Truy cập hiện tại

Đang có 142 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Di tích lịch sử cách mạng Cốc Đạo Cậy

(TUAG)- Cốc Đạo Cậy toạ lạc tại ấp Hưng Trung, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Từ kênh 15 của tỉnh lộ 945 xuôi theo kênh Cốc khoảng 3 km là đến Cốc Đạo Cậy.



Quá trình hình thành và phát triển Cốc Đạo Cậy

Năm 1929, Cốc được thành lập bởi ông Phan Văn Cậy (1872 – 1952) quê xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang về vùng đất Láng Linh – Bảy Thưa khai khẩn đất hoang sản xuất và xây dựng Cốc. Ban đầu, Cốc xây dựng đơn sơ, bộ khung bằng gỗ tràm, lợp lá, vách lá, nền đất. Qua nhiều lần sửa chữa, đến năm 2019, Cốc được đại trùng tu kiên cố, mở rộng, nâng cao các hạn mục gồm: Chánh điện, hậu tổ, đông lang, tây lang, nhà khách, nhà khói. Bộ cột, kèo, đòn tay được làm bằng gỗ cà chắt, căm xe, mái lợp thiếc màu, vách thiếc, nền lót gạch men; xây dựng lại cổng và xây dựng mới khu nhà vệ sinh; kinh phí trên 1,4 tỷ đồng do Bảo tàng tỉnh An Giang tài trợ và Nhân dân đóng góp.

Những hoạt động cách mạng tại Cốc Đạo Cậy

Ông Phan Văn Cậy rất ngưỡng mộ Đức Quản cơ Trần Văn Thành, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867 – 1873) và nghĩa quân trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1893, ông Cậy quy y ông Trần Văn Nhu(1) (1847 - 1914), thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và được ông Nhu hướng dẫn vào vùng trung tâm Láng Linh - Bảy Thưa dựng trại ruộng để khai hoang sản xuất.

Ngày 21-22/ 02/1913 (âm lịch, năm Quý sửu), ông Nhu cùng Nhân dân đang làm lễ tưởng niệm Đức Quản Cơ Thành và các nghĩa quân tại Bửu Hương Tự(2) thì bị quân Pháp bao vây, bắt người và đốt chùa. Ông Nhu được ông Phan Văn Cậy và vài người bảo vệ chạy thoát khỏi vòng vây. Sau khi đi ẩn nhiều nơi, ngày 25 tháng 3 âm lịch năm Giáp Dần (1914), ông Nhu mất tại Trà Bang (Rạch Giá), hưởng thọ 67 tuổi.

Sau khi ông Nhu mất, ông Cậy trở lại Láng Linh – Bảy Thưa tiếp tục khai hoang sản xuất, tập hợp lực lượng chờ thời cơ đứng lên chống Pháp.

Năm 1929 (Kỷ Tỵ), ông Phan Văn Cậy dựng Cốc tại vị trí như hiện nay, vừa làm nơi ở, vừa làm nơi tu niệm, xem mạch, hốt thuốc trị bệnh và tiếp tục khai mở đất hoang để tăng gia sản xuất. Ông Cậy luôn nêu cao tinh thần yêu nước và nuôi ý chí chống giặc Pháp.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, ông Phan Văn Cậy sớm giác ngộ cách mạng và hưởng ứng các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp do Đảng bộ huyện Châu Phú lãnh đạo. Ông Cậy đã cho cán bộ cách mạng mượn Cốc để làm căn cứ hoạt động, tuyên truyền đường lối đấu tranh của Đảng, tập hợp lực lượng nòng cốt cho cách mạng.

Ngày 13/11/1952 (năm Nhâm Thìn), ông Phan Văn Cậy mất, các con, các cháu của ông tiếp tục duy trì truyền thống yêu nước, sẵn sàng cống hiến cho cách mạng, che chở cho cán bộ cách mạng, cho lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng. Chính vì vậy, Cốc Đạo Cậy là nơi có rất nhiều cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh trú ẩn an toàn như: Đồng chí Lê Tín Đôn – Bí thư Tỉnh ủy Long Xuyên; Nguyễn Văn Kỉnh - Bí thư Huyện ủy Châu Phú; Nguyễn Văn Trinh - Bí thư Huyện ủy Châu Phú; Tô Sĩ Hồng - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Phú, Nguyễn Chí Linh (Năm Mới) - Huyện ủy viên, Khưu Văn Ân - cán bộ dân vận Huyện ủy Châu Phú…

Tại vùng lõm cách mạng Cốc Đạo Cậy có nhiều cán bộ cách mạng tại chỗ trưởng thành như: Đào Hữu Cảnh - Phó Bí thư Huyện ủy, Huyện đội trưởng Châu Phú - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; liệt sĩ Dương Văn Hầu - Bí thư Chi bộ xã Thạnh Mỹ Tây(3) (từ năm 1959 đến năm 1961), Trần Quang Minh (Tư Chiêm) - Bí thư Chi bộ xã Thạnh Mỹ Tây (từ năm 1961 đến năm 1962), và Nguyễn Phước Do - Bí thư Chi bộ xã Thạnh Mỹ Tây (từ năm 1969 đến năm 1971); hàng chục liệt sĩ và nhiều hộ gia đình chính sách có công nuôi chứa cán bộ cách mạng, trong đó có 03 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Nguyễn Thị Lự, Nguyễn Thị Hui và Lê Thị Nghệ.

Ngoài ra, Cốc Đạo Cậy được xem như là doanh trại bộ đội của huyện, cung cấp lương thực, xuồng ghe và bảo vệ an toàn cơ quan Huyện ủy đóng tại đây. Biết được Cốc Đạo Cậy là căn cứ địa cách mạng của huyện, kẻ địch tăng cường tấn công vũ trang nhằm triệt phá lực lượng cách mạng nhưng chúng nhiều lần bị thất bại.

Tháng 11/1961, đồng chí Nguyễn Thị Định (Ba Định), Khu ủy viên Khu 8 xuống An Giang công tác, đi ngang xã Thạnh Mỹ Tây bị quân địch phục kích. Một tiểu đội của Tiểu đoàn 512 cùng 8 du kích Thạnh Mỹ Tây chặn đánh địch tại Cầu Bò (Cốc Đạo Cậy) bảo vệ đồng chí Nguyễn Thị Định về căn cứ Huyện ủy Châu Phú (B2) an toàn.

Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Phú có ghi, nơi đây từng diễn ra những trận đánh tạo nên chiến tích vẻ vang của lực lượng vũ trang Châu Phú qua các thời kỳ. Trong đó, có trận đánh chống càn diễn ra vào ngày 10/10/1962, do Đào Hữu Cảnh chỉ huy lực lượng vũ trang huyện Châu Phú tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch. Trận chống càn tại Cốc Đạo Cậy khi đó đã làm nức lòng đồng bào, lực lượng vũ trang Châu Phú và tác động lớn đến tinh thần binh sĩ quân địch ở Tiểu khu Châu Đốc, Chi khu Châu Phú, nhất là các đồn địch ở các xã lân cận. Những trận đánh do lực lượng vũ trang Châu Phú thực hiện tại Cốc Đạo Cậy trong thời điểm ấy đã khích lệ tinh thần sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng và để lại những bài học kinh nghiệm trong chiến đấu về quá trình hành động khẩn trương, nhanh chóng giành thế chủ động trước quân địch và tinh thần kiên quyết, táo bạo, tiến công dũng mãnh của quân ta.

Ngày 18/6/2004, Cốc Đạo Cậy xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cấp “Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh - Di tích lịch sử cách mạng Cốc Đạo Cậy”./.

_________________

(1)- Ông Nhu con trưởng nam của Đức Quản cơ Trần Văn Thành.
(2)- Bửu Hương Tự do ông Nhu xây dựng từ năm 1897.
(3)- Năm 1984, xã Đào Hữu Cảnh được lập mới, tách ra từ xã Thạnh Mỹ Tây.

Đoàn Văn Hiển

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam