Truy cập hiện tại

Đang có 177 khách và không thành viên đang online

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng bồi dưỡng lý luận chính trị

Sau gần 15 năm thực hiện Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12/05/1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống cơ sở đào tạo lý luận chính trị được củng cố, phát triển; số lượng cán bộ được đào tạo lý luận chính trị tăng nhanh; nội dung, chương trình bước đầu đổi mới; đội ngũ giảng viên tăng cả về số lượng và chất lượng; điều kiện vật chất, kỹ thuật của các cơ sở đào tạo được cải thiện.


 Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn một số hạn chế, yếu kém. Việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới… Quản lý đào tạo còn có mặt yếu kém, nhất là quản lý tự học của học viên. Chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo còn có mặt hạn chế.
Ngày 26/05/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó xác định: Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ quan trọng của Ðảng. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, gắn học tập với rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách người cách mạng. Nghị quyết đã chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới như sau.
Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, gắn việc xây dựng quy hoạch cán bộ với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh của từng giai đoạn. Chọn, cử cán bộ đi đào tạo đúng đối tượng, thiết thực, tránh tràn lan, gây tốn kém, lãng phí.
Xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Thực hiện nghiêm việc phân cấp đối tượng đào tạo, gắn với thẩm định tiêu chuẩn cán bộ cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
Đa dạng hóa các hình thức, phương thức đào tạo trên cơ sở tăng cường đào tạo tập trung, từng bước giảm đào tạo tại chức, bảo đảm tốt quy mô và chất lượng đào tạo. Thực hiện chiêu sinh học lý luận chính trị đúng đối tượng và phù hợp với quy mô đào tạo; cán bộ trẻ nhất thiết phải qua đào tạo tập trung.
Ðổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng chức danh cán bộ. Xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng loại chức danh cán bộ. Nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian đào tạo phù hợp, bảo đảm tính kế thừa, thống nhất; bậc đào tạo càng cao, nội dung càng chuyên sâu, tránh trùng lắp nội dung ở các hệ, bậc học dưới. Chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý.
Ðổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn.
Tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Thống nhất quy định tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở và tương đương phải tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và tương đương trở lên phải tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị.
- Kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu, tham mưu về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề. Tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng là cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giỏi trong và ngoài nước; quy định cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có nhiệm vụ làm giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng tại các cơ sở đào tạo lý luận chính trị.

Lê Chí Thành

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37140062