Công tác Khoa giáo
Đẩy nhanh khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam
- Được đăng: Thứ hai, 09 Tháng 8 2021 08:47
- Lượt xem: 1602
Năm 2021 - kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2021). Đây là dịp để chúng ta nhìn lại thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả của chất độc hóa học trong chiến tranh, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân chất độc da cam.
Cuối năm 1960, Tổng thống Mỹ Giôn Ken-nơ-đi chấp thuận khuyến nghị của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ về việc sử dụng chất diệt cỏ trong chiến tranh và triển khai Chiến dịch Khai quang (Operation Ranch Hand) tại Việt Nam - một bước chuẩn bị cho thực hiện Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965) ở Việt Nam. Đáng chú ý là, thành phần của thuốc diệt cỏ có chứa đi-ô-xin - một loại chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến; chỉ cần một liều lượng cực nhỏ cũng đủ gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản hoặc chết người. Mục đích của Chiến dịch Khai quang được Mỹ xác định là: 1- Làm trụi lá cây để phát hiện đường giao thông, các căn cứ của Quân Giải phóng; 2- Phá hoại mùa màng, cắt nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ của du kích và Quân Giải phóng, ngăn cản việc thành lập các khu quân sự của đối phương; 3- Làm trụi lá cây, tạo vành đai trắng bảo vệ các căn cứ quân sự, các đường vận chuyển và kho dự trữ của quân đội Mỹ và đồng minh, nhằm phát hiện, ngăn chặn sự xâm nhập, tấn công của lực lượng cách mạng.
Ngày 10-8-1961, vụ phun rải chất độc hóa học đầu tiên được máy bay Mỹ thực hiện dọc theo Quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum tới Đắc Tô, mở đầu cho chiến dịch phun, rải kéo dài 10 năm, gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam. Việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học đã gây ra hậu quả nặng nề đối với con người và môi trường, bị nhiều tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới phản đối, đặc biệt là các cuộc biểu tình phản đối đã liên tục xảy ra ở Mỹ. Trước tình hình đó, ngày 3-5-1971, quân đội Mỹ đã phải dừng các cuộc phun, rải; giao lại cho quân đội Việt Nam cộng hòa đảm nhận. Ngày 31-10-1971, được xác nhận là chuyến bay phun rải cuối cùng của quân lực Việt Nam cộng hòa.
Theo thống kê, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học; trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366kg đi-ô-xin. Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân. Tác hại của chất độc da cam/đi-ô-xin đã làm hầu hết hệ sinh thái rừng của Nam Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ bị tàn phá; hơn 3 triệu héc-ta rừng nguyên sinh bị hủy hoại,...(1). Nhiều gia đình nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều gia đình cả ba thế hệ đều là nạn nhân. Hàng vạn trẻ em bị dị tật bẩm sinh; nhiều em sống thực vật, không một giây phút như người bình thường. Hàng trăm nghìn người đã chết khi tuổi còn trẻ; hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chết dần, chết mòn; từng ngày, từng giờ quằn quại vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam.
Đến nay, cả nước vẫn còn hàng trăm nghìn nạn nhân chất độc da cam; trong đó, hàng trăm nghìn người từng tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học; khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; khoảng 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và đã có những nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Có 70% số gia đình nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ đói nghèo; 90% số nạn nhân chất độc da cam không có chuyên môn, nghề nghiệp(2). Vì vậy, phần lớn họ sống trong đau khổ, bệnh tật, đói nghèo - “Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”.
Công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh
Nhận thức rõ hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khỏe con người, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Ngày 15-10-1980, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Quyết định số 288-TTg, “Về thành lập Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam”; ngày 5-7-2002, Bộ Chính trị ra Thông báo số 69-TB/TW, “Về việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin”; ngày 5-7-2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg, “Về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Ngày 18-12-2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo Kết luận số 292-TB/TW, “Về việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; tổ chức hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam”.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, ngày 17-12-2003, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV, “Về thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam”. Theo đó, ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam (Vietnam Association for Victims of Agent Orange/dioxin - VAVA) được thành lập. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh.
Đến nay, tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đã được thành lập ở Trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố, trên 600 huyện, quận, thị xã và trên 6.700 xã, phường, thị trấn với hơn 400.000 hội viên. Sau khi thành lập, hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin các cấp đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên.
Theo thống kê của Trung ương Hội, từ năm 2004 đến tháng 3-2021, các địa phương trong cả nước đã vận động giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân với tổng số tiền hơn 2.650 tỷ đồng; trong đó đã chi xây dựng, sửa chữa gần 6.750 nhà tình nghĩa, trợ cấp 11.900 suất học bổng; trợ cấp khó khăn, lễ, tết, khám, chữa bệnh, vốn sản xuất... được 3.860.250 suất; xây dựng và duy trì hoạt động của 26 trung tâm bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam trực thuộc Trung ương và các tỉnh.
Các địa phương thường xuyên quan tâm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh; tuyên truyền về kết quả thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Nội dung tuyên truyền được gắn với công tác triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14-5-2015, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Phong trào “Hành động vì Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động được triển khai đồng bộ ở các cấp, các địa phương, ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, đã khơi dậy và phát huy tình cảm và trách nhiệm của cộng đồng.
Từ khi thành lập, quan hệ đối ngoại của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam không ngừng được mở rộng. Hằng năm, Trung ương Hội và các hội thành viên đã tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế và hàng trăm cá nhân đến từ 5 châu lục. Hội duy trì liên lạc thường xuyên với khoảng 30 tổ chức quốc tế ở nhiều nước trên thế giới; đón gần 100 đoàn khách quốc tế vào làm việc với Trung ương Hội và thăm nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội thường xuyên phối hợp hoạt động với các nhà khoa học của các nước, như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Nga... trong nghiên cứu khoa học về bệnh tật liên quan đến chất độc đi-ô-xin. Hoạt động đối ngoại của Hội đã góp phần vận động được hàng triệu USD ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trong cả nước.
Cùng với đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam thông qua các hoạt động yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam phải tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam. Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và một số cá nhân đã gửi đơn đến Tòa án quận Brúc-lin (Niu Oóc, Mỹ) kiện 37 công ty hóa chất Mỹ liên quan đến sản xuất và cung cấp chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam. Đây là vụ kiện tập thể, được tiến hành tại nước Mỹ, theo luật pháp Mỹ và do Tòa án Mỹ xét xử, là vụ kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành Tư pháp Mỹ.
Cùng với vụ kiện do Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đứng ra, nhiều cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục kiện các công ty hóa chất Mỹ. Điển hình là vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Trong thời gian làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam, bà bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Năm 1993, bà sang Pháp sinh sống, trở thành công dân Pháp. Tháng 5-2009, bà quyết định đứng nguyên đơn để kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất độc hại cho quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam. Vụ kiện của bà Trần Tố Nga là vụ kiện dân sự. Bà đứng đơn kiện với tư cách là công dân Pháp, dựa vào luật pháp của Pháp. Tháng 5-2013, Tòa Đại hình ở E-vơ-ri (Pháp) đã chấp thuận đơn kiện của bà Trần Tố Nga. Ngày 25-1-2021, Tòa Đại hình ở E-vơ-ri chính thức tổ chức phiên tranh tụng giữa 3 luật sư đại diện cho bà Trần Tố Nga và 20 luật sư đại diện cho 14 công ty hóa chất Mỹ (trong số các công ty bị kiện có nhiều công ty đã bị bán hoặc ngừng hoạt động nên chỉ còn 14 công ty ra Tòa).
Nhân dân Việt Nam luôn bên cạnh ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga bằng nhiều hành động thiết thực. Ngay sau khi bà đệ đơn kiện, ngày 13-6-2014, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã ra tuyên bố ủng hộ vụ kiện. Tiếp đó, ngày 9-4-2015, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã gửi thư ngỏ đến Tòa Đại hình ở E-vơ-ri đề nghị xét xử nghiêm minh đơn kiện của bà Trần Tố Nga. Hội cũng kêu gọi các tổ chức thành viên và toàn xã hội tích cực ủng hộ vụ kiện. Kết quả đã có hơn 400.000 chữ ký ủng hộ vụ kiện.
Các vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và một số cá nhân tuy chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng đã có tác dụng tố cáo tác hại, hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, làm thức tỉnh trách nhiệm và lương tâm của nhân loại; bước đầu tác động tích cực đến thái độ và hành động của Chính phủ Mỹ đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và hỗ trợ nhân đạo cho người khuyết tật, không phân biệt nguyên nhân ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam hoàn thành việc tẩy độc đi-ô-xin ở sân bay Đà Nẵng, đang xúc tiến thực hiện dự án tẩy độc đi-ô-xin ở sân bay Biên Hòa và triển khai dự án hỗ trợ người khuyết tật (trong đó có nạn nhân chất độc da cam) ở 8 tỉnh bị phun rải chất độc da cam/đi-ô-xin nặng nề nhất.
Từ năm 2015, các địa phương trong cả nước tiến hành điều tra, thống kê, bổ sung hàng nghìn hồ sơ nạn nhân thuộc nhiều đối tượng, trong đó có nhiều nạn nhân trực tiếp chiến đấu tại chiến trường và con đẻ của họ. Nhiều trung tâm xông hơi giải độc cho nạn nhân được xây dựng. Đến nay, các trung tâm đã tổ chức xông hơi, giải độc, tăng cường sức khỏe cho hơn 10.000 lượt nạn nhân chất độc da cam đạt kết quả tốt, không xảy ra tai biến y tế. Trong nghiên cứu khoa học, từ tháng 8-2012, Trung ương Hội đã chủ trì triển khai đề tài khoa học cấp quốc gia: “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; đề xuất phương hướng, giải pháp chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện”. Viện Nghiên cứu Da cam, thuộc Trung ương Hội đã chủ trì nghiên cứu đề tài độc lập cấp quốc gia: “Đối thoại nhân đạo về hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.
Với những thành tích đạt được, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng nhiều phần thưởng cao quý, như bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì Nạn nhân chất độc da cam”; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì; các tổ chức quốc tế, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tặng nhiều phần thưởng cao quý; 4 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 4 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”; Trung ương Hội tặng 55 cờ thi đua và hơn 1.000 bằng khen cho các tập thể, cá nhân của các đơn vị thành viên.
Một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Thời gian tới, công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin, nhất là công tác chăm lo, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tiếp tục đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Vì vậy, các ngành, các cấp, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Trong đó, chú trọng quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến giải quyết chính sách người có công với cách mạng và người khuyết tật trong tình hình mới. Đẩy mạnh tuyên truyền nhân kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội cả trong nước và quốc tế về thảm họa da cam ở Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền đối ngoại để bạn bè quốc tế thấy rõ hậu quả nặng nề của chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”; tôn vinh, biểu dương những tấm gương nạn nhân vượt khó vươn lên, các thân nhân tiêu biểu trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân; các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm có nhiều thành tích ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và cán bộ Hội tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”.
Thứ hai, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hoàn thiện chính sách bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân chất độc da cam. Cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng cần quan tâm rà soát, thẩm định hồ sơ, kịp thời ra quyết định đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã có đủ điều kiện nhưng chưa được hưởng chế độ theo quy định; đối với những người không trung thực, cố tình lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi thì kiên quyết làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; giải quyết tốt các vướng mắc, khiếu kiện ngay từ cơ sở, không để hình thành các “điểm nóng” ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Thứ ba, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện xây dựng tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin vững mạnh theo Thông báo số 158-TB/KL, ngày 2-1-2020, của Ban Bí thư, “Về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội quần chúng”. Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin các cấp phải chủ động, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Thứ tư, kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Chúng ta có quyền đòi hỏi Chính phủ Mỹ có trách nhiệm hơn trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Mở rộng nhiều phương thức đấu tranh phù hợp, kết hợp cả đấu tranh pháp lý và đấu tranh bằng đạo lý để đạt hiệu quả cao. Tiếp tục thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến thảm họa chất độc hóa học do quân đội Mỹ gây ra, làm cơ sở để tuyên truyền và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Phối hợp đồng bộ các phương thức, các lực lượng cả trong nước và quốc tế, bằng cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân với biện pháp, hình thức, bước đi phù hợp.
Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa công tác vận động nguồn lực, cả trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; trong đó cần chú trọng ưu tiên đối tượng là nạn nhân nặng, gia đình có nhiều nạn nhân, nạn nhân không có nơi nương tựa, nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” nhằm khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.
Hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề, lâu dài. Khắc phục hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với con người và môi trường ở Việt Nam là trách nhiệm, lương tâm của cộng đồng, xã hội, là vấn đề có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” đòi hỏi sự quan tâm của các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội. Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và hội thành viên ở các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng là tổ chức đại diện cho quyền lợi và lợi ích chính đáng của nạn nhân chất độc da cam. Kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam; chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam cần có hành động tích cực, thiết thực hơn nữa, góp phần đẩy nhanh khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh, ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân vơi bớt khó khăn, từng bước hòa nhập cộng đồng./.
NGUYỄN VĂN RINH
Thượng tướng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam
(1) Số liệu được Giáo sư J. M. Stenmen, Trường Đại học Tổng hợp Cô-lum-bi-a (Niu Oóc) công bố trên Tạp chí Nature, ngày 17-4-2004
(2) Theo số liệu thống kê năm 2020 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh (Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc với Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam) Ảnh: TTXVN
Cuối năm 1960, Tổng thống Mỹ Giôn Ken-nơ-đi chấp thuận khuyến nghị của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ về việc sử dụng chất diệt cỏ trong chiến tranh và triển khai Chiến dịch Khai quang (Operation Ranch Hand) tại Việt Nam - một bước chuẩn bị cho thực hiện Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965) ở Việt Nam. Đáng chú ý là, thành phần của thuốc diệt cỏ có chứa đi-ô-xin - một loại chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến; chỉ cần một liều lượng cực nhỏ cũng đủ gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản hoặc chết người. Mục đích của Chiến dịch Khai quang được Mỹ xác định là: 1- Làm trụi lá cây để phát hiện đường giao thông, các căn cứ của Quân Giải phóng; 2- Phá hoại mùa màng, cắt nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ của du kích và Quân Giải phóng, ngăn cản việc thành lập các khu quân sự của đối phương; 3- Làm trụi lá cây, tạo vành đai trắng bảo vệ các căn cứ quân sự, các đường vận chuyển và kho dự trữ của quân đội Mỹ và đồng minh, nhằm phát hiện, ngăn chặn sự xâm nhập, tấn công của lực lượng cách mạng.
Ngày 10-8-1961, vụ phun rải chất độc hóa học đầu tiên được máy bay Mỹ thực hiện dọc theo Quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum tới Đắc Tô, mở đầu cho chiến dịch phun, rải kéo dài 10 năm, gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam. Việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học đã gây ra hậu quả nặng nề đối với con người và môi trường, bị nhiều tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới phản đối, đặc biệt là các cuộc biểu tình phản đối đã liên tục xảy ra ở Mỹ. Trước tình hình đó, ngày 3-5-1971, quân đội Mỹ đã phải dừng các cuộc phun, rải; giao lại cho quân đội Việt Nam cộng hòa đảm nhận. Ngày 31-10-1971, được xác nhận là chuyến bay phun rải cuối cùng của quân lực Việt Nam cộng hòa.
Theo thống kê, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học; trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366kg đi-ô-xin. Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân. Tác hại của chất độc da cam/đi-ô-xin đã làm hầu hết hệ sinh thái rừng của Nam Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ bị tàn phá; hơn 3 triệu héc-ta rừng nguyên sinh bị hủy hoại,...(1). Nhiều gia đình nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều gia đình cả ba thế hệ đều là nạn nhân. Hàng vạn trẻ em bị dị tật bẩm sinh; nhiều em sống thực vật, không một giây phút như người bình thường. Hàng trăm nghìn người đã chết khi tuổi còn trẻ; hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chết dần, chết mòn; từng ngày, từng giờ quằn quại vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam.
Đến nay, cả nước vẫn còn hàng trăm nghìn nạn nhân chất độc da cam; trong đó, hàng trăm nghìn người từng tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học; khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; khoảng 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và đã có những nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Có 70% số gia đình nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ đói nghèo; 90% số nạn nhân chất độc da cam không có chuyên môn, nghề nghiệp(2). Vì vậy, phần lớn họ sống trong đau khổ, bệnh tật, đói nghèo - “Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”.
Công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh
Nhận thức rõ hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khỏe con người, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Ngày 15-10-1980, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Quyết định số 288-TTg, “Về thành lập Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam”; ngày 5-7-2002, Bộ Chính trị ra Thông báo số 69-TB/TW, “Về việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin”; ngày 5-7-2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg, “Về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Ngày 18-12-2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo Kết luận số 292-TB/TW, “Về việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; tổ chức hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam”.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, ngày 17-12-2003, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV, “Về thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam”. Theo đó, ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam (Vietnam Association for Victims of Agent Orange/dioxin - VAVA) được thành lập. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh.
Đến nay, tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đã được thành lập ở Trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố, trên 600 huyện, quận, thị xã và trên 6.700 xã, phường, thị trấn với hơn 400.000 hội viên. Sau khi thành lập, hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin các cấp đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên.
Theo thống kê của Trung ương Hội, từ năm 2004 đến tháng 3-2021, các địa phương trong cả nước đã vận động giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân với tổng số tiền hơn 2.650 tỷ đồng; trong đó đã chi xây dựng, sửa chữa gần 6.750 nhà tình nghĩa, trợ cấp 11.900 suất học bổng; trợ cấp khó khăn, lễ, tết, khám, chữa bệnh, vốn sản xuất... được 3.860.250 suất; xây dựng và duy trì hoạt động của 26 trung tâm bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam trực thuộc Trung ương và các tỉnh.
Các địa phương thường xuyên quan tâm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh; tuyên truyền về kết quả thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Nội dung tuyên truyền được gắn với công tác triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14-5-2015, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Phong trào “Hành động vì Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động được triển khai đồng bộ ở các cấp, các địa phương, ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, đã khơi dậy và phát huy tình cảm và trách nhiệm của cộng đồng.
Từ khi thành lập, quan hệ đối ngoại của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam không ngừng được mở rộng. Hằng năm, Trung ương Hội và các hội thành viên đã tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế và hàng trăm cá nhân đến từ 5 châu lục. Hội duy trì liên lạc thường xuyên với khoảng 30 tổ chức quốc tế ở nhiều nước trên thế giới; đón gần 100 đoàn khách quốc tế vào làm việc với Trung ương Hội và thăm nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội thường xuyên phối hợp hoạt động với các nhà khoa học của các nước, như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Nga... trong nghiên cứu khoa học về bệnh tật liên quan đến chất độc đi-ô-xin. Hoạt động đối ngoại của Hội đã góp phần vận động được hàng triệu USD ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trong cả nước.
Cùng với đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam thông qua các hoạt động yêu cầu Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam phải tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam. Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và một số cá nhân đã gửi đơn đến Tòa án quận Brúc-lin (Niu Oóc, Mỹ) kiện 37 công ty hóa chất Mỹ liên quan đến sản xuất và cung cấp chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam. Đây là vụ kiện tập thể, được tiến hành tại nước Mỹ, theo luật pháp Mỹ và do Tòa án Mỹ xét xử, là vụ kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành Tư pháp Mỹ.
Cùng với vụ kiện do Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đứng ra, nhiều cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục kiện các công ty hóa chất Mỹ. Điển hình là vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Trong thời gian làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam, bà bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Năm 1993, bà sang Pháp sinh sống, trở thành công dân Pháp. Tháng 5-2009, bà quyết định đứng nguyên đơn để kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất độc hại cho quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam. Vụ kiện của bà Trần Tố Nga là vụ kiện dân sự. Bà đứng đơn kiện với tư cách là công dân Pháp, dựa vào luật pháp của Pháp. Tháng 5-2013, Tòa Đại hình ở E-vơ-ri (Pháp) đã chấp thuận đơn kiện của bà Trần Tố Nga. Ngày 25-1-2021, Tòa Đại hình ở E-vơ-ri chính thức tổ chức phiên tranh tụng giữa 3 luật sư đại diện cho bà Trần Tố Nga và 20 luật sư đại diện cho 14 công ty hóa chất Mỹ (trong số các công ty bị kiện có nhiều công ty đã bị bán hoặc ngừng hoạt động nên chỉ còn 14 công ty ra Tòa).
Nhân dân Việt Nam luôn bên cạnh ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga bằng nhiều hành động thiết thực. Ngay sau khi bà đệ đơn kiện, ngày 13-6-2014, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã ra tuyên bố ủng hộ vụ kiện. Tiếp đó, ngày 9-4-2015, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã gửi thư ngỏ đến Tòa Đại hình ở E-vơ-ri đề nghị xét xử nghiêm minh đơn kiện của bà Trần Tố Nga. Hội cũng kêu gọi các tổ chức thành viên và toàn xã hội tích cực ủng hộ vụ kiện. Kết quả đã có hơn 400.000 chữ ký ủng hộ vụ kiện.
Các vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và một số cá nhân tuy chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng đã có tác dụng tố cáo tác hại, hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, làm thức tỉnh trách nhiệm và lương tâm của nhân loại; bước đầu tác động tích cực đến thái độ và hành động của Chính phủ Mỹ đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và hỗ trợ nhân đạo cho người khuyết tật, không phân biệt nguyên nhân ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam hoàn thành việc tẩy độc đi-ô-xin ở sân bay Đà Nẵng, đang xúc tiến thực hiện dự án tẩy độc đi-ô-xin ở sân bay Biên Hòa và triển khai dự án hỗ trợ người khuyết tật (trong đó có nạn nhân chất độc da cam) ở 8 tỉnh bị phun rải chất độc da cam/đi-ô-xin nặng nề nhất.
Từ năm 2015, các địa phương trong cả nước tiến hành điều tra, thống kê, bổ sung hàng nghìn hồ sơ nạn nhân thuộc nhiều đối tượng, trong đó có nhiều nạn nhân trực tiếp chiến đấu tại chiến trường và con đẻ của họ. Nhiều trung tâm xông hơi giải độc cho nạn nhân được xây dựng. Đến nay, các trung tâm đã tổ chức xông hơi, giải độc, tăng cường sức khỏe cho hơn 10.000 lượt nạn nhân chất độc da cam đạt kết quả tốt, không xảy ra tai biến y tế. Trong nghiên cứu khoa học, từ tháng 8-2012, Trung ương Hội đã chủ trì triển khai đề tài khoa học cấp quốc gia: “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam; đề xuất phương hướng, giải pháp chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện”. Viện Nghiên cứu Da cam, thuộc Trung ương Hội đã chủ trì nghiên cứu đề tài độc lập cấp quốc gia: “Đối thoại nhân đạo về hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.
Với những thành tích đạt được, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng nhiều phần thưởng cao quý, như bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì Nạn nhân chất độc da cam”; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì; các tổ chức quốc tế, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tặng nhiều phần thưởng cao quý; 4 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 4 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”; Trung ương Hội tặng 55 cờ thi đua và hơn 1.000 bằng khen cho các tập thể, cá nhân của các đơn vị thành viên.
Một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Thời gian tới, công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin, nhất là công tác chăm lo, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tiếp tục đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Vì vậy, các ngành, các cấp, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Trong đó, chú trọng quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến giải quyết chính sách người có công với cách mạng và người khuyết tật trong tình hình mới. Đẩy mạnh tuyên truyền nhân kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội cả trong nước và quốc tế về thảm họa da cam ở Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền đối ngoại để bạn bè quốc tế thấy rõ hậu quả nặng nề của chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”; tôn vinh, biểu dương những tấm gương nạn nhân vượt khó vươn lên, các thân nhân tiêu biểu trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân; các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm có nhiều thành tích ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và cán bộ Hội tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”.
Thứ hai, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hoàn thiện chính sách bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân chất độc da cam. Cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng cần quan tâm rà soát, thẩm định hồ sơ, kịp thời ra quyết định đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã có đủ điều kiện nhưng chưa được hưởng chế độ theo quy định; đối với những người không trung thực, cố tình lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi thì kiên quyết làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; giải quyết tốt các vướng mắc, khiếu kiện ngay từ cơ sở, không để hình thành các “điểm nóng” ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Thứ ba, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện xây dựng tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin vững mạnh theo Thông báo số 158-TB/KL, ngày 2-1-2020, của Ban Bí thư, “Về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội quần chúng”. Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin các cấp phải chủ động, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Thứ tư, kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Chúng ta có quyền đòi hỏi Chính phủ Mỹ có trách nhiệm hơn trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Mở rộng nhiều phương thức đấu tranh phù hợp, kết hợp cả đấu tranh pháp lý và đấu tranh bằng đạo lý để đạt hiệu quả cao. Tiếp tục thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến thảm họa chất độc hóa học do quân đội Mỹ gây ra, làm cơ sở để tuyên truyền và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Phối hợp đồng bộ các phương thức, các lực lượng cả trong nước và quốc tế, bằng cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân với biện pháp, hình thức, bước đi phù hợp.
Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa công tác vận động nguồn lực, cả trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; trong đó cần chú trọng ưu tiên đối tượng là nạn nhân nặng, gia đình có nhiều nạn nhân, nạn nhân không có nơi nương tựa, nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” nhằm khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.
Hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề, lâu dài. Khắc phục hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với con người và môi trường ở Việt Nam là trách nhiệm, lương tâm của cộng đồng, xã hội, là vấn đề có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” đòi hỏi sự quan tâm của các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội. Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và hội thành viên ở các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng là tổ chức đại diện cho quyền lợi và lợi ích chính đáng của nạn nhân chất độc da cam. Kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam; chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất, cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam cần có hành động tích cực, thiết thực hơn nữa, góp phần đẩy nhanh khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh, ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân vơi bớt khó khăn, từng bước hòa nhập cộng đồng./.
NGUYỄN VĂN RINH
Thượng tướng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam
Theo TCCS
___________(1) Số liệu được Giáo sư J. M. Stenmen, Trường Đại học Tổng hợp Cô-lum-bi-a (Niu Oóc) công bố trên Tạp chí Nature, ngày 17-4-2004
(2) Theo số liệu thống kê năm 2020 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.