Đảng ta thật vĩ đại!
- Được đăng: Thứ sáu, 24 Tháng 1 2020 21:53
- Lượt xem: 1693
“Thuở nô lệ, thân ta nước mất
Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm
Một đời đau suốt trăm năm
Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao!”
(Tố Hữu)...
Ngay lập tức, từ Nam chí Bắc các cuộc khởi nghĩa và các phong trào đấu tranh chống Pháp đã diễn ra liên tục và mạnh mẽ. Tuy nhiên do không có đường lối đúng đắn nên tất cả đều thất bại. Non một thế kỷ, mấy trăm cuộc khởi nghĩa thất bại; thất bại chồng lên thất bại... Cả dân tộc đứng trước cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối.
Sinh ra và lớn lên trong nghịch cảnh đó, ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Người giải thích: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”…
Người đã đi đến hầu hết các châu lục. Đây là những năm tháng “thấm dầy thực tiễn”, nó giúp cho Người tìm thấy, hiểu đúng bản chất của chủ nghĩa thực dân. Năm 1912, dừng chân ở nước Mỹ không lâu nhưng Người đã sớm nhận ra bộ mặt thật của đế quốc. Đằng sau khẩu hiệu "cộng hòa dân chủ" của giai cấp tư sản là những thủ đoạn bóc lột nhân dân lao động vô cùng tàn bạo... Đầu năm 1919, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6 năm 1919, với tên mới là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người yêu nước Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc-xây Bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm, đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Nhưng bản Yêu sách không được chấp nhận, Người nhận thấy: "Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn" và "Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình".
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin và cũng chính từ đây đã chỉ ra cho Người con đường đấu tranh giành độc lập tự do thật sự cho dân tộc. Người nói: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta".
Cuối tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp với tư cách đại biểu Đông Dương. Kết thúc Đại hội ngày 30/12/1920, Người ủng hộ thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Người tập trung chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, lập ra Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu, Trung Quốc, đồng thời gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc).
Trong Báo cáo gởi Quốc tế Cộng sản ngày 19-2-1925 Người nêu rõ: “Tôi đã lập một nhóm bí mật gồm 9 hội viên”, trong đó “có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản...”. Đến năm 1927, trong một báo cáo khác, Người viết: “... chúng tôi đã... : 1) Đưa 75 thanh niên An Nam đến học ở Trường tuyên truyền do chúng tôi tổ chức ở Quảng Châu, 2) Xuất bản 3 tờ tuần báo nhỏ, 3) Phái những người tuyên truyền vừa mới được đào tạo về Xiêm, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ, 4) Thành lập một liên đoàn cách mạng do một uỷ ban gồm 5 uỷ viên ở Quảng Châu lãnh đạo, liên đoàn đã bắt rễ khắp nơi trong tất cả các xứ Đông Dương đó”... Chính nhờ hoạt động không mệt mỏi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà đến cuối năm 1929, đầu năm 1930, những điều kiện cho sự ra đời của một Đảng Cộng sản đã chín muồi (Ngày 17/6/1929 Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập tại Hà Nội. Tháng 11/1929 tại Nam Kỳ thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ngày 1/1/1930 thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ở Trung Kỳ). Đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhận xét: “Một nước mà ba đảng cộng sản. Cả ba nhóm đều ngầm hiểu như thế là sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là không đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp hòi và cách làm không khéo, cho nên càng muốn gần nhau, lại càng xa nhau”.
Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc; đồng chí đã yêu cầu Hội nghị thảo luận và thống nhất trước hết là vấn đề tự phê bình và phê bình:“Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”. “Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. “Từ ngày mới ra đời, Ðảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Mầu cờ đỏ của Ðảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên”. Bác Hồ đã khẳng định: “... Kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang”.
Nhìn lại chặng đường đã qua: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn như hiện nay. Những thắng lợi to lớn qua 90 năm và những thành tựu qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới càng minh chứng sinh động về vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng ta thật vĩ đại bởi Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Thành công càng lớn, thắng lợi càng to, chúng ta càng phải thực hiện tốt chỉ dạy của Bác: “... tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại”. “Chúng ta có nhiều thành công, nhưng chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Mỗi đồng chí ta cần phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình. Đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hòi chưa? Đã bỏ hết tư ý tiểu khí chưa? Đã luôn cố gắng học tập, luôn luôn cầu tiến bộ chưa? Đã thực hiện đoàn kết 100% chưa? Đã thật cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư chưa? Đã thật là người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc chưa? Nếu chưa thì phải làm cho kỳ được”.
“Sứ mệnh của Đảng ta rất to. Công việc Đảng ta rất nhiều. Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm trọn nhiệm vụ của đảng viên”./.
TRUNG THÀNH