích thiết thân của quần chúng như giảm thuế thân, bớt lúa tô, hạ thuế xe ngựa, tăng tiền công cho thợ dệt v.v... Từ việc giáo dục và hướng dẫn đấu tranh, từ lời nói, việc làm đến chịu cảnh tù đày chết chóc, người Cộng sản không vì lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột. Ngay như những tờ báo Đảng lúc bấy giờ cũng mang tên  "Bạn nghèo", "Lao khổ" càng thể hiện sự gắn bó giữa Đảng với  dân. Vì vậy, đương nhiên những người Cộng sản trở  nên gần gủi thân thiết, là người bạn là người lãnh tụ của quần chúng cần lao. Do đó mà quần chúng thủy chung với Đảng, không bao giờ lãng quên cách mạng lúc khó khăn và Đảng bộ đã tồn tại, phát triển chính từ sự bao bọc của đồng bào, từ sự đóng góp sức người và tiền của cho phong trào cách mạng.

Thứ tư, ngay từ khi Đảng bộ mới ra đời đã nắm vững tư tưởng tiến công cách mạng. Những cuộc biểu tình, míttinh, luyện tập võ nghệ v.v... diễn ra dồn dập lúc cao trào. Ngay những thời kỳ cách mạng gặp khó khăn phong trào cũng được củng cố, hun đúc với mọi hình thức chờ có thời cơ là bùng nổ như đầu năm 1936, khi chính phủ Mặt trận  Bình dân Pháp công  bố chính sách mới  đối với Đông Dương thì các Ủy ban hành động và các tổ chức quần chúng rầm rộ ra đời. Lứa tuổi nào, ngành nghề nào, tôn giáo, đảng phái nào cũng được Đảng ta tổ chức tập hợp. Đây là thời kỳ mà Đảng bộ xây dựng được tổ chức phong phú nhất, đông đảo nhất, tạo nên cao trào đấu tranh dân chủ gây tiếng vang trong và cả ngoài nước. Đó là sự nhạy bén, linh hoạt trong công tác tổ chức, vận động đấu tranh và phương pháp cách mạng.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp và đến lúc Nhật đầu hàng đồng minh là thời cơ cách mạng thuận lợi nhất nhưng tình hình Long Xuyên, Châu Đốc cũng  diễn ra hết sức phức tạp, khó khăn. Lực lượng Đảng chia thành hai hệ thống trong lúc bọn phản động các loại tập trung chống phá cách mạng, lợi dụng lực lượng các giáo phái chuẩn bị cướp chính quyền. Chúng có cả lực lượng vũ trang đông hơn ta, một số tên đầu sỏ lại chiếm giữ  nhiều chức vụ trọng yếu trong chánh quyền quận, tỉnh. Thế mà trước tình hình gay go đó, những người cộng sản ở  Long Xuyên, Châu Đốc đã giành lấy chính quyền  một cách trọn vẹn, không đổ máu trước bao kẻ  thù. Đó chính là nhờ vào tư tưởng tiến công và nghệ thuật lãnh đạo rất xuất sắc trong việc tập hợp lực lượng, phân hóa kẻ thù.

Nhưng trong quá trình tổ chức đấu tranh, biểu tình, khởi nghĩa... Đảng bộ còn bộc lộ những thiếu sót về phương pháp cách mạng do không dự kiến đầy đủ những tình huống một khi địch đã đề phòng đối phó nên đã gây ra những tổn thất không đáng có như trong cuộc biểu tình ngày 28/5/1930, cũng như trong khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Trong thời kỳ 1936 - 1939, phương châm hoạt động bí mật chưa được tuân thủ triệt để, lực lượng cách mạng đã bộc lộ qua phong trào công khai nên khi bọn phản động Pháp trở mặt đàn áp, nhiều đồng chí phải chuyển vùng khác hoặc bị bắt tù đày, tổ chức Đảng ở cơ sở nhiều nơi bị tan rã...

Để có được những thắng lợi trong 15 năm đấu tranh không mệt mỏi, một trong những nguyên nhân cơ bản và là bài học quý báu nhất của Đảng bộ là những người cộng sản Long Xuyên, Châu Đốc cũng như những người cộng sản Việt Nam đã rèn luyện cho mình phẩm cách cao quý  nhất của con người là dám  hy sinh, dám xả thân vì nghĩa lớn, đã vượt qua  được những cám dỗ hiểm nguy, giành thắng lợi cuối cùng cho dân tộc và giai cấp./.

TGAG


Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang Tập 1 (1927-1954), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, xuất bản năm 2007.

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36710272