Truy cập hiện tại

Đang có 55 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Huyện An Phú - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

(TUAG)- Huyện An Phú thuộc tỉnh An Giang. Phía Bắc và Tây giáp Campuchia, phía Đông giáp thị xã Tân Châu, phía Nam giáp thành phố Châu Đốc. Ngày 23/5/2005, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện An Phú vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và Nhân dân huyện An Phú luôn anh hùng, bất khuất, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, huyện An Phú đã lập được những thành tích xuất sắc trong các hoạt động chính trị, vũ trang, binh vận tiêu biểu như:

Năm 1957, địch tiến hành nhiều cuộc càn quét lớn ở các xã trong huyện. Huyện ủy đã lãnh đạo Nhân dân đòi dân sinh dân chủ, đưa người cài vào trong hàng ngũ của địch, hướng dẫn quần chúng phá các buổi học tập tố Cộng của chúng.

Ngày 05/8/1957, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ xã Nhơn Hội, hơn 2.000 quần chúng đấu tranh yêu cầu Hội đồng xã can thiệp không dời nhà, hướng dẫn quần chúng làm đơn và nhiều người ký tên gửi lên tỉnh. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi.

Sang năm 1961, phong trào diệt ác phá kìm ở các xã biên giới huyện An Phú như Khánh An, Khánh Bình, Phú Hội, Nhơn Hội, Phú Hữu nổ ra mạnh mẽ. Được sự hỗ trợ của địa phương quân huyện, du kích đốt cầu, diệt hàng chục tên ác ôn, cảnh cáo nhiều tên khác. Bên cạnh đó, phong trào đấu tranh chính trị cũng diễn ra với nhiều hình thức phong phú như mít-tinh, biểu tình, đấu tranh trực tiếp đòi dân sinh, dân chủ, chống bắn pháo, chống giết người vô tội, chống quy khu dồn dân…

Năm 1964, Huyện ủy đề ra kế hoạch đẩy mạnh hoạt động quân sự và binh vận để tiêu hao lực lượng địch, phát triển lực lượng du kích, tuyên truyền vận động đồng bào đạo Hòa Hảo xây dựng căn cứ trong lòng dân, vận động binh lính, tề địch làm nội tuyến, hạn chế hoạt động của bọn ác ôn, bảo vệ căn cứ làm địa bàn đứng chân cho lực lượng ta. Lực lượng cách mạng đánh phá các “ấp tân sinh” làm cho địch bị thiệt hại nặng, tiêu diệt nhiều tên ác ôn ở các xã như: Vĩnh Lộc, Khánh An, Phú Hữu…

Giữa tháng 4/1964, tỉnh mở chiến dịch Xuân - Hè, giải phóng các xã biên giới. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ta đã giành được nhiều thắng lợi, củng cố được niềm tin trong Nhân dân. Vùng căn cứ được củng cố, xã Phú Hội được giải phóng. Vùng kiểm soát cách mạng ở xã Nhơn Hội, Khánh Bình được mở rộng. Quần chúng xã Khánh Bình xây dựng xã chiến đấu đến sát ngã ba Đình, làm vành đai bảo vệ căn cứ B3 (Vạt Lài)…

Đối phó với âm mưu ép buộc Nhân dân của địch: Vào mỗi đêm, khi có cán bộ về hoạt động nhà nhà phải đồng loạt gõ mõ để báo động cho chúng và uy hiếp tinh thần cán bộ, ta tích cực vận động Nhân dân không thực hiện, đồng thời cử cán bộ khống chế bọn cường hào tại địa phương. Ở xã Vĩnh Lộc và Phước Hưng, âm mưu của địch bị bẻ gãy, cán bộ cách mạng được an toàn mỗi khi về bám dân tuyên truyền vận động và cứu đói dân nghèo.

Năm 1962, cán bộ, chiến sĩ trong huyện tuyên truyền, giáo dục quần chúng đấu tranh chống phá xây dựng ấp chiến lược của địch bằng cách vừa làm vừa phá. Ngoài ra, Huyện ủy đẩy mạnh công tác binh vận, đưa con em gia đình cơ sở cách mạng vào lực lượng thanh niên chiến đấu, lực lượng dân vệ canh gác trực tiếp ở các ấp chiến lược. Huyện ủy sử dụng lược lượng này để cung cấp tin tức về địch, đưa đón cán bộ đi hoạt động, tranh thủ các trưởng ấp, phụ tá an ninh các ấp ủng hộ cách mạng hoặc ít nhất hạn chế những hành động gây tội ác của họ với cách mạng và Nhân dân.

Đấu tranh chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy, cùng với hoạt động tuyên truyền, đấu tranh chính trị, Huyện ủy đẩy mạnh các hoạt động quân sự để tiêu hao lực lượng địch, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của Nhân dân: Tổ chức chống càn tại xã Khánh Bình, diệt tên phụ tá ấp an ninh ấp 3 và thiếu úy đại đội 3 biệt kích; trận đánh giành thắng lợi tại ngã ba Đình diễn ra từ ngày 19 - 25/5/1966 của bộ đội địa phương quân huyện Tân Châu - An Phú phối hợp với Tiểu đoàn 267; pháo kích vào nhiều đồn bốt của địch và diệt nhiều tên ác ôn ở: Nhơn Hội, Vĩnh Hậu…; phát triển phong trào du kích chiến tranh: Du kích xã Phú Hữu treo cờ biểu ngữ tại ấp Phú Thành; du kích xã Phước Hưng rải truyền đơn và đặt mìn giật sập cầu mương Tám Xóm, du kích xã Vĩnh Trường võ trang đến ấp Vĩnh Thạnh họp dân chúng tuyên truyền tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội của Mỹ - ngụy…

Thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mỹ - ngụy chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thực hiện quyết định của Tỉnh ủy mở chiến dịch võ trang tuyên truyền vào vùng tôn giáo và hoạt động ở các xã biên giới, Huyện ủy An Phú đã lãnh, chỉ đạo võ trang tuyên truyền vào vùng đồng bào tín đồ, các chiến sĩ đóng quân ở các xã trọng điểm được Nhân dân tận tình giúp đỡ. Các đơn vị vũ trang địa phương quân huyện phối hợp du kích các xã đánh và gây cho địch nhiều thiệt hại: Chiếm bến đò Hà Bao (Đa Phước), khống chế trục lộ giao thông Cồn Tiên - An Phú, đánh địch ở ấp Vĩnh Trinh (Vĩnh Hậu); bẻ gãy cuộc càn của địch vào căn cứ B1; đánh bại trận càn của Tiểu đoàn 538 gồm 200 tên do Mỹ chỉ huy, có pháo binh, phản lực, 6 trực thăng chiến đấu yểm trợ. Nhân dân An Phú tham gia tích cực các cuộc đấu tranh do cách mạng tổ chức, đoàn kết giúp đỡ nhau sản xuất. Ngoài ra, còn hàng ngàn quần chúng đấu tranh riêng lẻ, chống bình định cấp tốc của địch, chống rào đường, chống nạn mù chữ. Riêng ở ấp Phú Hiệp (xã Phú Hữu), hơn 2/3 quần chúng được tổ chức thành 8 “nhóm tự quản” và loại trừ các phần tử xấu…

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Nhân dân An Phú dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy đã giải phóng toàn huyện, thu được 3 ngàn súng ống các loại, 5 tấn đạn dược, 100 máy truyền tin của Mỹ, 3 xe tải quân sự GMC, 2 xe tải quân sự nhẹ, 3 xe Jeep và 1 xe du lịch. Huyện đã tổ chức cho trên 3.000 ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo tại chỗ.

Với những thành tích đạt được, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện An Phú xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng./.

KIM TUYẾN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40078105