Truy cập hiện tại

Đang có 64 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Làng thạc sĩ, đại học trên đất cù lao

(TGAG)- 4 tiến sĩ, 46 thạc sĩ (Ths), gần 400 học sinh đỗ đại học (ĐH), cao đẳng. Đó là những con số ấn tượng trên bảng vàng ghi danh, dù thống kê chưa đầy đủ tại một làng quê có nhiều lao động nghèo làm thuê lò gạch ở Nhơn Mỹ (Chợ Mới) nằm ven bờ sông Hậu, cù lao ông Chưởng hiền hòa. Mỗi năm xã đều có tân Ths, học sinh đỗ ĐH làm rạng danh quê hương hiếu học.

Theo các cụ cao niên, Nhơn Mỹ có địa danh là xứ Đồng Xút, nên có câu: "Đồng Xút là xứ quê mùa, đi thăm (cháu ngoại) Ths cho dùa Cà na". Về tâm linh, Chợ Mới là vùng đất địa linh nhân kiệt, được thiên nhiên và tạo hóa ưu đãi. Trong đó xã Nhơn Mỹ có 1 nhà thờ Thiên chúa giáo, 2 ngôi đình thần, 3 kiểng chùa..., cùng với truyền thống Chợ Mới là cái nôi cách mạng, từ đó đã sản sinh ra nhiều thế hệ con cháu có học vị cao. Điều đáng khâm phục, hầu hết các Ths, cử nhân đều xuất phát từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng có ý chí mãnh liệt vươn lên.


Từ năm 2012 đến nay, gần tới ngày khai giảng, Hội Khuyến học (HKH) xã Nhơn Mỹ đều trang trọng tổ chức lễ vinh danh, tuyên dương Ths, tiến sĩ, học sinh thi đỗ ĐH, Cao đẳng. Cha mẹ tự hào đóng góp một phần thành tích vào truyền thống hiếu học của xã, được lưu tên vào bảng vàng, có cái danh để hãnh tiến với đời. Lễ vinh danh là tâm huyết của ông Cao Phước Đông, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học trong xã nghỉ hưu, làm Chủ tịch Hội KHK xã Nhơn Mỹ từ năm 2009. Từ đó đến nay ông Đông xây dựng dựng được 23 "Dòng họ học tập", gần 3.000 gia đình học tập ở xã. Con trai ông Đông hiện là BSCKI Cao Nguyễn Phương, Bệnh viện Mắt-Tai mũi họng-Răng hàm mặt An Giang; rễ BSKCI Lê Đức Hạnh, Bệnh viện Tim mạch An Giang...

Ở vùng quê ấp Mỹ Thuận, người dân không lạ tấm gương người mẹ trẻ đơn thân nuôi con thành Ths. Đó là bà Phan Thị Kim Liên, chồng bị điện giật chết đúng vào ngày 2 đứa con gái nhận được giấy trúng tuyển vào ĐH. Trời đất như sụp đổ dưới chân. Bà Liên phải đóng 2 vai cha và mẹ, nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn và đi học. Bà chia sẻ: "Cú sốc quá lớn khiến tôi và các con khó vượt qua, nhưng bằng nghị lực của người mẹ, ý chí các con, gạt nước mắt tôi nuôi được các con khôn lớn. Con gái Nguyễn Thị Hồng Nga, Ths ngành Bảo vệ thực vật, 2 đứa tốt nghiệp cử nhân, con trai út đang là sinh viên Trường ĐH Cần Thơ". Ẩn sâu dưới khuôn mặt khắc khổ là niềm vui, hạnh phúc vô bờ, không uổng công bà Liên ở góa một mình, vượt lên nỗi đau, khó khăn tưởng chừng như không thể để ngày hôm nay con công thành danh toại.

Tìm về ấp Nhơn Lợi, tôi đến nhà ông Trần Văn Sĩ, giáo viên Trường THCS Phan Thành Long có 3 con đều là Ths. Con lớn Trần Nguyễn Khái Hưng tốt nghiệp Ths Toán Trường ĐH Cần Thơ năm 2010, hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thành Trinh; Trần Nguyễn Hòa Hưng, BS CKI Bệnh viện Tim mạch An Giang; Trần Nguyễn Thu Thảo, tốt nghiệp Ths kinh tế ĐH Cần Thơ năm 2017. 3 con dâu, rễ cũng là Ths. Gia đình ông Sĩ trở thành tấm gương hiếu học ở địa phương. Ông Sĩ cho biết: "Hai vợ chồng là giáo viên từ sau giải phóng, đồng lương 3 cọc, 3 đồng. Có lúc không có lương, ở tạm mái hiên đình, nhà xiêu vẹo, 2 vợ chồng vượt qua bao khó khăn để nuôi con ăn học. Thời bao cấp, tôi chỉ có duy nhất 1 bộ đồ mặc đi dạy, chiều về giặt, hôm sau mặc tiếp. Buổi đi dạy, một buổi mò cua, bắt ốc, vợ bán xôi cải thiện cuộc sống. Khó khăn là vậy, song nhờ các con có ý chí ham học, vươn lên khắc phục khó khăn, đồng thời cũng nhờ sau nay được Nhà nước cho vay giúp các con học tiếp cao học". 41 năm đứng trên bục giảng, ông Sĩ hạnh phúc về già, hãnh diện với bà con vì các con đều đỗ đạt, công thành danh toại. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt 2 vợ chồng ông Sĩ mỗi khi Tết đến xuân về, con cháu quây quần hơn chục đứa ríu rít, khiến lòng già càng thêm hạnh phúc.

12 năm học sinh giỏi, tốt nghiệp ĐH với tấm bằng kỹ sư, Nguyễn Xuân Lan (sinh năm 1982), quê xã Nhơn Mỹ được nhận vào làm việc tại Trung tâm quan trắc và tài nguyên môi trường tỉnh với vị trí nhân viên Phòng môi trường. 3 năm sau, Lan đi học Ths và được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc. Tốt nghiệp Ths kỹ thuật môi trường Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh ở tuổi 30, Ths Lan bộc bạch: "Cha mẹ đều là giáo viên nên từ nhỏ em đã hình thành ý thức chăm học, khát khao học cao. Nhất là khi va chạm thực tế công việc ngành môi trường mới mẻ đòi hỏi cần phải nâng cao kiến thức rộng hơn, để phát triển chuyên môn. Học cao học giúp em tiếp nhận nhiều kiến thức chuyên sâu, tìm giải pháp giải quyết môi trường tốt hơn. Em còn dự tính học lên tiến sĩ và ấp ủ nhiều ước mơ đóng góp cho quê hương việc gì có ý nghĩa như vấn đề rác thải". Chia tay tôi, Ths Lan nhắn nhủ: "Kiến thức rất cần thiết cho mọi người, có cơ hội nên trau dồi, nếu hoàn cảnh khó khăn, xung quanh còn nhiều người giúp đỡ, nên vượt qua học tiếp để đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước".

Ghé Trường THCS Phan Thành Long, thầy Võ Tấn Tới, Hiệu trưởng vui mừng: "Trường rất vinh dự khi có được 1 giáo viên là Ths". Ths Nguyễn Thanh Nhựt, nhà ở ấp Mỹ Hòa, giáo viên của trường cho biết: "Là cựu học sinh của trường trở về đây dạy học, tôi muốn nâng cao kiến thức để vận dụng truyền đạt cho các em. Cha mẹ là nông dân, nhà nghèo, hồi nhỏ vất vả lắm tôi mới được đi học. Anh thứ 3 dù học rất giỏi, nhưng phải nghỉ, đi làm gạch kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Ra trường có việc làm, có điều kiện, tôi mới dám thực hiện ước mơ thành Ths của mình".

Có đi học, thành tài mới thoát nghèo, đó là tâm sự của em Lê Phước Trí (Trường ĐH Cần Thơ). Trí bày tỏ: “Nhà chỉ 2 công ruộng, có đến 5 nhân khẩu, cha mẹ làm thuê lò gạch ở xã. 12 năm liền em đều đạt loại giỏi. Thấy em ham học, đậu ĐH cha mẹ vay ngân hàng 10 triệu đồng để em trang trải chi phí. Em sẽ cố gắng học để không phụ lòng cha mẹ". Em Nguyễn Trọng Thanh (Trường ĐH Cần Thơ) chia sẻ: "Nhà nghèo, mồ côi cha, mẹ vất vả cho em được đi học. Vào ĐH cả gánh nặng oằn trên đôi vai gầy của mẹ. May thay, em được nhận học bổng Doãn Tới 14 triệu đồng trong 4 năm học, tiếp sức em hoàn thành ĐH, tìm được việc làm nuôi mẹ, nuôi thân. Sự giúp đỡ của xã hội giúp em thêm nghị lực, ước mơ thành Ths, góp phần rạng danh quê hương".


Các tân sinh viên háo hức: "Thấy các Ths được trân trọng vinh danh làm động lực giúp chúng em phấn đấu, hãnh diện cho gia đình và xã hội". Các học sinh khối 12 cũng thầm ước một ngày không xa mình cũng được vinh danh bảng vàng Ths, cử nhân. Đây là hoạt động góp phần phát huy truyền thống hiếu học trong các gia đình, dòng họ ở xã Nhơn Mỹ và động viên, khuyến khích bồi dưỡng nhân tài địa phương. Nể ở chỗ cha mẹ dù vất vả đến mấy vẫn lo cho con ăn học, vì họ tâm nguyện: học là con ngắn nhất để thoát nghèo. Phục ở chỗ dù khó khăn, nhưng không thui chột ý chí ham học. Thay vì bỏ học sớm đi làm, các em vẫn nung nấu ý chí, đổi đời từ tấm bằng cử nhân, Ths. Các hoạt động xã hội hóa giáo dục, hỗ trợ học sinh nghèo tiếp bước đến trường được địa phương thực hiện tốt, giúp học sinh vượt khó. Như Dòng họ doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Thành Thu mỗi năm vận động cả trăm triệu đồng khen thưởng cho con cháu.

Chủ tịch HKH xã Nhơn Mỹ Cao Phước Đông cho biết: "Có được buổi lễ là sự nỗ lực rất lớn của địa phương, sự chung tay của các Mạnh Thường Quân. Tất cả đều hướng đến mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị, gia đình và xã hội. Khi thành tài, các em đừng quên điều đó, sống có trách nhiệm, chăm lo xây dựng đất nước, quê hương".
    

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đặng Hoài Dũng khẳng định: “Chợ Mới có 97 “Dòng họ học tập”, gần 36.000 Gia đình hiếu học, đứng nhất tỉnh. Các xã Nhơn Mỹ, Long Giang, Tấn Mỹ có số lượng “Dòng họ học tập” cao. Nhơn Mỹ là xã đầu tiên thành lập “Dòng họ hiếu học” Lương Văn Cù và một Chi hội KH doanh nghiệp tư nhân dòng họ đầu tiên, 12 Chi hội KH tôn giáo. Nhờ sự quan tâm của dòng họ, số học sinh tốt nghiệp ĐH, Cao đẳng và học Ths, tiến sĩ hàng năm tăng dần. Phong trào phát triển mạnh mẽ đó còn nhờ sự kế thừa nhiều tấm gương hiếu học của Chợ Mới, như: Thầy Châu Văn Liêm, cố Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng...



HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40817047