Truy cập hiện tại

Đang có 489 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Học Bác làm dân vận

(TUAG)- Đã từ lâu, Cù lao Giêng (thuộc huyện Chợ Mới, An Giang) được biết đến như một vùng đất ẩn chứa nhiều trầm tích. Bởi nơi đây, từ lâu đã có nhiều cơ sở tôn giáo lớn, lưu dấu nhiều chức sắc tôn giáo nổi tiếng. Không ai bảo ai nhưng tất cả các trầm tích ấy đã hình thành một khối mặt trận đoàn kết vững chắc, xây dựng và bảo vệ từng tấc đất quê hương trong suốt hai cuộc chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, tinh thần đoàn kết giữa các tín đồ, chức sắc tôn giáo chung tay với chính quyền địa phương càng thể hiện rõ hơn trong những hoạt động đạo sự, giúp đời, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển chung của mảnh đất “đệ nhất cù lao”.

Tuy cách xa huyện lỵ, tỉnh lỵ, ngăn cách đất liền bởi bốn mặt đều là sông nhưng đời sống tinh thần, vật chất nhân dân Cù lao Giêng vẫn không cách xa mấy so với những nơi khác. Có thể nói, Cù lao Giêng là cù lao duy nhất của cả tỉnh có 3/3 xã đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đều được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Được vậy, không thể không kể đến đồng bào tín đồ Công giáo ở xứ cù lao “thánh địa cổ kín” này.


Một góc xóm đạo cù lao Giêng.

Anh Trần Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Tấn Mỹ nói, chúng tôi luôn nhớ lời Bác dạy, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; chính vì vậy, công tác xây dựng quê hương không thể thiếu việc vận động quần chúng. Từ sự gần gũi, tôn trọng và lắng nghe Nhân dân cũng như các chức sắc tôn giáo, chúng tôi xây dựng nông thôn mới thành công là nhờ xây dựng từ "ý Đảng lòng Dân". Bởi những tiêu chí được xây dựng từ sự chung tay giữa chính quyền - chức sắc, trí thức và nhân dân. Điều đó được thể hiện rõ trong việc xây dựng “nghĩa trang nhân dân” - một trong những tiêu chí xét công nhận Nông thôn mới, cũng là nỗi canh cánh của chính quyền địa phương trong suốt thời gian dài.

Vậy là những lần đến thăm, các cán bộ xã thường trình bày cho các linh mục, dì phước… nghe những việc đang làm của địa phương và nỗi canh cánh “nghĩa trang nhân dân” còn đang dang dở. Chính từ sự gần gũi và tin tưởng, các linh mục rất đồng tình và cùng chung sức với chính quyền địa phương. Không lâu sau, linh mục Bosco Nguyễn Văn Đình cho hay, thông qua nhiều nguồn trong và ngoài giáo xứ, ông đã vận động đủ số tiền và nhờ Ủy ban nhân dân xã tìm giúp một mảnh đất phù hợp để mua, làm nghĩa trang nhân dân cho xã.

Anh Dũng nói, khi nghe linh mục thông báo về việc mua và hiến đất nghĩa trang, anh em chúng tôi vừa mừng và vừa thở phào nhẹ nhõm. Thấy được linh mục và địa phương mua mảnh đất vườn 4.900 m2, nhiều bà con trong và ngoài giáo dân mạnh dạng đóng góp thêm hàng trăm triệu đồng để tu bổ, làm mặt bằng và làm hàng rào cho nghĩa trang. Đến nay nghĩa trang nhân dân xã Tấn Mỹ đã hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào sử dụng, không chỉ góp phần xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới mà còn cho thấy công tác vận động quần chúng và lan tỏa từ phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của địa phương được thể hiện thêm rõ nét.

“Nhưng không chỉ có nghĩa trang từ thiện…” - anh Dũng dắt chúng tôi đến cách đó không xa, một trại hòm từ thiện do thầy Hồ Văn Thưởng (nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Tấn Mỹ, tiền thân là ngôi trường dạy trẻ của họ đạo) sáng lập và quản lý. Gặp thầy Thưởng tại trại hòm từ thiện, nằm trong khuôn viên một mảnh đất vườn của giáo dân. Thầy vừa sắp những tấm ván phơi trước sân, vừa nói “thật ra mình ên tôi thì cũng không làm được gì, còn có nhà chùa và các anh em trong ngoài giáo xứ nữa”. Thầy kể, khi về hưu được vài tháng, thấy mình vẫn còn khỏe để đóng góp cho xã hội, đặc biệt là quê hương mình. Được sự vận động của các anh em trong xã và sự giúp đỡ nhiệt tình của một người con xa quê là bác sĩ Trần Hoàng Út (hiện đang công tác tại bện viện Nhi đồng TP.HCM), thầy Thưởng nhận kinh phí từ bác sĩ Út và cùng một số anh em khác, mượn mảnh đất này, lập ra trại hòm từ thiện. Ban đầu tất cả cây cối vật dụng đều phải tìm mua từ nhiều nơi khá vất vả. Thấy vậy, anh em ở xã cùng thầy vận động người dân trong địa phương, các linh mục ở nhà thờ cũng tiếp vận động giáo dân, dần dần nhiều người biết được, không ngại tặng cây và góp công sức tham gia cùng. Vậy là hơn 5 năm qua, trại hòm từ thiện của thầy Thưởng đã giúp hòm và đồ mai tán cho hơn 200 trường hợp cơ nhỡ, khó khăn… trong và ngoài giáo xứ. Thầy nói vui, “cây bà con cho, tụi tôi để ngâm nước dưới mé sông đến giờ, để xài 5 năm nữa chưa hết”… Điều đó làm chúng tôi nhận ra, công tác vận động quần chúng không chỉ ở một hay một số cá nhân tiêu biểu, mà chính từ những cá nhân đó lại tiếp tục lan tỏa đến nhiều và nhiều cá nhân khác nữa…

Tạm biệt thầy Thưởng, chúng tôi đến thăm tu viện Chúa Quan Phòng. Vừa bước vào cánh cổng, anh Dũng chỉ tay về phía trái nói, đây là vườn trồng thuốc Nam, với nhiều loại dược liệu được các dì tìm kiếm từ nhiều nơi đem về trồng. Tạo nguồn đông dược để phục vụ điều trị cho các bệnh nhân”. Cuối tuần, tu viện tập trung khá đông bệnh nhân đến để chờ khám bệnh và tặng thuốc. Dì Phạm Thị Mầu, y sĩ chính phòng khám Nhân Ái của tu viện mời chúng tôi dùng “đặc sản” là nước nấu từ cây thuốc trồng ở vườn dược liệu. Dì nói, nhiệm vụ phụng sự đức tin của đạo luôn gắn liền với đời sống không chỉ của các tín đồ trong đạo mà còn mở rộng ra toàn xã hội. Do vậy nên, khi được bề trên cho về tu viện, với kiến thức học được từ trường y dược, dì xin phép lập phòng khám với ý nguyện giúp đỡ nhiều hơn nữa những người bệnh tật, nghèo khó ở xứ cù lao này.

Từ một phòng khám đơn sơ, sau gần 20 năm qua dì Mầu đã vận động nhiều nơi, dần dần mở rộng thêm nhiều trang thiết bị châm cứu, máy điều trị bằng Laser nội mạch, các giống thuốc đông dược… để có thể điều trị đông tây y kết hợp với nhiều phương pháp khác nhau. Không chỉ hoạt động trong phòng khám Nhân Ái, dì Mầu còn phối hợp cùng trạm xá của xã, thường xuyên thăm khám và cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở khắp cù lao. Riêng cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần thì thực hiện cấp phát thuốc tại phòng khám của tu viện cho gần 100 bệnh nhân ở cù lao. Nguồn kinh phí hoạt động đều do dì vận động nhiều nơi, hoặc một số bệnh nhân góp lại một phần cho phòng khám.

Cứ mỗi chi tiết, dì và các anh em cán bộ của xã lại nhắc nhớ đến một vài người; đó là một hộ nghèo, bệnh nặng được các anh em ở xã giới thiệu đến dì, hoặc một đối tượng bệnh gan nhưng lại nghiện rượu, “bất trị” cũng được đưa đến điều trị và cảm hóa bằng tình thương Thiên Chúa. Hay chuyện những đứa trẻ trong xóm đạo, mỗi khi đến khám bệnh đều được dì dạy dỗ và động viên các em chăm ngoan, học tập.

Không những vậy, các dì ở tu viện còn lập ra một nhà may, nhận dạy miễn phí cho thanh thiếu niên và những người có hoàn cảnh khó khăn. Dì Bạch Phượng (người phụ trách nhà may) nói với chúng tôi, nhiều em ở đây lớn lên do nhà nghèo nên không được học nghề, mà không có nghề thì cũng khó đi làm ở các công ty; những em bị khuyết tật khi đi học nghề hay đi làm người ta rất ngại nhận. Bên cạnh đó nhiều chị em vì hoàn cảnh gia đình, không thể đi xa để làm. Vậy nên các dì lập ra nhà may vừa dạy việc miễn phí, vừa tạo việc làm cho các chị em. Trung bình khi thạo nghề, mỗi chị em có thể thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Nhà may của tu viện lúc nào cũng có từ 10 – 20 học viên, luân phiên nhau suốt mấy năm qua; vừa giải quyết một phần không nhỏ cho lao động địa phương, vừa giúp các em thanh thiếu niên, kể cả các em khuyết tật có nơi học nghề như ngôi nhà tình thương chung; tránh xa các tệ nạn xã hội.


Dì Phạm Thị Mầu đang điều trị châm cứu miễn phí tại phòng khám Nhân Ái của tu viện Phanxico.

Ngoài các dì ở tu viện Chúa Quan Phòng thì các linh mục ở họ đạo cù lao Giêng cũng đóng góp không nhỏ cho công tác xây dựng địa phương nói chung và công tác giáo dục nói riêng. Các linh mục thường xuyên gắn kết với chính quyền địa phương và nhà trường, thường xuyên theo dõi tình hình học tập của con em giáo dân; động viên kịp thời và hiệu quả những học sinh nghỉ học, tiếp sức các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Ngoài ra các linh mục còn vận động xây dựng học bổng khuyến khích các em vượt khó học tập. Do vậy mà tổng kết tình hình học sinh ở cù lao Giêng những năm gần đây, rất ít trường hợp học sinh bỏ học. Bên cạnh đó, với những điều răn dạy của đức tin, các linh mục đã hướng giáo dân sống “kính Chúa, thương người”, sống và làm việc theo pháp luật, tránh xa các tệ nạn xã hội…

Từng cán bộ dân vận ở cù lao Giêng, thực hành theo gương Bác từ việc học “sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên bình dị và gần gũi của Người” (Lời nhà nghiên cứu Hélène Tourmaire nói về Bác). Chính quyền địa phương ở cù lao Giêng nhiều năm qua hết sức lắng nghe, gần gũi và tạo được tình cảm tốt đẹp, đoàn kết giữa đồng bào công giáo với chính quyền địa phương, cùng chung tay xây dựng quê hương chính là việc làm thiết thực, cụ thể hóa quan điểm Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 (khóa IX): “Tập hợp đông đảo các tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước”.

Cầu Mỹ Luông - Tấn Mỹ bắt qua sông Tiền, nối liền cù lao Giêng với con lộ huyết mạch của huyện. Cây cầu làm chúng tôi liên tưởng đến một miền xanh trù phú. Tinh thần đoàn kết giữa các tín đồ tôn giáo và chính quyền, nhân dân địa phương như viên ngọc trầm tích của miền xanh ấy sáng nữa, sáng mãi suốt những tầng xanh của một vùng xứ sở “đệ nhất” miền Tây.

HUY QUANG
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40543729