Làm theo gương Bác Hồ
Anh công nhân quét rác đáng kính
- Được đăng: Chủ nhật, 27 Tháng 8 2017 15:49
- Lượt xem: 2562
(TGAG)- Công nhân vệ sinh - những con người thầm lặng với những công việc thầm lặng. Có mấy ai nhớ đến họ đã cặm cụi trên những đường phố, con hẻm, mặc nắng gió, mưa bão - ngày cũng như đêm - góp phần tạo vẻ mỹ quan cho thành phố Long Xuyên. Những con người ấy rất đáng được trân trọng biết bao…
Bắt đầu công việc khi người khác đã và đang trong giấc ngủ, khi thành phố Long Xuyên vẫn còn say trong giấc nồng, anh Nguyễn Công Trang, sinh năm 1970, công nhân quét rác thuộc Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị tỉnh An Giang, phụ trách quét dọn vệ sinh trên trục đường dài khoảng 2,5 km từ đường Nguyễn Du đến Trần Quốc Toản, đang kỹ lưỡng quét và gom từng chiếc lá, cái bọc ny-lon trên mặt đường. Công việc lao công của anh ngoài việc chấp nhận sự hôi hám, độc hại rất ảnh hưởng đến sức khỏe, còn có những mối nguy hiểm của bóng đêm rình rập và cũng còn biết bao những thiệt thòi chưa kể hết…
Giống như hầu hết công nhân làm nghề lao công, anh Nguyễn Công Trang cũng có một gia cảnh nghèo khó: Một vợ và ba đứa con. Có lẽ số phận đã định đoạt sẵn cho hoàn cảnh của anh cái nghề công nhân, đến đứa con gái đầu lòng sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán cũng đi làm công nhân may mặc cho một công ty tư nhân. Còn vợ anh sớm mất sức lao động, nên công việc chính cũng chỉ là nội trợ và phụ giúp cho anh quét rác trên đoạn đường anh được phân công trong những lúc trái gió trở trời, sức khỏe không đảm bảo.
Tiếp xúc với anh mới thấy yêu quý và cảm phục về sự trong sạch, lương thiện ở nhân cách của anh - người lao động bình dị nhưng chân chính với cái nghề mà một số người chỉ cần nghe hai tiếng “vệ sinh” và trông thấy xe rác là họ đã tránh xa, bịt mũi… Với anh, tuy có lúc cũng rất mặc cảm, nhưng anh cho rằng mỗi người đều có những vất vả khác nhau và anh rất tự hào về công việc của mình. Anh nói: “Nghề nào cũng là nghề vì đều đóng góp cho xã hội. Nhờ công việc này, gia đình tôi có được mái nhà và thu nhập tương đối ổn định. Không những thế tôi còn tự hào vì góp phần làm sạch đẹp đường phố”.
Rạng sáng một ngày cuối tháng 10-2016, khi đang quét dọn vệ sinh trên đường Trần Quốc Toản, anh nhặt được một cái ví da nằm ven đường. Tưởng là cái ví ai đó quăng bỏ, anh nhặt lên định bỏ vào xe rác, nhưng khi anh mở ra thì thấy có tiền và vàng trong ví. Đoán là của ai đánh rơi nên anh treo vào xe để sáng ra tìm cách trả lại.
Tan ca, anh Trang kiểm tra chiếc ví da. Lúc đó anh mới biết trong ví có 3,5 triệu đồng, một chỉ vàng bốn số chín, cùng giấy chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế, v.v… của một bà cụ trên 80 tuổi ngụ ở phường Mỹ Bình. Từ thông tin trên giấy tờ, anh Trang liên lạc được với người đánh rơi. Chủ nhân chiếc ví da rất vui mừng khi nhận lại đầy đủ giấy tờ, tiền bạc và ngỏ ý muốn tặng anh một ít tiền nhưng anh nhẹ nhàng từ chối.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị tỉnh An Giang, gia đình anh Nguyễn Công Trang thuộc diện khó khăn, vợ ở nhà nội trợ là chính, cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng lương của anh và con gái lớn. Anh Trang làm việc tại đây hơn 13 năm, rất chăm chỉ, hòa đồng, khiêm tốn… Hằng năm anh đều được lãnh đạo Công ty đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều Giấy khen của Công ty, trong đó có 3 năm được công nhận là “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; năm 2016 anh cũng được Công ty tuyên dương và khen thưởng kịp thời qua hành động trả lại của rơi…
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là vấn đề quá cao siêu, trừu tượng, mà đó chính là những hành động hằng ngày trong mỗi con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”. Vì vậy, tấm gương “nghèo mà không tham” của anh Nguyễn Công Trang thật đáng kính trọng biết bao./.
Bắt đầu công việc khi người khác đã và đang trong giấc ngủ, khi thành phố Long Xuyên vẫn còn say trong giấc nồng, anh Nguyễn Công Trang, sinh năm 1970, công nhân quét rác thuộc Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị tỉnh An Giang, phụ trách quét dọn vệ sinh trên trục đường dài khoảng 2,5 km từ đường Nguyễn Du đến Trần Quốc Toản, đang kỹ lưỡng quét và gom từng chiếc lá, cái bọc ny-lon trên mặt đường. Công việc lao công của anh ngoài việc chấp nhận sự hôi hám, độc hại rất ảnh hưởng đến sức khỏe, còn có những mối nguy hiểm của bóng đêm rình rập và cũng còn biết bao những thiệt thòi chưa kể hết…
Giống như hầu hết công nhân làm nghề lao công, anh Nguyễn Công Trang cũng có một gia cảnh nghèo khó: Một vợ và ba đứa con. Có lẽ số phận đã định đoạt sẵn cho hoàn cảnh của anh cái nghề công nhân, đến đứa con gái đầu lòng sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán cũng đi làm công nhân may mặc cho một công ty tư nhân. Còn vợ anh sớm mất sức lao động, nên công việc chính cũng chỉ là nội trợ và phụ giúp cho anh quét rác trên đoạn đường anh được phân công trong những lúc trái gió trở trời, sức khỏe không đảm bảo.
Tiếp xúc với anh mới thấy yêu quý và cảm phục về sự trong sạch, lương thiện ở nhân cách của anh - người lao động bình dị nhưng chân chính với cái nghề mà một số người chỉ cần nghe hai tiếng “vệ sinh” và trông thấy xe rác là họ đã tránh xa, bịt mũi… Với anh, tuy có lúc cũng rất mặc cảm, nhưng anh cho rằng mỗi người đều có những vất vả khác nhau và anh rất tự hào về công việc của mình. Anh nói: “Nghề nào cũng là nghề vì đều đóng góp cho xã hội. Nhờ công việc này, gia đình tôi có được mái nhà và thu nhập tương đối ổn định. Không những thế tôi còn tự hào vì góp phần làm sạch đẹp đường phố”.
Rạng sáng một ngày cuối tháng 10-2016, khi đang quét dọn vệ sinh trên đường Trần Quốc Toản, anh nhặt được một cái ví da nằm ven đường. Tưởng là cái ví ai đó quăng bỏ, anh nhặt lên định bỏ vào xe rác, nhưng khi anh mở ra thì thấy có tiền và vàng trong ví. Đoán là của ai đánh rơi nên anh treo vào xe để sáng ra tìm cách trả lại.
Tan ca, anh Trang kiểm tra chiếc ví da. Lúc đó anh mới biết trong ví có 3,5 triệu đồng, một chỉ vàng bốn số chín, cùng giấy chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế, v.v… của một bà cụ trên 80 tuổi ngụ ở phường Mỹ Bình. Từ thông tin trên giấy tờ, anh Trang liên lạc được với người đánh rơi. Chủ nhân chiếc ví da rất vui mừng khi nhận lại đầy đủ giấy tờ, tiền bạc và ngỏ ý muốn tặng anh một ít tiền nhưng anh nhẹ nhàng từ chối.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị tỉnh An Giang, gia đình anh Nguyễn Công Trang thuộc diện khó khăn, vợ ở nhà nội trợ là chính, cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng lương của anh và con gái lớn. Anh Trang làm việc tại đây hơn 13 năm, rất chăm chỉ, hòa đồng, khiêm tốn… Hằng năm anh đều được lãnh đạo Công ty đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều Giấy khen của Công ty, trong đó có 3 năm được công nhận là “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; năm 2016 anh cũng được Công ty tuyên dương và khen thưởng kịp thời qua hành động trả lại của rơi…
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là vấn đề quá cao siêu, trừu tượng, mà đó chính là những hành động hằng ngày trong mỗi con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”. Vì vậy, tấm gương “nghèo mà không tham” của anh Nguyễn Công Trang thật đáng kính trọng biết bao./.
Hồ Thanh Trường
TBTGĐU. Khối Doanh nghiệp