Truy cập hiện tại

Đang có 51 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Bản lĩnh Hồ Chí Minh

(TGAG)- Trong cảnh nước mất nhà tan, Hồ Chí Minh từ rất sớm đã hình thành hoài bão “giúp dân - cứu nước”. Trả lời nhà văn Mỹ Anna Louise Strong, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp, Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Cần nhấn mạnh điều này: Trên thế giới, không phải chỉ có Việt Nam là xứ thuộc địa cần phải giải phóng, mà nhiều dân tộc thuộc địa khác cũng đang rất khát khao nhu cầu giải phóng, đã có biết bao đại biểu tìm đường. Ở Việt Nam, trước Nguyễn Ái Quốc cũng đã có nhiều người xuất dương tìm đường. Nhưng tất cả tìm mà không thấy, bi kịch lớn, thử thách lớn - sự thử thách về trí tuệ: “Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”...

Nhưng so với nhiều người đi trước, quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành đã để lại cho hậu thế, nhất là thanh niên một bài học lớn: Quyết tâm vượt qua, vượt lên chính mình; vượt lên hoàn cảnh.

Mặc dù sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, nhưng Nguyễn Tất Thành đã không tìm con đường cứu nước theo các tín điều Nho giáo. Vượt qua tư tưởng Trung quân-ái quốc - một cản trở không nhỏ về ý thức hệ, không dễ vượt qua!

Không những vậy, Nguyễn Tất Thành bước đầu còn nhận ra những hạn chế của lập trường dân chủ tư sản Việt Nam; sớm thấy được ngọn cờ dân chủ tư sản không đủ sức tập hợp lực lượng để chống lại chủ nghĩa thực dân.

Có một sự thôi thúc mãnh liệt, sự thôi thúc của trí tuệ, khát khao yêu nước thương dân mãnh liệt đã thúc đẩy Người quyết tâm ra đi! Trả lời phỏng vấn một nhà báo Nga, Người đã nói: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ tự do, bình đẳng và bác ái... và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm hiểu xem những gì ẩn giấu những từ ấy”.

Năm 1912, đặt chân đến nước Mỹ. Nguyễn Tất Thành đã có dịp tìm hiểu về cuộc cách mạng tư sản Mỹ. Tuy nhiên, càng tìm hiểu cụ thể hơn thì Nguyễn Tất Thành lại càng nhận thấy trong thực tế sự bất bình đẳng, nạn phân biệt chủng tộc và đời sống đói nghèo, đau khổ của hàng triệu người lao động. Khi đến thăm tượng Nữ thần tự do ở thành phố NewYork, Nguyễn Tất Thành đã viết: “Ánh sáng trên đầu thần tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân thần tự do thì người da đen đang bị chà đạp, số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”.

Năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời nước Mỹ để đến nước Anh, một đất nước có nhiều thuộc địa nhất thế giới. Người có thêm sự hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư bản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa.

Nguyễn Tất Thành đã đặt chân đến các nước đế quốc đầu sỏ. Người đã thấy rõ sự trái ngược giữa thực tiễn bị áp bức, bóc lột của nhân dân lao động với lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái... Bắt đầu từ thực tiễn, thấm dầy thực tiễn. Người đã tự mình đi đến kết luận: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột...”.

Quan trọng hơn, Người đã rút ra những nhận xét sâu sắc về tính chất không triệt để của các cuộc cách mạng tư sản, Người cho rằng: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”. Còn: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mạng Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”.

Cuối năm 1917 Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Tháng 7 năm 1920 Người đã đọc được sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, đã giải đáp cho Người con đường giành độc lập dân tộc. Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, đứng hẳn về Quốc tế thứ ba. Người khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”.

Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính. Từ những trải nghiệm thực tiễn, Hồ Chí Minh có được tầm nhìn xa, trông rộng. Người đã quyết định lựa chọn đưa dân tộc Việt Nam đi theo con đường cách mạng đúng đắn. Chính nó đã trực tiếp dựng nên Đảng ta, làm nên những thắng lợi vĩ đại.

Đảng ta đã tổng kết, một trong những bài học kinh nghiệm lớn là nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
LÊ CHÍ THÀNH
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40014160