Truy cập hiện tại

Đang có 67 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Học tập chuyên đề năm 2017 - Phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

(TGAG)- Nghiên cứu Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chúng ta thấy “suy thoái” do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chính là từ bản thân cán bộ, đảng viên mà chủ yếu là do chủ nghĩa cá nhân gây ra!
 

Bác Hồ chỉ ra những tiêu cực nảy sinh trong nội bộ có nguồn gốc từ chủ nghĩa cá nhân, mà ngày nay chúng ta gọi là “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là vấn đề cụ thể nhưng cũng rất trừu tượng, đụng chạm quyền lợi nhiều người. Bác nêu nhiều quan niệm với hình tượng cụ thể, so sánh và quan điểm xử lý vấn đề dễ hiểu, dễ học, dễ sửa, dễ làm theo, thuyết phục...

Về suy thoái tư tưởng chính trị, Bác phê phán chỉ rõ phải đấu tranh với những chuyện thờ ơ trước những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái: “Nghe những lời bình luận không đúng cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”. Bác phê phán những đảng viên lười học chính trị, sẽ dẫn đến dao động, thiếu lý tưởng cách mạng “Nếu chỉ có công tác thực tế, mà không có lý tưởng cách mạng thì cũng không phải là người đảng viên tốt. như thế chỉ là người sự vụ chủ nghĩa tầm thường”. Bác rất kiên quyết với việc không chấp hành những nguyên tắc tổ chức của Đảng “vô kỷ luật”, “kỷ luật không nghiêm”.

Bác chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong đấu tranh tự phê bình và phê bình mà ngày nay chúng ta còn mắc phải bệnh hình thức: “Đối với người khác thì phê bình đúng đắn, nhưng tự phê bình thì rất ôn hòa”; “Đối với người khác thì rất “mácxít”, đối với bản thân mình thì mắc vào chủ nghĩa tự do”. Bác ân cần khuyên bảo “phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực... Thuốc phải nhắm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bươi móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Cũng không nên trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”.

Bác chỉ ra rất nhiều điều, phê phán và kiên quyết phải đấu tranh: “Lại có người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái”. Hay có người “Tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết”. Bác chỉ ra: “Trong Đảng ta có một số không ít đồng chí mắc bệnh công thần, cho rằng mình đã tham gia cách mạng lâu năm là tự kiêu, tự mãn. Hoạt động cách mạng lâu năm là tốt, nhưng phải khiêm tốn học tập để tiến bộ mãi”. Người yêu cầu “Phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị. Nó đẻ ra nhiều cái xấu... dẫn đến tệ bảo thủ, quan liêu, tham ô, lãng phí, sợ khó, sợ khổ, thấy khó khăn thì đâm ra tiêu cực, bi quan”.  Sẽ dẫn đến “Bệnh cận thị - không trông xa, thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những vấn đề tỉ mỉ”; “Tự tung - kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải vì việc riêng của dòng họ ai”. Hay “Một người làm nên cả họ được nhờ”...

Bác bàn nhiều về sự suy thoái đạo đức, lối sống. Thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo thu vén cá nhân, ganh ghét, đố kỵ, so bì mà Người gọi là “Bệnh hẹp hòi - ở trong Đảng thì không biết cất nhắc người tốt, sợ người ta hơn mình, ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo hơn mình”: “Bệnh tham lam - đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó chỉ “tự tư, tự lợi”. Dùng của công làm của tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt sa hoa, tiêu sài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đông bào”; “Còn có những đồng chí chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư, đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc”.

Từ suy thoái dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bác chỉ ra những cán bộ, đảng viên: “Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó mà họ mắc những sai lầm: kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền, bát gạo, mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa với Đảng, xa với quần chúng. Dần dần họ mất cả tư cách và đạo đức cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ và Nhân dân”. Ngày nay, đó là những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; thoái hóa, biến chất “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từ kinh tế dẫn đến chính trị, tư tưởng và hành động phản cách mạng; từ tham nhũng đến làm tay sai cho kẻ thù, chống Đảng, phản sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Những vấn đề mà Bác Hồ chỉ ra và dạy cho chúng ta về phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nó do chủ nghĩa cá nhân gây ra. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải dựa vào tổ chức sinh hoạt, phát huy tính tự giác, tự lực, tự rèn luyện, sửa chữa, khắc phục và phải làm liên tục, bền bỉ, lâu dài, thường xuyên như “đánh răng, rửa mặt” hằng ngày.

LÊ HỒNG KHÂM
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40704137