Truy cập hiện tại

Đang có 110 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

Học tập là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam

(TUAG)- Người Việt Nam có truyền thống hiếu học và cũng sớm nhận thức thấy việc học là để mở những cánh cửa đến với những chân trời hiểu biết. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. “Một ngày đàng” không chỉ nói về khát vọng của cái tôi cá nhân trải nghiệm, mà đặc biệt nhấn mạnh sự chú tâm và siêng năng, không ngừng học hỏi với một tinh thần cầu thị tiến bộ, hoàn thiện bản thân.
 


Truyền thống hiếu học ấy tự bao đời đã thấm đẫm trong nhận thức của người Việt Nam, kết tinh thành tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sau khi Đảng lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đấu tranh giành tự do và độc lập, trong bản Tuyên ngôn, thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”; đồng thời, Người đặc biệt quan tâm việc nâng cao văn hóa để chấn hưng và phát triển đất nước. Với vốn hiểu biết lý luận và thực tiễn sâu rộng, sau khi giành chính quyền từ một chế độ “nhà tù nhiều hơn trường học” và “thi hành chính sách ngu dân”, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 03-9-1945, khi đề cập “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra sáu “vấn đề cấp bách hơn cả” - trong đó có “Vấn đề thứ hai, nạn dốt”. Nạn dốt làm cho hơn 90% đồng bào Việt Nam mù chữ - đó là sản phẩm của một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân đã dùng để cai trị chúng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Không chỉ trong bối cảnh đó, việc xác định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” thể hiện một nhận thức, một tư tưởng cách mạng, mang tầm vóc thời đại và quốc tế khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời bắt đầu sự nghiệp lãnh đạo một đất nước vừa thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến. Hạnh phúc đầu tiên khi đất nước có nền độc lập là đồng bào được đi học, được thoát khỏi sự tăm tối của cuộc đời để đến với ánh sáng của thế giới tri thức, văn minh. Từ quan điểm đó, trong “Thư gửi các học sinh”, Người khuyên nhủ ân cần và đặt niềm kỳ vọng cao cả của mình vào thế hệ trẻ: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Như vậy, hạnh phúc vô cùng lớn lao của lứa tuổi học sinh - là công dân của một đất nước tự do và độc lập, được đi học, “được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”, để góp phần “kiến thiết” một đất nước từ vị thế “bị yếu hèn” “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”. Phải đặt vào vị thế của một công dân ở bối cảnh đó, mới hiểu được giá trị to lớn vô cùng của “độc lập, tự do” và được giao một trọng trách vô cùng quan trọng như vậy!

Với nhận thức “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngày 04-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học” để khuyến khích toàn dân học tập:
 
“Quốc dân Việt Nam!
Muốn giữ vững nền độc lập,
Muốn làm cho dân mạnh nước giàu,
Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nha Bình dân học vụ đã tổ chức phong trào học tập phát triển khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược; và chỉ trong vòng một năm đã có trên 2,5 triệu người biết chữ, đồng thời các hủ tục cũng dần được xóa bỏ. Hạnh phúc của thành quả đầu tiên ấy đã góp phần quan trọng xây dựng nền móng hệ thống giáo dục phổ thông, chuyên nghiệp, đại học, văn hóa, khoa học kỹ thuật của đất nước. Và cũng từ đấy, lời hiệu triệu và tư tưởng chiến lược “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật trong từng giai đoạn cách mạng Việt Nam, phục vụ quá trình phát triển của đất nước.
 
Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu xa giá trị của việc học tập, nên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến con người, chăm lo phát triển con người. Trả lời các nhà báo nước ngoài sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Người thể hiện rất rõ tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó cũng là thông điệp chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào về mục đích hy sinh phấn đấu suốt đời của mình là vì độc lập, tự do của dân tộc, ấm no, hạnh phúc - trong đó có quyền được học tập của Nhân dân.
 
Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu xa giá trị của việc học tập, nên trong mọi giai đoạn của cách mạng, Người luôn đặt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo thành mục tiêu chiến lược. Người nói:

“Vì lợi ích mười năm thì trồng cây
Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ, hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã được thành lập; hơn 32.000 học sinh đã được học tập, rèn luyện và trưởng thành từ những mái trường này. Đây là “một trang vẻ vang trong lịch sử giáo dục của nước nhà, là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục - đào tạo cách mạng của nước ta” như đánh giá của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong Lễ kỷ niệm 60 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 2014); mà nhiều người trong số đó đã tham gia trực tiếp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, nhiều người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường và khi đất nước thống nhất, phần lớn học sinh miền Nam trở về quê hương, có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng Tổ quốc, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và địa phương.
 
Chính Người cũng tự nêu một tấm gương về học tập. Người từng kể lại: Vào trạc 13 tuổi, lần đầu tiên tôi đã được nghe những từ Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái. Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy. Ham học hỏi, Người luôn tranh thủ mọi điều kiện để học. Những năm tháng bôn ba hải ngoại nhằm theo đuổi chí lớn đến cùng, Người đã làm đủ các nghề để sống: khi làm bồi bếp trên tàu biển, khi thì đốt lò, quét tuyết trong mùa đông băng giá ở nước Anh, khi thì bán báo, làm thợ ảnh ở nước Pháp,… và tranh thủ mọi điều kiện và thời gian dù rất ngặt nghèo để học, như một thủy thủ trên tàu kể lại: “Mỗi ngày, chín giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng khi mọi người nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm”.

Đối với Người, việc học tập nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung là một vấn đề gắn liền với vận mệnh và tương lai dân tộc. Cuộc đời của Người là một tấm gương sáng ngời về ý chí, tinh thần hiếu học và quan tâm chăm lo cặn kẽ đối với sự nghiệp trồng người cho đất nước. Và, cả đến khi “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”, trong Di chúc, Người vẫn thiết tha căn dặn: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Điều quan tâm rất mực ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một biểu hiện cao nhất, vĩ đại nhất của một dân tộc có truyền thống hiếu học.

Vì vậy, thiết nghĩ, học tập không chỉ là nghĩa vụ thiêng liêng mà còn là quyền lợi cao cả của mọi công dân. Học tập không chỉ đem lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân, mà còn là hạnh phúc cho cả một dân tộc và toàn nhân loại. Đó là một tư duy về chiến lược phát triển con người trong thời đại mới.

T.Q
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
42359540