Chung tay bảo vệ môi trường
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai
- Được đăng: Chủ nhật, 22 Tháng 8 2021 16:29
- Lượt xem: 2192
Đưa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống:
(TUAG)- An Giang là tỉnh nông nghiệp với diện tích tự nhiên trên 3.536 km2, trong đó, có hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ sinh thái rừng, hệ thống sinh thái nông nghiệp rất phát triển, có lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Dân số An Giang trên 1,9 triệu người, với hơn 65% là lao động nông thôn.Những năm gần đây kinh tế của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân trên đầu người đạt trên 46,8 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93%, thấp hơn bình quân chung cả nước.
Đặc biệt, Chương trình Nghiên cứu phát triển bền vững các vùng sinh thái tỉnh An Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020 đạt nhiều kết quả; nghiệm thu 06 nhiệm vụ khoa học - công nghệ phục vụ phát triển bền vững và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, giảm ô nhiễm môi trường từ khí thải, giảm hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất thải, rác thải, cảnh báo sớm tình hình thời tiết bất lợi và rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước, tạo thêm sinh kế bền vững gắn với sinh thái môi trường.
Áp dụng các chương trình IPM, FPR và 3 giảm - 3 tăng để giảm thiểu tối đa lượng phân thuốc trong trồng trọt và xây dựng các vùng rau sạch, rau an toàn; nâng tỷ lệ hộ nông thôn, trường học, chợ nông thôn có nước sạch và nhà vệ sinh có nhà vệ sinh. Tăng cường quản lý cảnh quan đô thị, phát triển hệ thống cây xanh đô thị, thu gom và xử lý nước thải; đảm bảo các thủ tục về bảo vệ môi trường trong đầu tư, xây dựng.
Kinh phí cho sự nghiệp môi trường tăng hàng năm. Kinh phí bố trí cho giai đoạn 2006 - 2010 là 64.150 triệu đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 432.664 triệu đồng và đến giai đoạn 2015 - 2020 là 424.361 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay tỉnh được Trung ương hỗ trợ một số dự án như: Đóng cửa, xử lý ô nhiễm môi trường 06 bãi rác sinh hoạt; nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế cho 06 cơ sở y tế; xây dựng 27 lò hỏa táng cho các chùa Nam Tông Khmer... Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường đã thu hút nhiều dự án đầu tư xây dựng lớn. Thực hiện nhiều chính sách xã hội hóa trong việc phát triển dịch vụ, du lịch, giao chủ đầu tư thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các đối tượng kinh doanh dịch vụ, du lịch, phối hợp bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch.
Việc thu gom rác thải sinh hoạt đã mở rộng đến 156/156 xã, phường, thị trấn, với lượng thu gom khoảng 820 tấn/ngày (tăng 320 tấn so với năm 2006), trong đó xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường khoảng 500 tấn (so với năm 2006 là 0 tấn). Tỉnh đang đầu tư xây dựng 06 nhà máy xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt hợp vệ sinh, với tổng công suất trên 750 tấn/ngày nhằm giảm áp lực cho các bãi rác. Thời điểm năm 2014, tỉnh có tới 264 cơ sở, khu điểm ô nhiễm môi trường, thì đến cuối năm 2020, chỉ còn lại 38 cơ sở, khu, điểm gây ô nhiễm môi trường, và dự kiến sẽ xử lý dứt điểm từ nay đến năm 2025.
Công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi hậu luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều dự án phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu, chống khan hiếm nguồn nước được triển khai; thực hiện tốt công tác giám sát, cảnh báo sạt lở, hạn hán và tổ chức quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải đã được triển khai có hiệu quả, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm; công tác truyền thông, nâng cao nhận thức môi trường được tổ chức thường xuyên, liên tục và có ý nghĩa thiết thực. Nhận thức và hành động của hầu hết các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực cả về ý thức lẫn hành động, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường hiện nay. Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án, giải pháp, tranh thủ vốn đầu tư của Trung ương, đẩy mạnh xã hội hóa; nâng cao năng lực bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định mục tiêu bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Tăng cường vệ sinh môi trường đô thị và bảo vệ môi trường nông thôn. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và các vấn đề môi trường; nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.
Triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình để bảo vệ tài nguyên nước và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Rà soát, lập quy hoạch bố trí dân cư và tính toán cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư các khu dân cư ở các điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về tích tụ đất đai, xây dựng và triển khai có hiệu quả đề án tạo quỹ đất phục vụ yêu cầu thu hút đầu tư; quản lý chặt chẽ đất công, đất bãi bồi. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ sản xuất sạch, ít chất thải; các mô hình tiêu thụ tiết kiệm, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nguồn vốn cho việc thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên. Tiếp tục duy trì và phát triển các quan hệ đối tác chiến lược và thỏa thuận liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, quản trị nguồn nước, phát triển cơ sở hạ tầng với các đối tác quốc tế.
Nâng cao chất lượng quy hoạch, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đất đai, bảo tồn đa dạng sinh học trên cơ sở quy hoạch tỉnh đến năm 2030. Khoanh định các khu vực cấm và tạm cấm khai thác khoáng sản trên địa bàn tại các khu vực xung yếu.
Hoàn thiện hệ thống xử lí rác thải sinh hoạt theo quy hoạch, phấn đấu các đô thị từ loại III trở lên và đô thị loại IV quy mô dân số lớn có hệ thống xử lí nước thải. Xử lí triệt để các cơ sở gây ô nhiễm. Đầu tư các công trình xử lí chất thải ở các khu, cụm công nghiệp, bệnh viện, khu đô thị, khu chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung./.
NGUYỄN ĐĂNG GIAI
TTCTTT số 8-2021
TTCTTT số 8-2021