Truy cập hiện tại

Đang có 97 khách và không thành viên đang online

Nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

(TGAG)- Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược và mang tính đột phá, được triển khai thực hiện khá đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng; huy động được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân tham gia. Đến nay đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt.

Nông nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, phát triển tương đối toàn diện, tạo nền tảng vững chắc góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội; năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên, xuất khẩu liên tục tăng. Đời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện; dân chủ ở cơ sở được phát huy. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và tương đối đều khắp cả nước…

Tuy nhiên, thực tế cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại; sản xuất nông nghiệp chậm phát triển theo hướng hiện đại, thiếu tính bền vững; hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị giảm; an toàn, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Quan hệ sản xuất chậm được đổi mới, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm; sự gắn kết giữa công nghiệp, dịch vụ với sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa được coi trọng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thu nhập và mức sống của dân cư nông thôn còn thấp; tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao, giảm nghèo ở nhiều vùng kém bền vững; chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục ở nhiều nơi còn thấp. Hệ thống hạ tầng nông thôn còn lạc hậu, chậm được cải thiện. Xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, kém chất lượng; mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 và 2020 khó đạt được nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ mạnh hơn về cơ chế, chính sách và nguồn lực.

Nguyên nhân chính của những hạn chế, yếu kém trên trước hết do nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền ở một số nơi về Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đầy đủ, thiếu vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương; còn xem nhẹ vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa được thường xuyên, thiếu quyết liệt.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục quán triệt, thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết, trước hết cần đẩy mạnh, công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt Nghị quyết để từng cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan và mọi người dân hiểu đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
    
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; coi phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Quan hệ giữa nông nghiệp – nông dân – nông thôn là phát triển công nghiệp, dịch vụ và kinh tế đô thị khu vực nông thôn là quan hệ hữu cơ nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái.

Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở thực hiện quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch nông nghiệp, đô thị. Nâng cao vai trò làm chủ của người nông dân; chú trọng xây dựng và phát triển giai cấp nông dân.

Cùng với quá trình nói trên, các cấp ủy cần quan tâm chỉ đạo việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của dân cư nông thông, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn. Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục nâng cao chất lượng và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Mỗi đoàn thể chính trị - xã hội đăng ký thực hiện nội dung cụ thể trong chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Kết quả thực hiện là thước đo đánh giá năng lực, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân người đứng đầu.

TRUNG THÀNH

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39977025